Tuesday, July 28, 2015

Kiểm tra chống tham nhũng ở tập đoàn lớn Bộ Công thương

Báo Vietnamnet, ngày 25/07/2015,       http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/252311/kiem-tra-chong-tham-nhung-o-tap-doan-lon-bo-cong-thuong.html,      Kết quả kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng ở 4 tập đoàn lớn và 4 cục chức năng ở Bộ Công Thương cho thấy nhiều giải pháp không hiệu quả như kê khai tài sản, nhận quà thì nộp lại quà, không kinh doanh lĩnh vực từng phụ trách sau khi về hưu...

Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc với đoàn công tác số 7 của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, tiếp nhận chính thức kết quả đợt kiểm tra vừa qua.
Theo đó, từ ngày 11/6- 6/7, đoàn công tác đã kiểm tra tình hình phòng chống tham nhũng ở tập đoàn Dệt may Việt Nam, Dầu khí quốc gia, tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn và tổng công ty thuốc lá Việt Nam.
Bốn đơn vị của Bộ cũng trải qua kỳ kiểm tra chống tham nhũng này là Cục Quản lý thị trường, Tổng cục Năng lượng, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại.
Đoàn công tác cho biết, năm 2013 các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã tiến hành 288 cuộc kiểm tra, phát hiện 2 vụ có dấu hiệu vi phạm trong quản lý tài chính.
Năm 2014, các đơn vị đã kiểm tra 302 cuộc, kết quả ở tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát hiện 4 vụ vi phạm về kinh tế.
tham nhũng, bộ Công Thương, cách chức, dầu khí, dệt may, kê khai tài sản
Quý 1 năm nay, một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã triển khai kế hoạch kiểm tra nội bộ, kết quả chưa phát hiện vụ việc vi phạm.
Cũng theo báo cáo của Bộ tại buổi làm việc, liên quan đến đơn thư tố giác, khiếu nại, năm 2013, Bộ đã nhận được 292 đơn thư khiếu nại liên quan đến tham nhũng, trong đó có 194 đơn thuộc thẩm quyền của Bộ.
Năm 2014 số đơn thuộc thẩm quyền của Bộ là 193 trong tổng số 282 đơn nhận được. Quý 1 năm 2015, Bộ đã nhận được 53 đơn thư khiếu nại, trong đó có 39 đơn thuộc thẩm quyền của Bộ. Các đơn, thư khiếu nại, tố cáo hầu hết đã được Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ xem xét, xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo đánh giá của cán bộ, đảng viên tại Bộ Công Thương, vẫn nhiều các giải pháp phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Đơn cử như , 4 giải pháp quan trọng nhất trong chống tham nhũng còn hình thức, chưa hiệu quả là: kê khai tài sản, thu nhập; việc nhận quà và nộp lại quà tặng; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng và giải pháp về thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ, thu hồi tài sản tham nhũng.
Ba giải pháp chống tham nhũng chỉ đạt hiệu quả trung bình là: chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cải cách chế độ tiền lương.
Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, vẫn có một số hạn chế lớn ở Bộ Công Thương như một số cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu thuộc Bộ chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng. Việc triển khai nội dung công tác này có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên đưa vào sinh hoạt thường kỳ của cấp uỷ, tổ chức. Chương trình, kế hoạch công tác hàng năm về kiểm tra, giám sát của một số cấp uỷ, đơn vị cũng chưa đề cập kiểm tra, giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng… Một số nơi, một số chỗ vẫn tiềm ẩn các nguy cơ tham nhũng.
Đoàn công tác khuyến nghị, Ban cán sự Bộ Công Thương cần quan tâm cảnh giác hơn nữa để có những chấn chỉnh kịp thời, nhất là việc một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu, không đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường và hội nhập.
Trong 4 năm vừa qua, nhiều vụ việc vi phạm ở Bộ Công Thương đã bị phát hiện gây bức xúc dư luận, nhiều vụ đã bị truy tố hình sự.
Gần nhất nhất là vụ việc ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hai tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Ông Sơn được cho là có trách nhiệm trong việc PVN đầu tư 800 tỷ vào Oceanbank có nguy cơ mất trắng.
Trước nữa, năm 2011 là vụ việc ông Đào Văn Hưng, nguyên chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị thôi chức sớm, điều chuyển về làm việc ở Bộ Công Thương. Năm 2009, cựu chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Đoàn Văn Kiển cũng phải về hưu sớm vì có trách nhiệm trong việc xảy ra tình trạng khai thác than trái phép.
Các vụ việc khác cũng bị phát giác như năm 2014, có vụ lộ đề thi công chức ở Cục Quản lý thị trường khiến Bộ này phải huỷ kết quả thi.
Phạm Huyền


No comments:

Post a Comment