Thursday, September 3, 2015

Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN

Thời báo Kinh tế Sài gòn, ngày 02/09/2015,       http://www.thesaigontimes.vn/135115/Chua-co-nhieu-doanh-nghiep-dau-tu-cho-KH-CN.html,           Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ (KH-CN) dù Luật Khoa học và Công nghệ cho phép doanh nghiệp được đầu tư tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư vào việc này, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN đã cho TBKTSG biết như thế trong một buổi trao đổi mới đây.


Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết chưa có nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào KH-CN. Ảnh: Thái Ngọc


Lý do các doanh nghiệp chưa muốn đầu tư vào KH-CN, theo ông Quân, là do cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH-CN và dành một phần lợi nhuận để đầu tư cho KH-CN còn nhiều bất cập.
Tại TPHCM dù UBND thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải trích lập quỹ phát triển KH-CN và khuyến khích các loại hình doanh nghiệp khác trích lập quỹ này nhưng theo số liệu của Sở KH-CN TPHCM từ năm 2011 đến nay mới có khoảng 80 doanh nghiệp báo cáo thành lập quỹ phát triển KH-CN. Trong số này chỉ có 30 doanh nghiệp đã trích sử dụng quỹ với tổng số tiền hơn 430 tỉ đồng.
Tuy nhiên cũng đã có những tập đoàn thấy được sự cần thiết đầu tư cho KH-CN, theo ông Quân trong các năm qua Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chẳng hạn, đã dành 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho KH-CN. Lợi nhuận năm 2015 của Viettel dự kiến khoảng 2 tỉ đô la Mỹ và họ dành 200 triệu đô la (hơn 4.000 tỉ đồng) cho KH-CN. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cũng dành khoảng 2.000 tỉ đồng/năm cho lĩnh vực này.
Nhờ đầu tư vào KH-CN, Viettel đã cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho quốc phòng, xã hội; tập đoàn Dầu khí nghiên cứu sản xuất giàn khoan tự nâng và những trang thiết bị khác…
Những điểm sáng về doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN nhưng ông Quân thừa nhận là chưa có nhiều, trong khi đó để KH-CN quốc gia phát triển phải là từ chính doanh nghiệp, xã hội chứ không chỉ là đầu tư của nhà nước.
Ông Quân chỉ ra các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Israel… đầu tư của xã hội cao gấp nhiều lần so với đầu tư của nhà nước. Tại Trung Quốc, đầu tư của doanh nghiệp cho KH-CN gấp ba lần nhà nước, cá biệt ở Hàn Quốc đầu tư của doanh nghiệp gấp 10 lần đầu tư từ ngân sách. Đây chính là động lực làm cho những quốc gia này phát triển vượt bậc.
Cũng theo ông Quân, ở Việt Nam, Chính phủ cam kết đầu tư cho KH-CN 2% tổng chi ngân sách, khoảng 21.000 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên thực tế ngân sách KH-CN trong 10 năm qua chưa bao giờ đạt con số 2%, năm cao nhất chỉ đạt 1,6% tổng chi ngân sách. Năm 2014, ngân sách cho KH-CN chỉ đạt hơn 1,3%.
Trong năm nay, Bộ KHCN thuyết phục Quốc hội, các bộ, ban, ngành liên quan mới được thống nhất nhích lên hơn 1,5%, khoảng 17.000 tỉ đồng. Trong đó chi cho việc trả lương, mua sắm thiết bị, xây dựng đã chiếm gần hết nguồn tiền này… thực tế chi cho nghiên cứu chỉ chiếm khoảng 3.000 tỉ đồng.
Theo ông Quân việc đầu tư tài chính để có một sáng chế, hay bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới ở Việt Nam cũng tương đương với các nước phát triển trên thế giới.
Do hiện nay ngân sách đầu tư cho KH-CN ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, nên để khắc phục khó khăn và đưa KH-CN trở thành động lực phát triển của quốc gia ông Quân kêu gọi doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào KH-CN.

Thái Ngọc

No comments:

Post a Comment