Friday, September 18, 2015

Giáo sư hạng bét và trượt đại học hạng nhất

Báo Giáo dục Việt Nam, ngày 18/09/2015,     http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-su-hang-bet-va-truot-dai-hoc-hang-nhat-post161833.gd,     Mong sao chuyện “Giáo sư hạng bét” và “trượt đại học hạng nhất” chỉ là chuyện vui theo kiểu “Những người thích đùa” của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin.

Nghe nói Hà Nội tắc đường là do kinh tế phát triển tốt nên dân mua quá nhiều ôtô, từ chỗ có 200.000 xe cá nhân (năm 2007) đến tháng 8/2015 đã có 535.000 xe, chiếm 25% số xe ôtô cá nhân toàn quốc!

Nghe nói TP. Hồ Chí Minh ngập nặng là do thời tiết toàn cầu thay đổi, khí hậu nóng lên và triều cường dâng cao nên nước mưa không kịp thoát ra biển?

Nghe nói sau khi đề nghị hạch toán lỗ hàng nghìn tỷ vào giá điện thì gần đây, trước thềm xét danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định sẽ tự mình gánh chịu lỗ lãi, không cần tiền của người tiêu thụ điện bù hộ.

Nghe nói thành phố Hà Nội cho phép xây một tòa nhà gần sát Lăng Bác cao hơn tất cả các tòa nhà trọng yếu của Quốc hội, Chính phủ, giúp cho những ai sống và làm việc ở đây có thể quan sát toàn cảnh khu Ba Đình bằng mắt thường, nhất là các cuộc duyệt binh, diễu binh, diễu hành như sự kiện kỷ niệm 70 năm quốc khánh 2/9 vừa qua.

Nghe nói Chủ tịch tỉnh Bình Dương đã bác bỏ kết luận của Bộ Tài chính về kết luận thanh tra công ty Đại Nam của ông Dũng “lò vôi”, khẳng định tỉnh Bình Dương làm đúng luật, cũng tức là Bộ Tài chính làm “chưa đúng” luật?

Cũng chính vị Chủ tịch này khi trả lời phỏng vấn VTC còn cho rằng số tiền 50 triệu bỏ túi hàng tháng của nguyên Chủ tịch Bình Dương Lê Thanh Cung khi bán cao su phải được tính theo thuế nông nghiệp chứ không thể tính theo thuế thu nhập cá nhân. [1]

Chắc ý của ông Chủ tịch Bình Dương là ông nguyên Chủ tịch Lê Thanh Cung đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết cho vườn cao su mấy chục héc ta nên phải xem ông là một nông dân thực thụ, không thể coi tiền ông thu từ cao su là thu nhập cá nhân để tính thuế?
Đại học Tôn Đức Thắng đã có quyết định tự phong hàm Giáo sư cho ông Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng nhà trường (Ảnh: tienphong.vn)
Nghe nói gần đây Đại học Tôn Đức Thắng đã có quyết định tự phong hàm Giáo sư cho ông Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng nhà trường. Sắp tới trường này sẽ tiếp tục phong Giáo sư, Phó giáo sư cho mình, không cần chờ Giáo sư, Phó giáo sư của nhà nước.

Về điều này Giáo sư Nguyễn Đức Dân, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “một trường đại học "hạng top" hoặc "hạng bét"  cũng có thể tự xác định giáo sư cho mình”. [2]

Cũng theo Giáo sư Dân, rồi đây các “Đại học hạng bét” cũng có thể tự phong Giáo sư, Phó giáo sư thế nên Nhà nước cần phải ra ngay quy định, bắt buộc ghi rõ trên danh thiếp, trên các bài báo, công trình khoa học hay khi “kính thưa, kính gửi” rằng vị ấy là Giáo sư, Phó giáo sư ấy là của trường nào.

Có lẽ Giáo sư Dân lo ngại nếu không ghi rõ thì chuyện đánh lận con đen kiểu như tốt nghiệp hệ cao đẳng ba năm cũng có thể cấp bằng “Kỹ sư” như Luật Giáo dục Nghề nghiệp vừa mới ban hành?

Trộm nghĩ, kích thước danh thiếp đã gần như chuẩn hóa quốc tế, nếu mà ghi rằng “ông A là Giáo sư được phong bởi trường Cao đẳng nghề nghiệp - công nghệ kỹ thuật B, thuộc Tổng cục C, bộ Z” thì quá dài, chi bằng theo gợi ý của Giáo sư Dân, chỉ nên ghi là “Giáo sư hạng top”, “Giáo sư hạng nhỡ” hay “Giáo sư hạng bét” vừa đơn giản, ngắn gọn mà đọc lên ai cũng hiểu?

