Bất thường
Trước thông tin ông Nguyễn Điểu – Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang xảy ra hiện tượng chuyển dịch, mua bán các dự án BĐS với quy mô lớn. Rất nhiều dự án đã bị người Trung Quốc mua để xây dựng cao ốc, cho nhiều người ở.
Nêu quan điểm, ông Lê Việt Trường – Phó chủ nhiệm Ủy ban an ninh quốc phòng nhận định, về mặt luật pháp Chính phủ đã quy định cho phép người nước ngoài được mua bán, sở hữu BĐS tại Việt Nam. Quy định này được quy định rõ tại Luật nhà ở đi kèm với những điều kiện rất nghiêm ngặt.
Đà Nẵng thu hồi hàng loạt dự án sai quy định |
“Không phải bất cứ người nước nào cũng được đến VN mua nhà hay mua ở vị trí nào cũng được”, ông Trường nói, luật đã có, phải thực hiện theo luật. Vấn đề là làm thế nào để xử lý và ngăn chặn được tình trạng lách luật thì đây lại là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Do đó, ông Trường cho biết, muốn xử lý phải đi vào từng vụ việc cụ thể.
Trở lại câu chuyện của Đà Nẵng, ông cho biết nếu người Trung Quốc hoặc người nước ngoài mua bán các dự án nhà hàng, khách sạn những giữ nguyên mục đích kinh doanh thì không đáng ngại. Song, mua bán các dự án nhà hàng, khách sạn sau đó lại chuyển đổi mục đích sử dụng như xây biệt thự, cao ốc, xây nhà riêng để cho người ở là bất thường và cần phải xem xét cẩn trọng.
Chia sẻ với khó khăn của Đà Nẵng trong công tác quản lý và xử lý đối với những trường hợp nêu trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban an ninh quốc phòng cho rằng không thể vội vàng, xử lý duy ý chí.
“Luật pháp không cấm thì Đà Nẵng cũng không thể áp đặt biện pháp xử phạt hành chính thô thiển trong bối cảnh VN đang tham gia vào nhiều hiệp ước kinh tế, thương mại. Nhất là đang tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do TPP… Làm như vậy sẽ đi ngược lại với những cam kết của VN với các nước thế giới.
Với trường hợp của Đà Nẵng, tôi cho rằng đã có sự vận dụng vượt quá quy định của pháp luật khi quyết định cho phép người nước ngoài thuê, sở hữu BĐS tại địa phương. Do đó, Đà Nẵng phải cùng với Bộ Quốc phòng rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp phép, hoặc mua, bán trên địa bàn. Trong trường hợp, dự án thật sự ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng hoặc ảnh hưởng tới các phương án tác chiến quốc gia, Đà Nẵng phải thu hồi và chấp nhận bồi thường cho đối tác. Việc này cũng đã có quy định và được pháp luật cho phép”, ông Trường nêu ý kiến.
Thông tin thêm về buổi làm việc trước đó giữa Ủy ban an ninh quốc phòng và Bộ Quốc phòng về Luật đường biển ông Trường cho hay: “Theo quy định tại Luật biên giới quốc gia, khu vực được gọi là biên giới biển được xác lập từ đường cơ sở giật lùi vào hết các xã dọc bờ biển. Theo đó, tất cả những hoạt động trên khu vực này phải tuân thủ theo những quy định hết sức chặt chẽ của Bộ Quốc phòng và Luật đường biển”.
Ông Trường cho rằng, Đà Nẵng cứ dựa trên cơ sở đó để xử lý.
Tại Đà Nẵng trước đó có tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài thuê, xây dựng rồi tự bao chiếm các khu vực ven biển, ngăn cấm không cho người Việt đi qua là việc làm sai luật và đã bị xử lý, thu hồi. Tình trạng bất cập trên không chỉ xảy ra với Đà Nẵng, thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài vào thâu tóm các dự án ven biển khắp nước ta. Cụ thể như dự án Phượng Hoàng ở Khánh Hòa vừa qua.
