Thứ nhất, một điều dường như chưa mấy ai nhắc tới nhưng rất cơ bản để khiến nợ xấu thay đổi là cách diễn dịch khái niệm nợ xấu của NHNN đã khác đi và từ đó, cách tính nợ xấu trong các ngân hàng đã thay đổi.
Tỷ lệ nợ xấu từ theo định nghĩa của Thông tư 02/2013 là tỷ lệ giữa nợ xấu so với tổng nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5. Tuy nhiên, bằng việc ban hành Thông tư 09/2014, NHNN cho phép giãn việc phân loại nợ theo Thông tư 02 đến ngày 31-12-2014. Chưa hết, từ cuối tháng 1-2015 đến nay, quy định về tỷ lệ nợ xấu lại thay đổi giúp cho các ngân hàng có thể “linh hoạt” điều chỉnh tỷ lệ nợ xấu.
Chỉ thị số 02 ngày 27-1-2015 của NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), tại điều 2, khoản c, lại yêu cầu các TCTD xây dựng và báo cáo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu 2015 (chi tiết xử lý nợ xấu cho từng tháng) để đến cuối năm 2015, “đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại”.
Khái niệm tổng tài sản có được phân loại (hay còn gọi là tổng nợ ngân hàng) và tổng dư nợ cho vay khách hàng là rất khác nhau.
Điều quan trọng hơn và người dân đang muốn được giải thích rõ ràng hơn là việc giảm tỷ lệ nợ xấu theo cách này mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đến đâu? |
Điều 1 của Thông tư 02 ngày 21-1- 2013 của NHNN quy định các tài sản có bao gồm các khoản cho vay, cấp tín dụng của ngân hàng (bao gồm cho thuê tài chính, chiết khấu, tái chiết khấu, bao thanh toán, mua và ủy thác trái phiếu doanh nghiệp...) và bao gồm cả tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán) tại TCTD trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và tiền gửi tại TCTD nước ngoài.
Tổng nợ ngân hàng lớn hơn tổng dư nợ cho vay khách hàng rất nhiều vì nó bao gồm cả các khoản ngân hàng cho vay trên liên ngân hàng và tiền gửi của ngân hàng ở tổ chức tín dụng khác.
Ví dụ ngân hàng A có 1.000 tỉ đồng, đem gửi cho ngân hàng B (tức cho B vay trên liên ngân hàng) thì tổng nợ của ngân hàng A được cộng thêm 1.000 tỉ đồng này để đưa vào mẫu số tính nợ xấu.
Từ sau ngày 27-1-2015, ngày có hiệu lực của Chỉ thị 02, các ngân hàng đều tính toán và báo cáo NHNN tỷ lệ nợ xấu theo cách này. Đó là nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có thể giảm nhanh hơn nếu tính theo cách cũ.
Thứ hai, các ngân hàng thương mại có thể chủ động giảm báo cáo nợ xấu vào cuối mỗi kỳ báo cáo tháng, quí hay năm bằng cách chủ động đi vay tiền trên thị trường liên ngân hàng rồi gửi lại liên ngân hàng. Như vậy, tổng nợ tăng lên và tỷ lệ nợ xấu trên báo cáo sẽ giảm đi. Điều này giới ngân hàng cũng đã quen thuộc, khi cứ đến ngày cuối tháng tổng cầu trên thị trường liên ngân hàng đều tăng và khối lượng giao dịch vì thế cũng tăng mạnh.
Cách diễn dịch khái niệm nợ xấu nói trên mang lại thuận lợi cho TCTD trong nước nhiều hơn các TCTD nước ngoài bởi các TCTD nước ngoài có mạng lưới huy động còn nhỏ, nên tiền huy động thấp, gần như họ không tham gia cho vay, gửi tiền trên thị trường liên ngân hàng.
NHNN đã có nhiều nỗ lực để giải quyết nợ xấu trong thời gian qua, như việc “ép” tiến độ gom nợ của VAMC, ra hạn chót yêu cầu các TCTD đưa tỷ lệ nợ xấu về các mốc cụ thể... Nhưng điều quan trọng hơn và người dân đang muốn được giải thích rõ ràng hơn là việc giảm tỷ lệ nợ xấu này mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đến đâu?
Thêm một yếu tố nữa phải tính đến với cuộc chiến nợ xấu, là tiền đang và được dự báo sẽ đổ mạnh ra thị trường. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong nửa năm nay ước đạt mức cao nhất trong ba năm qua (theo NHNN), khoảng 6,28% tính đến ngày 19-6-2015. Tỷ lệ này cao hơn so với mức tăng trưởng huy động vốn là 4,58%. Bên cạnh quan điểm cho rằng đó là tín hiệu lạc quan khi kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, còn mối lo khác là nợ xấu sẽ được tạo mới với tốc độ mạnh mẽ hơn.
Tín dụng bất động sản tính đến cuối tháng 5 năm nay tăng mạnh 10,89% so với năm 2014. NHNN giải thích rằng dòng vốn vay tập trung vào xây dựng nhà ở và nhà cho thuê hơn là phục vụ mục đích đầu cơ. NHNN cũng cho biết thêm tín dụng nói chung tăng mạnh là do đã được đổ vào nông nghiệp - nông thôn, hạ tầng giao thông (theo yêu cầu của Chính phủ). Thế nhưng, nhiều người vẫn băn khoăn về việc liệu có những dự án liên quan đến hạ tầng hay nông nghiệp - nông thôn được “dựng lên” mà số tiền vay được sau đó có thể chảy vào bất động sản dưới các vỏ bọc khác hay không.
Nợ xấu đang và sẽ được tạo ra bởi tăng trưởng tín dụng hiện nay, cộng với lượng nợ xấu đang được giữ tại VAMC, được giấu đi tại các ngân hàng (mà công chúng chưa biết con số cụ thể) và tỷ lệ lớn số nợ này chưa được xử trích lập dự phòng, tất cả có thể tạo nên một con số mới về nợ xấu, cao hơn nữa.
Hồng Phúc
No comments:
Post a Comment