Hồi tháng 5, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã thăm Moscow dự lễ mừng chiến thắng của Nga và mới đây, Tổng thống Nga Putin tới Bắc Kinh tham dự lễ diễu binh tháng 9.
Những chuyến viếng thăm cấp cao này được nhiều người cho rằng là dấu hiệu cho sự hợp tác lớn hơn giữa hai nước. Khi TQ hướng tới mục tiêu trở thành siêu cường toàn cầu, còn Nga thì kiếm nhiều đồng minh bên ngoài phương Tây, hai nước rõ ràng đã xác định là đối tác tiềm năng của nhau.
Những lợi ích trong quan hệ kinh tế Nga-Trung bắt nguồn từ liên minh chính trị gắn kết nhưng thực tế, nền kinh tế mỗi nước đều đang bất ổn.
Kinh tế Nga tiếp tục đi xuống, giá trị đồng rúp liên tục giảm trong suốt hai năm qua, tỉ lệ lạm phát ở mức 15%. Giá dầu thô của Nga ở mức thấp kỷ lục. Sức khỏe nền kinh tế còn chịu tác động nghiêm trọng của các biện pháp cấm vận phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina.
Mặc dù những con số thống kê về kinh tế ảm đạm, nhưng ngân sách quân sự khá lớn của Nga hầu như không thay đổi. Nó chỉ được chỉnh chút ít gần đây như để phản ánh khả năng kinh tế của đất nước. Bất chấp những khó khăn kinh tế, ông Putin vẫn giữ nguyên lập trường về vấn đề Ukraina.
Trong khi đó, kinh tế TQ cũng có những dấu hiệu không tốt sau thời gian dài tăng trưởng thần kỳ. Thị trường chứng khoán đã giảm 7,6% và ước tính tổn thất tới 4 nghìn tỉ USD.
Đối tác thực sự hay ước tính rủi ro?
Hôm 8/5, Moscow tổ chức hội nghị thượng đỉnh và chính thức tuyên bố, Nga-Trung có kế hoạch "hợp tác trong điều phối phát triển EEU và Vành đai kinh tế con đường tơ lụa".
Quyết định hồi sinh "Con đường tơ lụa Âu - Á" bắt nguồn từ việc cả hai nước nhận ra những rủi ro khi cạnh tranh trong một "không gian kinh tế chung".
Chỉ có cách hợp tác với Bắc Kinh, Moscow mới có thêm một đối tác mới trong khi vẫn làm việc với thị trường truyền thống.
Quan hệ đối tác này mang lại lợi ích cho cả Nga và TQ khi hai bên cùng tận dụng lợi thế của nhau. TQ cung cấp các khoản đầu tư lớn và tạo tăng trưởng trong thị trường. Còn Nga đổi lại được đảm bảo an ninh trong khu vực thông qua Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể.
Thỏa thuận cho phép TQ tham gia các thị trường Âu - Á, mang lại lợi ích cho chính mình và cả nước khác tham gia mà không cần xây dựng sự hiện diện quân sự trong khu vực. Như vậy, Nga tiếp tục là người đảm bảo an ninh chủ chốt trong khu vực và không phải đối mặt với một lực lượng quân sự nước ngoài chen vào giữa.
Không đặt trứng một giỏ
Nga hồi tháng 6 tuyên bố, 115.000 ha đất ở khu vực Zabaikalsk được cho công ty TQ Huae Xinban thuê trong vòng 49 năm. Động thái này đánh dấu sự gia tăng đầu tư của TQ tại Nga và được đón nhận như một cơ hội để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp Nga. Trong khi một hãng ở TQ đã mua 900 triệu USD cổ phần của công ty sản xuất dầu Novatek trong dự án Yamal LNG.
Không thể phủ nhận hai nước đã chia sẻ mối quan hệ chính trị mạnh mẽ song trao đổi thương mại và tài chính Trung - Nga đến nay chưa thực sự gây ấn tượng. Khi yếu tố kinh tế trong hợp tác song phương sụt giảm, người ta nhìn thực tế thấy rằng, quan hệ hai nước có vẻ "thụt lùi" trong ít tháng qua.
Đầu tư nước ngoài trực tiếp của TQ tại nga đã thất bại trong nỗ lực chấn hưng kinh tế Nga. Các chuyên gia cảnh báo Nga có thể trải qua cuộc suy thoái toàn diện vào năm tới nếu Moscow không thể ổn định nền kinh tế.
Chương trình nghị sự "Một vành đai, một con đường" vẫn chưa đi tới bất kỳ nơi cụ thể nào.
Nga đang tích cực theo đuổi thắt chặt quan hệ với các nước châu Á khác như Ấn Độ. Ông Putin gần đây đã chào mời các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok. Chính phủ Nga rõ ràng khá thận trọng không "đặt hết trứng vào giỏ TQ".
Cùng lúc đó, chiến lược trục xoay châu Á của Mỹ tiếp tục chứng tỏ ưu thế. Dù TQ đã khẳng định được vai trò với kinh tế, chính trị toàn cầu, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa theo kịp Washington không khía cạnh hỗ trợ xây dựng năng lực và tiến bộ kinh tế cho các đối tác.
Để phát triển kinh tế thịnh vượng, Moscow cuối cùng khó tránh phải cân nhắc việc cải thiện quan hệ với Washington.
Thái An (Theo Valuewalk)
No comments:
Post a Comment