Theo ông Trường, để kiểm soát tốt và tránh “thả gà rồi mới đuổi” thì phải làm thật tốt hai quy hoạch là: quy hoạch phát triển kinh tế và quy hoạch an ninh quốc phòng.
Đà Nẵng xin cơ chế riêng?
Ông Hoàng Quang Huy – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển Đà Nẵng cho biết, vùng biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn vẫn được xem là địa điểm nhạy cảm về lĩnh vực an ninh quốc phòng. Do đó, bất cứ sự cải tạo, thay đổi hay sử dụng vào mục đích gì cũng phải có ý kiến thống nhất của Bộ quốc phòng.
Ông Huy đặt câu hỏi, trong bối cảnh thị trường BĐS đang đứng bánh, hiện tượng người nước ngoài ồ ạt mua đất với diện tích, quy mô lớn là hiện tượng không bình thường. Vậy lãnh đạo thành phố phải xử lý thế nào? Bộ Quốc phòng, Ban chỉ huy quân sự tỉnh cũng cần cân nhắc và có tiếng nói trong trường hợp này.
Theo ông, Huy, những năm trước đây khi giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với vấn đề an ninh quốc phòng thì đã có thống nhất. Về chủ trương có thể cho người nước ngoài thuê và xây dựng nhà nhưng phải đảm bảo thứ nhất: không xâm phạm những khu vực được coi là nhạy cảm về an ninh quốc phòng như, di tích, lo cốt trận địa pháo… Riêng diện tích phía Đông và phía Bắc bán đảo Sơn Trà là khu vực thuộc sự quản lý đất quốc phòng và tuyệt đối không được xâm phạm.
Thứ hai, đẩy sâu khu vực xây dựng vào phần đất liền, đảm bảo khoảng không tối thiểu cho những khu vực nhạy cảm. Cụ thể là, cách bờ biển tối thiểu bao nhiêu; phải đảm bảo khu vui chơi, công viên xanh, đường đi bộ thế nào?...
Thứ ba, quy định thời hạn nhất định đối với người nước ngoài thuê, sở hữu BĐS. Trong trường hợp xảy ra diễn biến phức tạp phải chủ động thu hồi lại được.
Trở lại câu chuyện của Đà Nẵng, ông Huy cho biết, những khu vực ven biển tiếp giáp với đồi núi, khu vực an ninh quốc phòng thì ông Huy cho biết ngoài việc cho thuê, xây dựng phải xin ý kiến Bộ quốc phòng cũng cần có quy định hạn chế cho thuê, khống chế quy mô mua bán đối với người nước ngoài.
Trong trường hợp, mua đi bán lại giữa người Việt với người nước ngoài thì cần được xác minh rõ ràng. Vì đây là thủ đoạn chung của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhằm lách luật, gây phiền hà, khó khăn trong công tác quản lý.
Nhận định hiện tượng trên là bất thường nhưng ông Nguyễn Điểu – GĐ Sở TNMT, cũng chia sẻ khó khăn trong quản lý và xử lý tình trạng này. Một trong những khó khăn hiện nay là quy định cho người nước ngoài thuê, sở hữu BĐS tại Việt Nam hoàn toàn nằm trong quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc mua đi bán lại giữa người Việt với người nước ngoài là rất khó kiểm soát.
Do đó, ông Điểu cho biết trước mắt sở đang có chủ trương tham mưu cho thành phố xin cơ chế xử lý dứt điểm.
“Sở đang xin quy định hạn chế, khống chế quy mô, diện tích BĐS khi cho người nước ngoài thuê hoặc sở hữu BĐS ven biển Đà Nẵng ở mức tối đa. Sở đã có ý kiến với thành phố, thành phố cũng báo cáo Chính phủ. Được biết, nếu cần thiết thì Bộ Quốc phòng cũng sẽ có ý kiến” - ông Điểu cũng cho biết.
An An
No comments:
Post a Comment