Báo Giáo dục Việt Nam, ngày 14/09/2015, http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Chuyen-doi-trang-thai-hon-loan-hay-la-chet-post161704.gd, Một xã hội ổn định là xã hội mà mức độ hỗn loạn (Entropy) không đổi, nếu mức độ hỗn loạn bằng không thì đó không còn là xã hội ổn định mà là xã hội chết.
Câu nói “Mở cửa hay là chết” hoặc “Đổi mới hay là chết” được một số học giả và nhà quản lý đề cập hiện nay phản ánh một trạng thái được xem là khá bi quan của kinh tế, xã hội nước nhà.
Xin nêu một cách nhìn hiện tượng xã hội này dưới lăng kính khoa học tự nhiên, cụ thể là khoa học Nhiệt động học. Trước hết xin giới thiệu một vài khái niệm cơ bản.
Trong Vật lý học, Công nghệ thông tin, Nhiệt động học… khái niệm Entropy được sử dụng khá phổ biến. Entropy được hiểu như một đơn vị đo lường “sự hỗn loạn” hay là “tính bừa” của hệ thống, nói cách khác “sự hỗn loạn” của hệ thống được đo bằng Hàm trạng thái Entropy.
Vì Entropy là hàm trạng thái nên nó chỉ phụ thuộc vào trạng thái ban đầu và trạng thái cuối cùng của hệ thống chứ không phụ thuộc vào quá trình trung chuyển giữa hai trạng thái.
Định luật thứ hai của Nhiệt động học khẳng định: “Mọi sự biến đổi diễn ra trong hệ thống đều được thực hiện với sự tăng lên của sự “hỗn loạn chung” bao gồm sự hỗn loạn của hệ thống cộng với sự hỗn loạn của môi trường ngoài”.
Quá trình biến đổi từ A sang B gọi là “thuận-nghịch” nếu các các bước chuyển đổi trung gian theo chiều trừ A đến B cũng giống như từ B về A nhưng theo chiều ngược lại. Entropy bằng không khi hệ hoàn toàn “trật tự”, tức là khi “mức độ hỗn loạn” bằng không.
Trong một hệ cô lập, tức là hệ không có sự trao đổi năng lượng cũng như vật chất với môi trường ngoài, quá trình biến đổi “đẳng Entropy” được hiểu là quá trình chuyển hóa hệ thống mà “tổng mức hỗn loạn” không đổi, nghĩa là nếu sự hỗn loạn tăng lên ở chỗ này sẽ kéo theo sự tĩnh lặng ở chỗ khác.
Với định luật thứ 2 của Nhiệt động học, có thể thấy rằng nếu mức độ hỗn loạn của hệ thống và môi trường ngoài không tăng lên thì không thể có biến đổi bên trong hệ thống.
Một ví dụ đơn giản về trạng thái đẳng Entropy: Nếu tại một giao lộ sự lộn xộn tăng cao, xe cộ chiếc ngang, chiếc dọc choán hết đường đi thì trên các tuyến đường kết nối với giao lộ sự lộn xộn sẽ giảm đi, cả dòng xe và người tham gia giao thông sẽ phải đứng yên tại chỗ.
Trong vấn đề trị quốc, để dẹp yên sự hỗn loạn trong nước, giới chính trị gia không lạ gì phương pháp chuyển hỗn loạn ra ngoài biên giới quốc gia bằng cách gây chiến với láng giềng.
Tình hình bất ổn về kinh tế, xã hội tại Trung Quốc ngày nay cho thấy, Biển Đông có thể sẽ là nơi Bắc Kinh muốn khuấy động với mục đích chuyển “hỗn loạn” trong nước sang nước khác.
Một xã hội ổn định là xã hội mà mức độ hỗn loạn (Entropy) không đổi, nếu mức độ hỗn loạn bằng không thì đó không còn là xã hội ổn định mà là xã hội chết, điều này chỉ có thể xảy ra khi xã hội đó là cô lập nghĩa là không có tác động hoặc trao đổi với của các yếu tố bên ngoài.
Hiểu biết và vận dụng các quy luật của khoa học tự nhiên vào xã hội là điều cần thiết nhất là với những người nắm quyền hoạch định chính sách.
Cách mạng màu và màu cách mạng
(GDVN) - Không để đất nước rơi vào vòng xoáy bạo lực, khủng bố, bị lệ thuộc vào nước ngoài, không bị chia rẽ nhân tâm, đó chính là điều kiện đủ.
|
Việt Nam một mặt cần đổi mới để phát triển kinh tế, mặt khác lại không muốn xáo trộn các nền tảng văn hóa, chính trị, thể chế,… đó là bài toán không có lời giải.
Muốn đổi mới, muốn phát triển thì phải phá vỡ trạng thái ổn định cũ, tạo nên trạng thái ổn định mới, cũng như con người khi lớn thì phải bỏ cái áo cũ, may cái áo mới và đương nhiên cái áo mới ấy cũng chỉ có thể sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định.
