Monday, July 27, 2015

Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào tái cơ cấu kinh tế

Báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 24/07/2105,      http://www.thesaigontimes.vn/121764/Tuong-lai-cua-Viet-Nam-phu-thuoc-vao-tai-co-cau-kinh-te.html,       Việt Nam muốn có tương lai tốt đẹp thì phải đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, nếu không sẽ phải trả giá đắt.

Khai thác tài nguyên vẫn là lựa chọn cho tăng trưởng của VN. ảnh TL SGT.

Đây là ý kiến của các chuyên gia, nhà kinh tế tại hội thảo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 "Tăng trưởng xanh và tái cơ cấu kinh tế" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 24/10.
Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói: “Tăng trưởng xanh hay tái cơ cấu kinh tế không phải là sự lựa chọn mà buộc phải lựa chọn. Tương lai của chúng ta gắn với tái cơ cấu… khi mọi việc trở nên quá chậm thì (chúng ta) sẽ trả giá quá đắt.”
Ông cho biết, khi đánh giá lại chương trình tái cơ cấu kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức gần đây, ông đã thẳng thắn nhận xét rằng, ông chưa lạc quan vì quá trình tái cơ cấu diễn ra chậm và chưa đi được vào những nút thắt cơ bản.
Lý giải tình hình trên, ông viện trưởng cho rằng, tư duy về mô hình tăng trưởng của Việt Nam không phù hợp với thời đại. “Ta không sợ khổ nhưng ngại khó, nên mô hình tăng trưởng dễ dãi, cứ bơm tiền ra. Đây là nguyên nhân số 1”, ông Thiên nói.
Nguyên nhân thứ hai, ông nhận xét, Việt Nam nói là đã chuyển sang kinh tế thị trường nhưng nhiều yếu tố còn phi thị trường. Khi cạnh tranh yếu thì hệ thống giá cả ít mang tính thị trường, và hệ thống phân bổ nguồn lực không hiệu quả.
Thứ ba liên quan đến điều hành, quản trị nhà nước,“chúng ta vẫn duy trì cơ chế phân bổ nguồn lực dàn trải, theo cơ chế xin - cho, dễ phân tán lãng phí, dễ thiên vị, các thành phần kinh tế chưa công bằng, nên gắn với tư tưởng về thành phần nào chủ đạo...”, ông nói.
Quản trị nhà nước nặng hành chính như vậy sẽ khiến phân bổ nguồn lực méo mó, và nhóm lợi ích chi phối.
“Đến lúc này phải nghĩ đến hành động để xoay chuyển tình thế chứ không thể không làm gì cả,” ông Thiên nói.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào thực tế rằng Việt Nam đang ở cách xa cả về thu nhập bình quân đầu người cũng như trình độ phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của các nước công nghiệp mới nổi (NICs), khoảng cách này không thể xóa bỏ trong thời gian 10 năm.
Trong tài liệu gửi tới hội thảo, ông Kiên khẳng định, ngay việc đuổi kịp trình độ phát triển của Thái Lan và Malaysia cũng đã là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong việc lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lựa chọn các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
“Chúng ta thời gian qua tuy đạt được tốc độ tăng GDP và GDP bình quân đầu người vào loại cao trong nhóm các nước đang phát triển nhưng kèm theo đó là lạm phát cao vào tốp năm trên thế giới, tốc độ tăng nợ công cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, bội chi ngân sách tăng cao, công nghệ của các ngành sản xuất còn lạc hậu, hiệu quả đầu tư giảm dần và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, sự phân hóa vùng miền thể hiện càng lúc càng rõ nét và xã hội đang có xu hướng phân giai tầng với tốc độ nhanh.
Trong lúc đó thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chưa đạt tới ngưỡng 1.200 đô la Mỹ.
Như vậy, bài toán đặt ra cho chúng ta là mặc dù tốc độ tăng đầu tư cao, tốc độ tăng GDP cũng vào loại cao trong khu vực và thế giới, các chỉ tiêu về xóa đói giảm nghèo được cải thiện nhưng kinh tế vĩ mô không ổn định. Ngoài ra, đời sống của đại bộ phận những người làm công hưởng lương gặp khó khăn do lạm phát cao kéo dài mà đây lại là bộ phận lao động trong lĩnh vực quyết định tăng trưởng kinh tế (công nghiệp và dịch vụ) và bộ phận làm dịch vụ công của các cơ quan quản lý nhà nước".
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, phân tích tỷ lệ thay đổi các chỉ số thể chế và tăng trưởng kinh tế Việt Nam và khẳng định, sự tụt hậu thể chế gia tăng, môi trường thể chế xấu đi và trở thành rào cản lớn cho tăng trưởng kinh tế của nước ta trong giai đoạn gần đây.
Hệ lụy là trong điều kiện môi trường thể chế trở nên kém hiệu quả, hành vi của doanh nghiệp thay đổi theo hướng giảm đầu tư dài hạn vào sản xuất, kinh doanh và đổi mới công nghệ, nhưng tăng đầu tư vào những lĩnh vực thu lợi ích ngắn hạn như đầu cơ tài sản (bất động sản, ngoại tệ, chứng khoán, vàng) hoặc đầu cơ chính trị nhằm tái phân phối thu nhập xã hội.
Kỷ yếu của hội thảo cho biết, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm, suy thoái môi trường rất lớn. Ước tính, nếu GDP Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng lên 3 lần so với hiện nay, đến năm 2025 có thể gấp 4 đến 5 lần; GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP.
Tư Hoàng

No comments:

Post a Comment