Bởi vậy, tôi rất đồng tình khi mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 của ngành giáo dục, chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng phải phàn nàn về căn bệnh hình thức của nghi lễ Khai giảng năm học mới nhiều năm qua. Quả là, nhiều lãnh đạo cũng “mắc bệnh” nói dai nói dài. Chưa kể, với lứa tuổi hiếu động, các em ngồi dưới chắc chắn chẳng mấy khi tập trung mà lắng nghe những nội dung nặng nề hình thức, chứ ít khi gần gũi, sinh động, thú vị, hợp “gu” của các em.
Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng, năm nay, các trường học trên toàn quốc sẽ thống nhất tổ chức Lễ Khai giảng cùng một ngày 5/9/2015. Các hoạt động trong nghi lễ cũng sẽ tập trung vào học sinh, tránh sự rườm rà của những thủ tục phiền phức, bao gồm cả việc đón các lãnh đạo đến phát biểu ý kiến.
Như vậy, có thể thấy đây là lần đầu tiên sau hàng chục năm, Lễ khai giảng năm học mới trên đất nước ta hy vọng sẽ trở lại truyền thống cũ vốn rất đáng được trẻ thơ ngóng trông. Tuy vậy, một vấn đề nữa cũng rất cần xử lý dứt điểm là cảnh học trò “phơi nắng, đội mưa” chờ lãnh đạo, vì đại biểu còn "chạy sô" nên lắm khi đến muộn. Đọc trên báo, có câu chuyện thực ở một trường mầm non mà khiến lòng day dứt:
“Cả chục năm nay, năm nào cũng như năm nào, các con tập trung từ 7h15 sáng ở sân trường, hàng chục chiếc quạt công suất lớn chĩa vào các con nhưng không giảm được cái nóng ngột ngạt, oi bức. Chốc chốc lại có tiếng các cô nhắc vào loa: “Khi nào các bác Thủ trưởng cấp trên đến, cả trường ta nhớ vỗ tay hoan hô nhé. Các con nhớ chưa nào?”. Tiếng trẻ con ê a vang lên “Chúng con nhớ rồi ạ”. Rồi sau đó lại ào ào như ong vỡ tổ. Có năm, phải gần 10 giờ các bác Thủ trưởng mới đến được trường nhưng buổi khai giảng diễn ra rất chóng vánh, vội vàng vì trời nắng quá, lại sắp đến giờ các con ăn trưa”[1].
Khai giảng phải thực sự trở thành ngày hội đáng nhớ của các em học sinh. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Như một lời nhắc nhở: Câu chuyện nhỏ về Bác
Cách đây không lâu, tôi tình cờ xem được một đoạn băng ghi hình của cố Đại sứ Phan Văn Kim, nguyên đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Dân chủ Đức (nhiệm kỳ 1981-1984), một người có gần 30 năm làm công tác trong ngành ngoại giao. Trong tư liệu của ông, có nhiều kỷ niệm với Bác Hồ. Có một chuyện mà nếu nghe lướt qua chưa hẳn đã mấy ai để ý, nhưng thực ra lại rất đáng suy ngẫm về cách ứng xử của Người với trẻ em.
Ông Kim không đề cập đến thời điểm, nên tôi xin phép chỉ nhắc cái điều cốt lõi của câu chuyện. Còn nhiệm kỳ của vị Thủ tướng Cộng hoà Dân chủ Đức được ông nhắc đến là giai đoạn 1949 - 1964.
Theo ông Kim kể, lần đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự hội đàm với đoàn đại biểu Chính phủ CHDC Đức do Thủ tướng Otto Grotewohi dẫn đầu sang thăm nước ta. Vì Phủ Chủ tịch nằm ngay sát Phủ Thủ tướng, nên Bác Hồ cũng ở gần chỗ hội đàm. Bác biết thời gian hội đàm đã quá giờ so với dự kiến, và thực tế đã có thể kết thúc. Bác rẽ vào sảnh phòng họp rồi nhờ gọi Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra ngoài phòng, nói nhỏ: "Thôi, chỉ 5 phút nữa kết thúc nhé! Ngoài kia các cháu thiếu nhi phải chờ ở sân Bách Thảo lâu rồi! Để các cháu còn chào mừng Đoàn bạn nữa chứ!"
Một chuyện rất nhỏ, bình dị, nhưng qua đó đủ giúp ta hiểu Bác tâm lý thế nào. Suốt cuộc đời mình, Bác đã luôn yêu thương, nâng niu các cháu thiếu nhi, dành những sự quan tâm lớn nhất, bởi như Bác nói “Trẻ em như búp trên cành”.
Một chuyện rất nhỏ, bình dị, nhưng qua đó đủ giúp ta hiểu Bác tâm lý thế nào. Suốt cuộc đời mình, Bác đã luôn yêu thương, nâng niu các cháu thiếu nhi, dành những sự quan tâm lớn nhất, bởi như Bác nói “Trẻ em như búp trên cành”.
Một năm học mới sắp bắt đầu. Mong sao, vào ngày khai giảng duy nhất của năm nay, câu chuyện nhỏ trên sẽ như một lời nhắc nhở các thầy cô, các lãnh đạo nhà trường và tất nhiên, cả những khách mời dự khai giảng. Để sao cho tựu trường thực sự trở thành ngày vui trọn vẹn, ý nghĩa, một dấu mốc khởi đầu đáng nhớ cho các em.
No comments:
Post a Comment