Khi con người trưởng thành, không phát triển về tầm vóc nhưng chiếc áo đã cũ rách không còn phù hợp nữa thì dù tiếc đến mấy cũng vẫn phải thay áo khác.
Cần lưu ý là thay thế trạng thái ổn định cũ bởi trạng thái ổn định mới chứ không phải bởi trạng thái hỗn loạn mới, sự hỗn loạn có thể xảy ra trong quá trình chuyển tiếp chỉ là nhất thời, chỉ là công cụ cần thiết cho đổi mới chứ không phải là mục đích cuối cùng của đổi mới.
Chúng ta đang nhấn mạnh sự “đi tắt, đón đầu” những tiến bộ mà nhân loại đã đạt được nhưng lại quên đi một thực tế là con người Việt Nam chưa được chuẩn bị, chưa được trang bị những công cụ cần thiết để đi tắt đón đầu.
Đường phố Hà Nội những ngày qua kẹt cứng ô tô chính là bởi tâm lý “đi tắt, đón đầu” này, ai cũng muốn len lên phía trước, ai cũng muốn bản thân thoát đi thật nhanh, hậu quả là cả dòng người dậm chân tại chỗ.
Có ý kiến cho rằng đó là do số lượng xe con tăng lên quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông phát triển chưa kịp, đó đúng là một lý do nhưng không phải lý do chính.
Lý do chính là ý thức con người tham gia giao thông, hễ có một chiếc xe vì lý do nào đó mà phải dừng thì lập tức các xe sau sẽ tìm cách vượt lên kể cả việc lấn sang làn đường ngược chiều.
Một nền giáo dục lạc hậu, một nền văn hóa lệch lạc, xuống cấp tạo nên một lực lượng lao động yếu về chuyên môn, kém về nhận thức, không loại trừ trong những lao động đó có những cá nhân giữ quyền chi phối lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Để giữ cho hệ thống ổn định với mức Entropy bằng constant (hằng số) đã khó, để hệ thống phát triển mà vẫn ổn định lại càng khó. Tuy khó nhưng không phải là không có giải pháp, giải pháp toàn diện gói gọn trong hai từ “Mở cửa và Đổi mới”.
Thứ nhất, mở cửa nghĩa là xóa bỏ “mô hình cô lập” của hệ thống. Như đã nêu, một hệ gọi là “cô lập” khi không có sự trao đổi năng lượng và vật chất với bên ngoài.
Nếu trạng thái nhiệt của hệ thống ở mức cao mà không “mở cửa” thì nguy cơ phá vỡ cân bằng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Đường phố Hà Nội những ngày qua kẹt cứng ô tô chính là bởi tâm lý “đi tắt, đón đầu” (Ảnh: tienphong.vn) |
Ví dụ chúng ta đổ nước sôi vào đầy phích và nút thật chặt, do nhiệt độ trong phích cao nên lượng nước chuyển hóa thành hơi sẽ tạo nên áp xuất lớn, nếu vặn nút phích quá chặt có nguy cơ làm nổ phích, trong trường hợp này người ta chỉ nút phích chặt vừa phải để nút có thể bật ra khi áp suất đủ lớn.
Mở cửa ngoài ý nghĩa là tạo sự cân bằng khi Entropy tăng cũng còn mục đích khác là tiếp nhận năng lượng và vật chất từ bên ngoài, phá vỡ sự “ổn định bảo thủ” vốn có, tạo nên sự “ổn định năng động” mới.
Mở cửa ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng, chẳng hạn về phía Đảng, cần đưa những người có tài, có tâm vào bộ máy công quyền dù họ chưa phải là đảng viên, bộ máy điều hành đất nước ở tầm vĩ mô không nên bó hẹp chỉ gồm các đảng viên của Đảng.
Thời nhà Trần, trước họa xâm lăng từ Trung Quốc, Vua cho mở hội Diên Hồng mời bô lão cả nước tham dự, hiến kế nhờ thế mà lòng dân quy về một mối, tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ địch hùng mạnh, đấy chính là biểu hiện “mở cửa”.
Mở cửa để tiếp nhận các kiến thức mới, các thành tựu khoa học kỹ thuật mà nhân loại đã tích lũy và kiểm chứng.
Nếu không chịu mở cửa, nếu cứ mãi tin vào những lý thuyết chưa được thực tế kiểm chứng thì hệ thống sẽ không còn đối mặt với “nguy cơ tụt hậu” mà là “thực sự tụt hậu”. Mở cửa cũng còn là để người Việt đem những gì mình có trao đổi với nhân loại…
Tóm lại có “mở cửa” thì mới tiếp thu được năng lượng, vật chất từ bên ngoài và cân bằng trạng thái nhiệt đang ở mức cao hơn bình thường của hệ thống.
Khi “mở cửa” chưa được thực hiện một cách triệt để, khi tình trạng “cô lập” của hệ thống chưa được cải thiện, cần thực hiện biện pháp tình thế, đó là “đổi mới”.
