TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phân tích khi hay tin gần đây Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ra văn bản buộc các tổ chức tín dụng giảm nợ xấu về dưới 3% trước hạn 30/9 tới.
Chưa rõ chiêu thức
Hiện con số nợ xấu tính đến cuối năm 2014 số nợ xấu đã giảm xuống còn 3,8% tổng dư nợ. Như vậy đến thời điểm này chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa con số nợ xấu phải được đưa về dưới 3%.
Bình luận về con số này, TS Trần Đình Thiên cho rằng không rõ các ngân hàng sẽ dùng chiêu thức thế nào để có thể nhanh chóng giảm nợ xấu trong một thời gian ngắn như vậy.
"Có thể chỉ kỳ vọng vào VAMC là nơi để giải tỏa. Còn cụ thể các ngân hàng có chiêu thức gì thì chưa rõ", TS Thiên nói.
Trên thực tế từ giữa năm 2013, sự ra đời của VAMC và hoạt động mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giúp tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 3.6%.
Nhưng đến tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 4.11%. Đến tháng 11/2014. tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 3.8%, nhưng việc giảm này vẫn là nhờ vào cơ chế hoán đổi nợ lấy trái phiếu đặc biệt của VAMC. Kể từ khi ra đời cho đến hết năm 2014, tổ chức này đã mua khoảng 125-130 nghìn tỷ đồng nợ xấu gốc từ các tổ chức tín dụng.
"Về mặt ngắn hạn nó giải tỏa nợ giúp nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn, ngân hàng có thể tiếp tục cho doanh nghiệp vay. Nhưng về mặt dài hạn làm cho dự trữ bắt buộc của ngân hàng tăng lên và hiệu quả của ngành ngân hàng giảm đi", TS Trần Đình Thiên nhận định.
Theo đó với quyết tâm giảm nợ xấu xuống dưới 3% của NHNN, TS Thiên cho rằng: đứng trên toàn bộ nền kinh tế thì mới chỉ 'cào gọn' nợ xấu vào chứ chưa phải là cách giải quyết triệt để và điều đó đồng nghĩa với việc nợ xấu vẫn còn đó.
"Tức là mới chỉ rào lại, nhốt lại. Chỉ khi nào xử lý về mặt thị trường thì mới có thể nói chuyện được. Trong khi đó cách tiếp cận thị trường của chúng ta hiện nay chưa rõ vì nhiều lý do, việc mua bán nợ chưa phát triển, VAMC chưa thực sự có quyền lực, tính độc lập chưa cao nên rất khó", ông Thiên phân tích.
Việc khu trú nợ xấu chỉ có tác dụng trong ngắn hạn |
Nguy cơ rủi ro cao
TS Trần Đình Thiên chỉ thẳng: "Việc cấp tập giải quyết như vậy chỉ mang tính chất ngắn hạn, về mặt dài hạn thì phải làm triệt để. Nếu để lâu rủi ro rất lớn và chắc chắn phải trả giá rất đắt".
Lý giải về quan điểm này cho biết, hiện cơ chế hoạt động của tổ chức VAMC tại Việt Nam có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu.
Cụ thể hơn, cơ chế hoạt động của một tổ chức như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian, sau đó khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra thị trường. Nhưng VAMC của Việt Nam không như vậy.
VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, được mang đi giao dịch với NHNN để vay tiền. Bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đòi nợ và mỗi năm, trích dự phòng rủi ro bằng 20% tổng giá trị tờ giấy cầm ấy. Hiện VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá, đã tổ chức ba lần đấu giá nhưng đều thất bại.
"Có một điều rõ ràng là được cái này thì phải trả giá cái khác. Tức là các ngân hàng chỉ khu trú nợ xấu lại mà không giải quyết triệt để thì rủi ro cao.
Hậu quả ở đây là lãi suất phải nuôi nợ xấu, lập dự phòng rủi ro để bảo đảm ngày càng cao, lợi nhuận ngân hàng giảm đi và nền kinh tế phải chịu trận khi lãi suất ngân hàng khó có cơ hội giảm", TS Trần Đình Thiên phân tích.
Theo đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề này ai cũng có thể nhìn ra nhưng muốn giải quyết không phải chuyện đơn giản.
"Muốn làm nhanh thì nguồn lực phải mạnh, có hành lang pháp lý, cơ chế giao dịch nợ…Hiện nay NHNN phải đặt ra mục tiêu trọng tâm, ví dụ chương trình của năm 2016 phải tập trung ưu tiên giải quyết nợ xấu là hàng đầu từ khuôn khổ pháp lý đến nguồn lực thì may ra mới có thể tiến triển tốt được", ông Thiên gợi ý.
Nhấn mạnh thêm về cách làm, TS Thiên cho rằng phải tạo ra những điều kiện nền tảng để thị trường mua bán nợ phát triển.
"Các hoạt động mua lại, sáp nhập mà không làm thay đổi căn bản cấu trúc quản trị sẽ khó có thể xoay chuyển tình thế hiện nay", TS Thiên nói.
- Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment