Dưới góc nhìn của TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi, nếu tổ chức tốt hệ thống giáo dục và đào tạo từ phổ thông thì tự khắc những điểm yếu của nền giáo dục sẽ dần biến mất.
Năm nay, tỷ lệ thất nghiệp với những người có trình độ đại học trở lên vẫn chưa giảm mà có xu hướng gia tăng. Ông nghĩ sao trước diễn biến này?
TS Nguyễn Tiến Luận: Tôi không bất ngờ, bởi vì nền kinh tế gặp khó khăn thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta chưa giải quyết được vấn đề hệ thống đào tạo.
Cứ theo tình hình hiện nay thì học sinh hết phổ thông là vào đại học, cao đẳng. Nhưng học xong rồi làm gì thì đa phần không biết. Thậm chí tốt nghiệp đại học rồi, học tiếp thạc sĩ cũng không biết học làm gì? Nhiều em bảo là còn trẻ thì cứ học. Đúng là được học tập là một chuyện tốt, nhưng học mà không biết mục đích hướng đến thì thật lãng phí. Đấy là còn chưa kể học tập thiếu nghiêm túc, có cái mác thạc sĩ nhưng trình độ thì chẳng thay đổi.
Nhiều em chọn ngành nghề sai ngay từ ban đầu cho nên sau 4 năm học đại học rồi lại quay sang học một nghề khác chỉ ở bậc trung cấp hoặc cao đẳng, thế là rất lãng phí. Cái này có nguyên nhân từ hai phía, cả cơ quan quản lý và gia đình.
TS Nguyễn Tiến Luận: "Cứ đào tạo như hiện nay thì tỷ lệ thất nghiệp còn cao hơn nữa". ảnh: Ngọc Quang. |
Vậy theo ông nên làm thế nào để giải quyết lâu dài vấn đề này?
TS Nguyễn Tiến Luận: Hiện nay, Bộ Giáo dục đang thúc đẩy quá trình đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục. Nhưng nếu chỉ đưa ra vấn đề và mặc cho Bộ Giáo dục thì không thể nào ra kết quả được. Cho nên rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ cấp cao nhất trở xuống.
Chúng ta phải xác định với nhau rằng, nếu giáo dục hỏng thì hỏng mọi thứ, cái này thì nhiều chuyên gia đã bàn rồi và tôi không bàn thêm ở đây. Nhưng cái quan trọng là khi đã xác định được như thế thì chúng ta làm gì để đoàn tàu chạy đúng trên đường ray, không bị trật bánh và thời điểm nào thì phải tăng tốc để về đích.
Vấn đề cốt lõi theo tôi là phải xác định cho rõ hệ thống từ dưới lên trên. Tới bậc học phổ thông, tại sao chúng ta không chia nhánh để các em có hướng học nghề ngay, tới khi đủ 18 tuổi là đi làm được rồi; hoặc là học chuyên sâu thêm nữa rồi đi làm.
Bao nhiêu năm qua, nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hệ thống đào tạo nghề rồi, bây giờ kết quả thu được là gì, nó có tương xứng với số tiền khổng lồ đã được đầu tư không?
Tôi cảm thấy buồn khi mà có những địa phương tiền chi cho công tác dạy nghề lên đến nhiều tỷ đồng, thế mà học viên thì lác đác. Họ không mặn mà là đúng thôi, vì dạy nghề thì phải gắn với việc làm, học xong mà không đi làm ở đâu được thì chẳng ai muốn học.
Nếu giải quyết tốt được câu chuyện đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp của địa phương, vùng miền thì chỉ cần học hết lớp 9 là các em vừa học phổ thông vừa học nghề được rồi. Nhánh còn lại thì vào Đại học, Cao đẳng. Nếu định hướng được như vậy thì chắc chắn rằng nhiều em sẽ chọn học nghề, vừa có việc làm sớm lại vừa đỡ tốn kém cho cả gia đình và xã hội.
Nhìn thấy như vậy tại sao không làm được? Tôi nghĩ nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì hàng đống tiền chi ra rồi sẽ hòa cả làng hết thôi.
