Trưởng đại diện JETRO Hà Nội trò chuyện với VnEconomy về các hoạt động đáng chú ý của cơ quan này...
Ông Kawada Atsusuke, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội.
Với mạng lưới ở 76 văn phòng đại diện tại 57 quốc gia trên thế giới, hoạt động của JETRO trải rộng từ tư vấn đầu tư đến tổ chức các cuộc hội thảo, khảo sát thị trường...
"Từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2015, đã có khoảng 6.500 cá nhân và tổ chức đến thăm và làm việc với JETRO Hà Nội và JETRO Tp.HCM để trao đổi về các vấn đề trước hết liên quan đến đầu tư, và tôi tin con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Từ sau năm 2008, nếu so sánh số lượt truy cập vào trang chủ của JETRO tại 59 nước trên thế giới, thì Việt Nam luôn đứng trong top 3", ông Kawada Atsusuke, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội nói với VnEconomy.
Đánh giá cao sự ổn định
Với ông, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam hiện là gì?
Các dự án đầu tư trong lĩnh vực phi chế tạo như nông nghiệp ngày một tăng lên.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tính số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì số doanh nghiệp trong ngành chế tạo là 44 doanh nghiệp trên tổng số 131, chỉ chiếm 30%.
Ngoài ra, tại các địa phương của Nhật, số dự án hỗ trợ đầu tư, quảng cáo bán đặc sản địa phương cũng đang tăng lên.
Xin hỏi về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt ông?
Chính trị và xã hội ổn định cùng với năng lực phát triển tiềm tàng cho thấy, Việt Nam là một thị trường đáng tin cậy.
Theo như nhận định của cá nhân tôi cũng như theo kết quả từ khảo sát của JETRO, phần đông các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao Việt Nam ở điểm “tình hình chính trị - xã hội ổn định” (57,5%, đứng thứ 5 trong 15 nước tiến hành khảo sát).
Sau đó Việt Nam còn được đánh giá cao bởi “quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng” (46,8%, đứng vị trí thứ 7).
Tuy nhiên, chắc hẳn vẫn còn những vấn đề tồn tại?
Cũng theo khảo sát của JETRO, vấn đề các nhà đầu tư đang lo ngại nhất chính là “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện” (60,3%, đứng thứ 3 trong 15 quốc gia).
Không chỉ có vậy, vấn đề “chi phí nhân công tăng cao” (54,7%, đứng thứ 8) và vấn đề“thủ tục hành chính phức tạp” (52,7%, đứng thứ 6) cũng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Và cuối cùng, tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng chúng ta cũng nên quan tâm thay đổi, đó là vấn đề “ngôn ngữ, giao tiếp” (5,9%).
Việt Nam chưa có môi trường giao tiếp tiếng Anh, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi giao tiếp kinh doanh.
Đối mặt với những khó khăn trên, JETRO đã có những hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp?
Chúng tôi muốn nói đến trường hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng nhà máy tại các địa phương, họ rất khó lên tiếng với các cơ quan chính quyền về nguyện vọng cải thiện các thủ tục hành chính. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp buộc phải chấp hành những điều kiện mà không được giải thích rõ ràng.
Với những trường hợp như vậy, JETRO cùng với UBND các địa phương, mở cuộc họp trao đổi ý kiến, thông tin để các doanh nghiệp hiểu rõ luật, cũng như địa phương có thể lắng nghe nguyện vọng từ các doanh nghiệp đầu tư.
Chính từ những cuộc trao đổi này, hai bên đều đã có cải thiện tích cực.
Sự khác nhau về tư duy kinh doanh
Các doanh nghiệp Việt Nam có liên hệ với JETRO không?
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm của mình sang Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đề đạt nguyện vọng muốn được giới thiệu đối tác kinh doanh, doanh nghiệp Nhật Bản cùng ngành để trao đổi nhằm nâng cao kỹ thuật.
Đâu là những khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải khi làm việc với đối tác Nhật, thưa ông?
Sự khác nhau về tư duy kinh doanh.
Ví dụ, các doanh nghiệp Việt Nam có nói “khi họ trao đổi danh thiếp tại các hội chợ - triển lãm, họ gửi thư nhưng không được hồi âm”.
Tuy nhiên, ngay sau các hội chợ - triển lãm, người phụ trách doanh nghiệp Nhật Bản thường rất bận rộn, họ sẽ mất rất nhiều thời gian để xem xét thận trọng trước khi đi đến quyết định quan trọng.
Đó là đặc điểm của các doanh nghiệp Nhật Bản, người Nhật hiểu điều đó, còn người Việt Nam lại có suy nghĩ khác.
Tôi nghĩ, đó cũng là khó khăn để hiểu biết lẫn nhau.
Cũng như nhận xét trên, doanh nghiệp Việt Nam cũng giống doanh nghiệp Nhật Bản ở điểm khó khăn về rào cản ngôn ngữ, giao tiếp kinh doanh.
JETRO đang làm gì để làm cầu nối giữa doanh nghiệp Việt-Nhật?
Ngoài việc tư vấn cho các doanh nghiệp riêng lẻ, chúng tôi đang tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hội nghị nhằm trao đổi thông tin hai bên. Việc trao đổi thông tin thiết thực nhất là việc phát hành “danh sách các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu tại địa phương” bằng tiếng Nhật.
Cũng có nhiều sự kiện được tổ chức. Việc các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản thu mua linh phụ kiện từ Việt Nam chỉ chiếm 14,4% - một con số rất khiêm tốn.
Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, từ ngày 10 - 12/9/2015, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm về công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội.
Đến ngày 8-12/11/2015, chúng tôi tổ chức hội chợ các mặt hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm của Nhật Bản, và ngày 25-27 cùng tháng, chúng tôi dự định quảng bá kỹ thuật của Nhật Bản về lĩnh vực xử lý nước trong khu gian hàng Nhật Bản tại triển lãm Vietwater ở Hà Nội.
Đối với JETRO, các dịch vụ nào sẽ được tăng cường trong tương lai?
Chúng tôi mong muốn có thể tăng cường các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Chúng tôi đang có kế hoạch mở một sự kiện giao lưu kinh doanh cho khoảng 20 doanh nghiệp nông nghiệp từ Nhật Bản và tiến hành thị sát tình hình nông nghiệp ở Đà Lạt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội và các địa phương lân cận.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có nguyện vọng đầu tư vào thị trường Nhật Bản.
Tuy rằng để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản là khó, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực tiềm năng như công nghệ thông tin, du lịch…
Mong rằng, JETRO sẽ tư vấn được cho ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt mong muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
No comments:
Post a Comment