Wednesday, July 29, 2015

Động thái ngang ngược mới của Trung Quốc ở Hoàng Sa

Báo Đất Việt, ngày 28/07/2015,       http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-hinh-bien-dong-van-de-bien-dong/dong-thai-ngang-nguoc-moi-cua-trung-quoc-o-hoang-sa-3279204/,      Giới chức Trung Quốc có kế hoạch khởi động một tuyến du lịch mới tới quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông

Tờ Nhân dân nhật báo ngày 27/7 đưa tin trên. Đây được xem là một động thái vi phạm tiếp theo của Trung Quốc với chủ quyền của Việt Nam, .
Dong thai ngang nguoc moi cua Trung Quoc o Hoang Sa
Tàu du lịch Coconut Princess được Trung Quốc dùng để trái phép đưa du khách tới Hoàng Sa (Ảnh: News.cn)
Trung Quốc đã bắt đầu khai thác trái phép trên cơ sở thử nghiệm ở các tuyến du lịch bằng tàu Coconut Princess tới quần đảo Hoàng Sa vào năm 2013, khởi hành từ Tam Á, đảo Hải Nam. Theo tờ Nhân dân nhật báo, cho đến nay hơn 10.000 khách du lịch đã tham gia tuyến du lịch này.
Gần đây nhất, hôm 21/5, Tân Hoa xã cũng đưa tin hãng Hainan Strait Shipping sẽ đưa một tàu du lịch tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 10 tới để quảng bá du lịch phi pháp tại đây.
Con tàu này có trọng lượng 11.000 tấn, trị giá 24 triệu USD, có thể tiếp nhận 500 hành khách.
Một tàu du lịch cũ trước đó từng đưa hơn 8.000 du khách Trung Quốc tới tham quan trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam kể từ khi Trung Quốc mở tuyến du lịch tại Hoàng Sa từ tháng 4/2013.
Trong thông báo ngày 23/6, chính quyền thành phố Tam Á (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) cho biết đang thuê đóng hai tàu 15.000 tấn phục vụ du lịch ở Biển Đông.
Dự kiến, đầu năm 2016, hai tàu du lịch này sẽ được đưa vào sử dụng, lấy cảng Tam Á làm nơi neo đậu phục vụ cho các tuyến du lịch trái phép như: Tam Á- Hoàng Sa hay các tuyến du lịch vòng quanh Biển Đông. Hai tàu này được coi là tàu du lịch lớn nhất ở thành phố Tam Á.
Theo giới thiệu, hai tàu du lịch trên do công ty đóng tàu Chiết Giang chế tạo, với tổng vốn đầu tư khoảng 650 triệu Nhân dân tệ.
Tàu 7 tầng này có chiều dài 134,5 mét, chiều rộng 20 mét với thiết kế hơn 500 giường nằm, đảm bảo cho từ 500-700 du khách.
Ngoài ra, tàu còn có các khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của các du khách trong những tuyến du lịch đường dài.
Tờ báo cho biết, giới chức Trung Quốc hi vọng cuối năm nay sẽ có thêm nhiều hòn đảo có thể được mở cửa để phục vụ du lịch. Trong số các đảo được mở cửa có đảo Phú Lâm, nơi đặt trụ sở chính quyền của cái gọi là "thành phố Tam Sa", mà Trung Quốc lập nên một cách phi pháp từ năm 2012.
Tuy nhiên, China Daily nói rằng thời tiết và các cơ sở vật chất còn nghèo nàn có thể ảnh hưởng tới các kế hoạch du lịch, vì quần đảo Hoàng Sa thường xuyên hứng chịu bão và gió mạnh.
“Chúng tôi cần xem xét năng lực của các hòn đảo nhằm đón tiếp du khách. Các tàu du lịch không thể neo đậu trên một số đảo và cần phải có các tàu nhỏ hơn để đưa du khách lên các đảo”, China Daily dẫn lời ông Xie Zanliang, người đứng đầu một công ty du lịch nhà nước chuyên phát triển các chuyến du lịch phi pháp tới Hoàng Sa.
Hành động phi pháp của Trung Quốc được ghi nhận từ năm 2012. Khi giới truyền thông Philippines đã dẫn lời giới chức nước này cho biết thành phố Tam Á ở cực nam đảo Hải Nam, Trung Quốc đã lập kế hoạch mở tuyến đường du lịch đường biển (phi pháp) đến quần đảo Trường Sa(thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Tuyến du lịch đường biển phi pháp này được thành lập theo một kế hoạch phát triển du lịch 10 năm của Tam Á, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa(thuộc chủ quyền Việt Nam) và bãi đá ngầm Macclesfield mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Trung Sa.
An An

No comments:

Post a Comment