Báo cáo còn không làm, nói gì cải thiện vươn lên
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nói: "Tôi thực sự rất muốn lắng nghe ý kiến các bộ ngành ở đây, bởi sẽ rất vô nghĩa khi không có sự thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 của Chính phủ mà chính các thành viên của Chính phủ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết này".
Sự bức xúc của ông Huỳnh làm không khí cuộc Tổng kết 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiên môi trường kinh doanh của Chính phủ trở nên căng thẳng hơn.
"Chỉ có 4 bộ và cơ quan (trên tổng số 22, chiếm 18% - PV) báo cáo. Địa phương cũng chỉ có 3 (trên tổng số 63, chiếm 4,7% - PV) báo cáo. Như vậy, chỉ riêng một việc này thôi đã thấy, kỷ luật báo cáo cải cách môi trường kinh doanh là một sự thụt lùi", ông Huỳnh thất vọng.
Các bộ ngành, địa phương còn chậm trễ trong việc cải cách môi trường kinh doanh
|
Ông đặt câu hỏi: "Vì sao lại như vậy? Lý do gì một Nghị quyết của Chính phủ lần đầu đưa Việt Nam ra chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, để quốc tế xếp hạng mà các thành viên Chính phủ cũng không làm báo cáo, một việc đơn giản nhất cũng không làm? Nếu không lý giải rõ, 3 tháng sau tình hình vẫn tương tự và khả năng còn xấu hơn".
Theo yêu cầu của Nghị quyết 19 ban hành ngày 12/3, định kỳ hàng quý, các bộ, cơ quan, địa phương gửi báo cáo đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện về Bộ KHĐT và VPCP để tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, tính đến 23/9, mới chỉ có 1 bộ là Bộ Tài chính, 3 cơ quan là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, VCCI, EVN và 3 địa phương là TP. HCM, Đồng Nai, Hà Nội thực hiện.
Liên quan đến rà soát điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 59 của Chính phủ, mới chỉ có duy nhất Bộ NN-PTNT triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Còn lại, Bộ KH-ĐT hiện vẫn chưa nhận được thông tin từ các bộ, cơ quan còn lại và địa phương nào.
Vị chuyên gia lâu năm về cải cách các điều luật kinh doanh giãi bày tiếp: "Tôi hết sức ngạc nhiên 3.300 điều kiện kinh doanh bất hợp pháp vẫn chưa bỏ được, thậm chí, các nơi còn đưa thêm các điều kiện trái luật khác nữa. Tôi không hiểu, có phải vì đất nước ta không cơ chế để người dân và doanh nghiệp có quyền sử dụng Hiến pháp như là cơ sở pháp lý bền vững nhất của mình bảo vệ quyền tự do kinh doanh mà Đảng và Chính phủ quy định", ông Huỳnh giãi bày.
"Cải cách như vậy là nửa vời. Chính phủ và các Uỷ ban của Quốc hội phải giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện Nghị quyết 19. Nếu không quyết liệt thì sẽ làm nản lòng những ai muốn cải cách", ông nói.
"Phải gọi tên và tìm ra các giải pháp đối với các bộ chây ỳ cải cách. Phải làm sao để họ thấy xấu hổ thì mới làm được, chứ chỉ kêu gọi hợp tác, kết hợp thì không đủ", ông Huỳnh nhấn mạnh.
Còn lâu mới đạt ASEAN-6
Nhìn nhận nguyên nhân gốc rễ, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, cho rằng, vẫn là rào cản tư duy.
"Nghị quyết 19 đòi hỏi cách tiếp cận rất mới về đo lường cải thiện môi trường kinh doanh. Song, phần lớn các bộ chưa thực sự đổi mới tư duy đúng theo yêu cầu của Nghị quyết này. Việc triển khai rất chậm", ông Cung đánh giá.
Theo ông phân tích, sự phối hợp giữa các cơ quan trong một bộ hay các bộ với nhau, trung ương với địa phương, các sở trong một tỉnh, rồi cả sở với huyện rất kém. Ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá thủ tục kinh doanh cũng không tốt, chỉ được một số nơi tích cực áp dụng, thậm chí còn có trường hợp gây nghẽn, gây lỗi mạng. Điều đó làm nản lòng doanh nghiệp khiến cho DN thấy cách làm truyền thống còn tốt hơn.
Các nước ASEAN 6 theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Brunnei. ASEAN- 4 gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philipines.
|
Giải thích về con số 3.300 giấy phép trái luật, ông Cung cho biết: Luật Đầu tư quy định, kể từ 1/7/2016, những quy định về điều kiện kinh doanh ban hành ở Thông tư các Bộ và quyết định của các địa phương đương nhiên phải bãi bỏ. Từ 1/7/2015, các quy định này không có hiệu lực thi hành. Nếu các bộ, địa phương tiếp tục ban hành các điều kiện kinh doanh là trái thẩm quyền.
Thế nhưng thực tế đang ngược lại. Các bộ lại đang cố gắng hợp pháp hoá các điều kiện kinh doanh bằng việc đưa lên thành Nghị định của Chính phủ hơn thay vì coi đó là cơ hội tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tính đến nay, ông Cung thống kê đã có 10 thông tư đã ký và đang soạn thảo mới của các Bộ quy định về điều kiện kinh doanh.
"Với tình hình này, Việt Nam không thể đạt thứ hạng trung bình trong ASEAN-6, chứ đừng mong là ASEAN-4. Trong khi nếu không thực hiện Nghị quyết 19 thì ở nước ta, hình thức phổ biến nhất vẫn chỉ là phê bình", ông Cung nói.
Lĩnh vực mang dấu ấn cải cách mạnh mẽ nhất là thuế lại được có sự trái chiều trong việc tự đánh giá của ngành thuế và cảm nhận của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính khẳng định đã giảm từ 537 giờ xuống còn 420 giờ nộp thuế, hiện chỉ còn 117 giờ/năm, tương đương giảm 78% số giờ thực tế, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19. Thế nhưng, doanh nghiệp lại ghi nhận chỉ giảm được 20% thời gian nộp thuế, tức 110 giờ.
|
Phạm Huyền
No comments:
Post a Comment