Nhân câu chuyện này, tôi muốn nói thêm là năm nay chúng ta đã đổi mới nhập hai kỳ thi thành một rồi, nhưng vẫn rối. Theo tôi, các em đã học xong 12 năm thì xét tốt nghiệp luôn và định hướng đào tạo nghề ngay từ lớp 10. Sao phải thi tốt nghiệp làm gì? Nếu làm chặt thì hãy làm ở khâu xét tuyển Đại học.
Ông nghĩ gì về hệ thống đào tạo đại học hiện nay?
TS Nguyễn Tiến Luận: Một số ít các trường công lập đã xây dựng được thương hiệu và đang đào tạo tốt, còn đại đa số thì không tốt. Tôi đã có lần đề cập tới vấn đề này, nếu cứ bao cấp mãi thì chỉ lãng phí ngân sách, bởi vì chẳng có trường nào phải chịu trách nhiệm khi cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Vì vậy, nhà nước chỉ nên đào tạo một số ngành nghề đặc thù phục vụ cho hệ thống hành chính công và những lĩnh vực nhà nước buộc phải nắm giữ. Còn lại thì không bao cấp nữa mà phải để người học quyết định và trả tiền. Đối với những trường hợp xuất sắc thì nhà nước có thể tặng học bổng như nhiều quốc gia vẫn đang làm.Nhiều năm rồi, sản phẩm ở các trường công lập nhìn thấy ngay là đa phần rất yếu kém kỹ năng, không có kiến thức thực tế, ngoại ngữ cũng rất tệ… và bây giờ khi Chính phủ tiếp tục siết chặt quản lý tuyển dụng công chức, viên chức thì kiểu đào tạo hời hợt sẽ càng lộ. Những cử nhân này không chạy trọt được vào cơ quan nhà nước thì sẽ thất nghiệp.
Đào tạo tràn lan và kém chất lượng vẫn tiếp diễn thì bài toán hàng chục nghìn cử nhân thất nghiệp sẽ càng trở nên nan giải khi thị trường ASEAN trở thành một, thưa ông?
TS Nguyễn Tiến Luận: Tôi e rằng tới lúc ấy thị trường lao động nội địa sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chúng ta đã có thời gian để chủ động, có thời gian để sửa chữa sai lầm, nhưng thực tế là hô khẩu hiệu thì rất giỏi, còn làm thì rất tệ.
Ngay cả cơ quan quản lý cũng chưa thay đổi tư duy, thí dụ như chuyện cấm mở ngành vì cho rằng xã hội đã dư thừa lao động ở lĩnh vực nào đó. Tôi thấy đấy là tư duy trên ngọn, vì đúng là có thừa thật, nhưng thừa nhóm yếu kém, còn những người có thực lực, kỹ năng vững thì vẫn cần đấy chứ.
Cái quan trọng là có kiểm soát được đầu ra hay không? Nếu đào tạo ra mà không đạt thì ai chịu trách nhiệm? Câu trả lời là chẳng ai cả. Chắc chắn ở những trường công lập là như vậy và còn tiếp tục như vậy nếu cứ quản lý kiểu hiện nay.
Còn với trường tư thục, không có sự hỗ trợ nên rất biết thân biết phận, họ phải làm rất cẩn thận ngay từ khâu tuyển sinh để có tư vấn định hướng cho các em chọn ngành, phải biết các em muốn gì trong tương lai để thúc đẩy mong muốn ấy. Thậm chí, chúng tôi còn phải tự đầu tư thêm hàng trăm giờ học ngoại ngữ cho sinh viên để các em có được nền tảng tốt hơn khi ra trường. Phải tìm doanh nghiệp để ký kết hợp tác, đào tạo xong là các em có cơ hội đi làm ngay.
Những cái đó, chúng tôi chấp nhận làm dài hạn, vì theo quy luật thì sớm muộn gì Việt Nam cũng phải đi đúng những gì các nước phát triển đang có, người học sẽ lựa chọn nơi đào tạo tốt để có đầu ra.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang
No comments:
Post a Comment