Công nhân đang làm việc tại một nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: TL.
Đợt rà soát thuế chống bán phá giá áp cho tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam cho giai đoạn từ 1-2-2013 đến 31-1-2014. Mức thuế 0,91% giảm 0,02 điểm phần trăm so với kết quả sơ bộ vào tháng 3-2015, và giảm mạnh so với lần POR8 khi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ chịu mức thuế trung bình là 6,37%.
Theo thông cáo báo chí của Vasep phát đi ngày 10-9, trong ba bị đơn bắt buộc thì Minh Phu Seafood Corp có mức thuế cao nhất là 1,39%, giảm nhẹ so với kết quả sơ bộ là 1,5%, Thuan Phuoc Corp chịu mức 1,16%, cao hơn một chút so với kết quả sơ bộ 1,06%, và Fimex VN là 0%. Mức thuế cho 32 bị đơn tự nguyện khác là 0,91%. Mức thuế chung áp dụng toàn quốc là 25,4%, giảm so với 25,76% của POR8.
Một trong những yếu tố chính giúp cho mức thuế này giảm so với lần trước là DOC đã dựa trên các dữ kiện phù hợp hơn từ ba nước tham khảo là Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để tính giá thành.
Như vậy, với mức thuế POR9 giảm mạnh so với POR8, dự đoán xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm sẽ khởi sắc, sau khi sụt giảm trên 50% trong 8 tháng đầu năm.
Năm 2014, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh từ những tháng đầu năm và bắt đầu sụt giảm kể từ tháng 9 sau khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR8 với mức thuế trung bình cao nhất từ trước tới nay là 6,37%.
Trong 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 370 triệu đô la Mỹ, tiếp tục giảm mạnh do áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung từ các nước Ấn Độ, Indonesia.
Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 20% lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2014, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ.
Ngọc Hùng
No comments:
Post a Comment