Mấy hôm nay lại nghe nói cháu gái Bùi Kiều Nhi, quê ở tỉnh anh hùng Quảng Bình thi Đại học khối C vào ngành Công an, không cần cộng điểm ưu tiên cháu đã  được 27,5 điểm (Ngữ văn 8,75; Lịch sử 9; Địa lý 9,75) đứng nhất nhì khối thi.
Thế nhưng cháu bị trượt vì trước khi lấy mẹ cháu, bố cháu bị mấy tháng án treo vì tội chống người thi hành công vụ!

Theo tinh thần quy định tại các điều từ 64 đến 67 Luật hình sự 1999 hoặc điều 70 dự thảo sửa đổi Luật hình sự năm 2015 thì: “Người bị  án treo sau khi chấp hành xong hình phạt và hết thời gian thử thách án treo (1 năm) đương nhiên được xoá án tích nếu không bị kết án về tội phạm mới bằng bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Riêng điều 63 còn nói rõ hơn: “Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận”.

Không cần phải giải thích thêm sự rõ ràng của các điều luật đã hoặc sẽ được ban hành. Vấn đề là tại sao Công an Tuyên Hóa – Quảng Bình lại không chịu “xóa án tích” cho bố cháu Nhi? Do không hiểu luật, do trình độ nghiệp vụ hay ý thức “vì dân phục vụ” có vấn đề?

Xung quanh câu chuyện này, cần phải thấy rằng kể từ khi cháu Nhi ra đời (1997) cho đến ngày thi đại học (2015), theo quy định của pháp luật Việt Nam, bố cháu Nhi “coi như chưa bị kết án”.  
Nếu thế thì việc cháu Nhi không khai trong hồ sơ việc bố cháu “đã bị kết án” là đúng pháp luật chứ không phải là “không trung thực” như ý kiến của cơ quan chức năng.

Đến đây phải đặt ra câu hỏi, còn bao nhiêu quy định của các bộ, ban, ngành, địa phương dù không phù hợp với pháp luật nhưng vẫn đang được áp dụng?

Chính tại phiên thảo luận Bộ luật hình sự (sửa đổi) ngày 14/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: “các đồng chí không được để cơ quan xử án hoặc cơ quan kiểm tra tự ý cụ thể hóa bằng quan điểm cá nhân để buộc người ta vào tội cố ý, buộc người ta thiếu trách nhiệm”. [3]

Từ phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có thể thấy cơ quan Công an Tuyên Hóa – Quảng Bình đã “cụ thể hóa quan điểm” của mình khi khẳng định cháu Nhi đã cố ý “thiếu trung thực trong khai lý lịch, phẩm chất, đạo đức không đảm bảo…”.

Những thông tin chưa từng biết về người bố tiền án của em Bùi Kiều Nhi

(GDVN) - Người dân xã Đức Hóa và các địa phương lân cận vẫn chưa hết bàn tán, xôn xao về sự việc em Bùi Kiều Nhi bị trượt Đại học vì không biết bố từng có tiền án.
Khẳng định như vậy là không nên hay không đúng, liệu điều đó có phù hợp với pháp luật hiện hành?

Một số người có trách nhiệm cho rằng trường hợp cháu Nhi nên được “chiếu cố”, “đáng để xem xét”.

Thế có nghĩa là nếu được nhập học, Kiều Nhi sẽ thuộc diện được “chiếu cố” chứ không phải đỗ Đại học bằng thực lực và sự “vô tội” của mình?
Và giả sử nếu sự “chiếu cố” ấy thành hiện thực liệu Kiều Nhi có thể không bao giờ nghĩ tới những gì đã xảy ra?

Được biết Bộ GD&ĐT đã thống nhất tạo điều kiện để Kiều Nhi được vào học một trường khác, có lẽ đây là điều tốt đẹp nhất mà Kiều Nhi nên đón nhận.

Trượt Đại học khi kết quả thi thuộc vào “hạng nhất” có thể là điều hy hữu nhưng không có nghĩa là chấm hết. Điều nên làm là gia đình và xã hội đừng bằng “lòng tốt” của mình tạo áp lực để cháu phải vào bằng được ngành Công an, hãy để cháu tự quyết định.

Chuyện “đỗ oan” và “trượt thật” cứ tưởng là của quá khứ, của thời mà cụ Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến viết “Vịnh tiến sĩ giấy”:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai…

Mong sao sự tưởng tượng về những “Giáo sư hạng bét” và “trượt đại học hạng nhất” chỉ là chuyện vui theo kiểu “Những người thích đùa” của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin.

Xuân Dương

No comments:

Post a Comment