Monday, July 27, 2015

Trung Quốc cứu chứng khoán: Lợi bất cập hại

Báo Pháp Luật, ngày 22/07/2015,      http://phapluattp.vn/ho-so-phong-su/trung-quoc-cuu-chung-khoan-loi-bat-cap-hai-569815.html,        Các chỉ số chứng khoán đã ngừng giảm nhưng những giải pháp của chính phủ Trung Quốc lại mở ra những rủi ro mới trong tương lai.

Đến chiều thứ Ba (21-7), theo tờ Wall Street Journal, thị trường chứng khoán Trung Quốc (TQ) tiếp tục tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite Index tăng nhẹ 0,6%, Shenzhen Composite tăng 1,6%, Hang Seng Index tăng 0,5%. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư hy vọng rằng thị trường chứng khoán đã suy giảm chạm đáy và sẽ bắt đầu ấm dần trở lại. Tuy nhiên, so với mức “bốc hơi” gần 30% vừa qua thì thị trường chứng khoán TQ vẫn chưa đạt được mức phục hồi đáng kể.
Theo tờ Equities, thị trường chứng khoán TQ hiện nay đang ở mức hợp lý hơn so với mức giá quá cao của hơn một tháng trước đây. Kinh tế TQ và thị trường chứng khoán trong trung hạn sẽ ổn định nhưng trong ngắn hạn vẫn sẽ còn nhiều biến động.
Chính phủ mạnh tay can thiệp
Ngay khi thị trường chứng khoán TQ “tụt dốc không phanh” từ đầu tháng vừa qua, chính phủ TQ phối hợp với các doanh nghiệp (DN) tư nhân được chính phủ hỗ trợ tiến hành một loạt giải pháp tài chính khẩn cấp nhằm “phanh” thị trường, kéo lại các chỉ số chứng khoán đang khiến hàng triệu người dân tán gia bại sản vì mắc nợ.
Nổi bật trong số đó phải kể đến việc Ngân hàng Trung ương TQ giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời bơm tiền mặt vào Công ty Chứng khoán Tài chính TQ (CSF), một công ty nhà nước cung cấp khoản vay 42 tỉ USD đến 21 công ty môi giới để mua những cổ phiếu hàng đầu.
Đồng thời, các công ty môi giới còn cam kết sẽ đưa hơn 20 tỉ USD vào thị trường. Với việc kích thích nguồn cầu bằng giải pháp này, chính quyền Bắc Kinh mong muốn ngăn chặn thị trường chứng khoán tiếp tục rớt giá.
Khoảng một nửa DN được niêm yết trên hai sàn giao dịch lớn nhất của TQ phải thừa lệnh chính phủ dừng mọi hoạt động mua bán cổ phiếu. Trong đó, các cá nhân nắm giữ hơn 5% cổ phần DN, cũng như thành viên hội đồng quản trị của các công ty đều phải “án binh bất động”, không được bán cổ phiếu trong vòng sáu tháng. Nếu bất kỳ ai vi phạm đều sẽ bị chính phủ xử lý nặng.
Mặt khác, chính phủ dừng niêm yết cổ phiếu mới khi thị trường đang trong giai đoạn hàng triệu nhà đầu tư lớn nhỏ đang cần “bán đổ bán tháo” hơn là mua vào. Ủy ban Quản lý Chứng khoán TQ còn yêu cầu các DN phải mua hoặc khuyến khích các thành viên hội đồng quản trị, nhân viên công ty mua cổ phiếu của chính công ty mình.
Ngân hàng TQ còn tạo điều kiện để nhiều nhà đầu tư được thế chấp nhà để mua cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang xuống mức chạm đáy. Ai cũng hy vọng và có niềm tin rằng các biện pháp của chính phủ sẽ kéo giá cổ phiếu tăng lại và họ sẽ có thu lợi từ chênh lệch giá. Trong khi đó, giá đồng nhân dân tệ cũng giảm mạnh nhằm kích thích xuất khẩu để tăng trưởng thị trường.
Thị trường chứng khoán sau khủng hoảng sẽ lại tăng nhờ sự ưu đãi, “chống lưng” từ phía chính phủ. Ảnh: RAFAEL MATSU- NAGA
Vòng luẩn quẩn khủng hoảng
Những giải pháp được tung ra cho đến hiện tại, về mặt lý thuyết, dường như đã phát huy tác dụng phần nào khi chỉ số chứng khoán đã ngừng giảm và tăng nhẹ. Có ý kiến cho rằng các giải pháp can thiệp của nhà nước là cần thiết trước khi “bàn tay vô hình” của thị trường can thiệp, đưa thị trường trở về mức cân bằng. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia, giới tài chính quốc tế lên tiếng chỉ trích các giải pháp mà họ cho rằng có phần “thô bạo” của chính quyền TQ.
Timothy B. Lee, biên tập viên kỳ cựu của tờ VOX, tờ báo chuyên về chính trị và chính sách, mới đây có bài xã luận “TQ đang hủy hoại thay vì cứu sống thị trường chứng khoán”.
Theo đó, nếu đặt phép so sánh với chứng khoán tại Mỹ - một thị trường chứng khoán lớn và có tầm ảnh hưởng thế giới thì chính phủ không thể can thiệp quá nhiều vào giá cả thị trường chứng khoán. Ngay cả Tổng thống Obama cũng không thể ra lệnh cấm người dân bán cổ phiếu, càng không thể lệnh cho Cục Dự trữ Liên bang cho vay để người dân kéo nhau đi mua cổ phiếu như CSF đã làm.