Để giải thích rõ hơn quan điểm này, chúng ta tạm coi hệ thống gồm hai nhóm: dân chúng là “nhóm lớn” và lãnh đạo là “nhóm nhỏ”.
Giải pháp tình thế có thể theo một trong hai hướng: giữ ổn định “nhóm lớn” và tập trung vào giải quyết tình trạng ở “nhóm nhỏ” hoặc là ngược lại.
Vì hệ thống chưa mở, vẫn đang “cô lập” nên khi mức độ “hỗn loạn” ở nhóm này tăng lên thì mức độ “hỗn loạn” ở nhóm kia sẽ giảm đi. Chiến thuật này vẫn được gọi với cái tên “chia để trị”.
Một ví dụ ai cũng biết là quá trình làm nước đá, nước bị làm lạnh xuống dưới không độ sẽ biến thành đá, nghĩa là trở nên ổn định về mặt hình dáng hơn so với chất lỏng, song muốn thế phải làm lạnh nước bằng cách chuyển nhiệt từ nước ra bên ngoài (ra dàn tỏa nhiệt phía sau máy lạnh).
Thế giới gồ ghề tạo chiếc "nồi hơi bức xúc" và sự mụ mẫm của loài người
(GDVN) - Thế giới gồ ghề, chuyển động nhanh, nhiệt sinh ra làm nóng lên và "chiếc nồi hơi bức xúc" có thể nổ tung bất cứ lúc nào...
|
Chuyển nhiệt từ “nhóm lớn” sang “nhóm nhỏ” nói nôm na là làm cho “nhóm nhỏ” nóng lên, là chấp nhận tăng Entropy (mức hỗn loạn) ở “nhóm nhỏ”.
Một khi dòng “hỗn loạn” từ “nhóm lớn” chạy sang “nhóm nhỏ” sẽ khiến “nhóm lớn” “lạnh” hơn bình thường, chỉ khi đó tổng Entropy của hệ thống mới không đổi (tức là tổng mức hỗn loạn của hệ thống không đổi) nhưng vẫn có năng lượng cần thiết cho sự phát triển.
Nói cách khác, cần phải bắt buộc trạng thái nhiệt ở thượng tầng tăng cao, tức là hoạt động ở thượng tầng phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Nói theo ngôn ngữ khoa học xã hội là yêu cầu đội ngũ lãnh đạo cao cấp phải làm việc thật sự, phải đổ mồ hôi cho những nghiên cứu chính sách chứ không phải trên sân golf, phải làm cho bầu không khí chính trường sôi động chứ không cần các vị ngủ gật.
Quá trình “chuyển hóa hỗn loạn” phải được kiểm soát sao cho năng lượng mà “nhóm nhỏ” lấy từ “nhóm lớn” là vừa đủ.
Biện pháp này đòi hỏi ở các thành viên “nhóm nhỏ” một sự dũng cảm, một sự quyết tâm bởi khi nhiệt độ nóng lên cục bộ thì các phần tử vật chất sẽ chuyển động nhanh hơn, ma sát tăng cao và có thể có những phần tử bị văng khỏi hệ thống.
Điều này có thể thấy rõ khi đun nước, một số phân tử nước trên bề mặt sẽ biến sang thể hơi và bay khỏi nồi nấu.
Ngược lại, sẽ là sai lầm khi quá tập trung giải quyết Entropy của “nhóm nhỏ” mà quên “nhóm lớn” bởi một khi năng lượng hệ thống tập trung vào “nhóm nhỏ” mà không có nguồn năng lượng bổ sung thì “nhóm lớn” từ tình trạng “lạnh” sẽ tiến tới tình trạng “đóng băng” và hệ thống sẽ tê liệt.
Trong trường hợp có các yếu tố ngoại lai, nghĩa là có nguồn năng lượng hay vật chất từ bên ngoài tác động vào, nếu để nó tập trung vào bất kỳ nhóm nào cũng là nguy hiểm bởi nó sẽ làm thay đổi “cơ cấu hỗn loạn”.
Chẳng hạn khi “nhóm nhỏ” được tiếp năng lượng ngoại lai có thể nó sẽ tái cấu trúc mà không cần chú ý đến nguồn năng lượng từ “nhóm lớn”, hậu quả là “nhóm lớn” sẽ mãi ở trạng thái trì trệ.
Sự phát triển của xã hội loài người có những quy luật riêng song không thể trái quy luật tự nhiên. Mong rằng một vài vận dụng kiến thức Nhiệt động học tuy không thể nói là chính xác 100% nhưng cũng góp phần làm sáng tỏ một điều: Trong tự nhiên một hệ thống không thể là hệ thống cô lập.
Trong mỗi hệ thống nếu không có sự “chuyển hóa hỗn loạn” sẽ không có sự biến đổi trạng thái. Điều này cũng góp phần trả lời câu hỏi, tại sao nói “không mở cửa, không đổi mới nghĩa là chết”.
Xuân Dương
No comments:
Post a Comment