Chính quyền TQ đã có thể “cứng rắn” và mạnh tay với tất cả đối tượng trên thị trường, từ người mua đến người nắm giữ cổ phiếu để có thể giữ giá chứng khoán. Điều này khiến thị trường bị ảnh hưởng mạnh bởi sự kỳ vọng rằng chính phủ bằng mọi giá sẽ thúc đẩy giá trị chứng khoán phục hồi nhưng thực tế mọi thứ vẫn đang tệ hại.
Tờ Financial Times đưa ra dẫn chứng sinh viên tại ĐH Thanh Hoa gần đây thường hô hào khẩu hiệu “cứu lấy cổ phiếu A sẽ mang lại lợi ích cho người dân”. Theo Timothy B. Lee, việc làm này cũng như những giải pháp hiện nay của chính phủ TQ không có tác dụng gì cho thị trường chứng khoán ngoài việc thể hiện cho người dân thấy quyết tâm của chính phủ bảo vệ giá cổ phiếu không tiếp tục lao dốc.
Sự “chống lưng” của chính phủ thúc đẩy người dân mua cổ phiếu bằng sự đắc chí và ảo tưởng về giá chứng khoán trong tương lai, trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường TQ hiện nay, về mặt kinh tế học, không hề ủng hộ cách “chơi chứng khoán” như thế.
Nhờ niềm tin có chính phủ “chống lưng”, giá cả cổ phiếu lại bắt đầu tăng ảo và dần đi vào “vết xe đổ” bong bóng chứng khoán trước đây. Hậu quả là việc để cổ phiếu giảm giá có lẽ sẽ còn dễ dàng hơn việc ngăn chặn giá cổ phiếu “lạm phát” không ngừng trước khi bong bóng chứng khoán một lần nữa lại nổ tung.
Kích thích sự chây lười DN, nhà đầu tư
Cái mà TQ thiếu hiện nay chính là một thị trường chứng khoán hoạt động đúng quy luật và chức năng của nó - nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế TQ chứ không phải đầu tư theo kiểu “ăn theo” chính sách chính phủ; hay đầu cơ, đẩy giá ảo chứng khoán để kiếm lợi.
Nền kinh tế của nước này vẫn còn bị chi phối quá nhiều bởi các DN nhà nước thường xuyên thua lỗ. Để tiếp tục tăng trưởng, TQ cần phải phát triển một khu vực tư nhân thực sự độc lập, hoạt động theo quy luật “lời ăn lỗ chịu” chứ không phải sống dưới sự bảo hộ của nhà nước.
Tuy chính quyền Tập Cận Bình đã thừa nhận những khó khăn này và cam kết sẽ để thị trường hoạt động theo quy luật độc lập nhiều hơn nhưng “phép thử” giải cứu khủng hoảng thị trường chứng khoán vừa qua cho thấy cam kết của Bắc Kinh chưa được đảm bảo. Nhìn cách Bắc Kinh ứng xử sẽ thấy chính phủ không chỉ chi phối thị trường mà còn can thiệp ở mức độ sâu rộng và toàn diện.
Điều này, trong thời gian tới không chỉ khiến giá cổ phiếu trở nên tăng trưởng ảo quá mức kiểm soát, giúp nhiều công ty năng lực kém, làm ăn thua lỗ tận dụng “bóng” nhà nước có cơ hội huy động vốn kiếm lời, dù bản thân DN không tạo ra tài sản mà ngược lại còn gây hại thị trường.
Đây là tín hiệu cho thấy thị trường vốn TQ vẫn bị chính phủ điều chỉnh hoàn toàn. Vấn đề này, theo Timothy B. Lee, sẽ kích thích những nhà lãnh đạo hiện nay và thậm chí trong tương lai của DN TQ thay vì tập trung và nỗ lực phát triển DN bằng đôi bàn tay, khối óc, sự sáng tạo,… thì họ sẽ tìm cách tác động bằng nhiều kênh, nhiều cách, nhiều công cụ khác nhau đến chính quyền Bắc Kinh theo kiểu “ăn vạ” để giữ được sự “chống lưng” của chính phủ - vốn sẵn sàng in tiền và bơm vào thị trường để “cứu” những người kéo nhau chơi chứng khoán không bằng tri thức mà chỉ bằng “niềm tin”.
Can thiệp kiểu TQ: Lịch sử đều thất bại
Truyền thông phương Tây tốn không ít giấy mực về chuyện chứng khoán TQ “bốc hơi” 30%, mất khoản 30 ngàn tỉ USD trong vòng chỉ vài ngày. Đây không phải là lần đầu chính phủ có những can thiệp theo kiểu hiện nay trước thị trường mất giá. Ở các đợt rớt giá chứng khoán nghiêm trọng năm 2002, 2004, 2008, chính phủ TQ đã can thiệp mỗi khi thị trường rớt giá 30% hoặc hơn nhằm “phanh” giá lao dốc, đồng thời ưu đãi cổ phiếu đầu tư. Những can thiệp này trước đây đều thất bại trong việc giúp giá cổ phiếu tăng lên trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán dài hạn sau khủng hoảng sẽ lại tăng nhưng dường như không phải nhờ sự hấp dẫn của giá trị cổ phiếu mà là nhờ niềm tin về sự ưu đãi “chống lưng” từ phía chính phủ.

ĐẠI THẮNG

No comments:

Post a Comment