Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Ảnh: Reuters
Tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp ngày 13-7, các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro (eurozone) đã đạt thỏa thuận cung cấp gói cứu trợ thứ 3 thời hạn 5 năm cho Hy Lạp để giữ nước này ở lại eurozone.
Trong gói này, giá trị giải ngân cho 3 năm đầu tiên là 86 tỉ euro (khoảng 96 tỉ đô la Mỹ); đổi lại, Hy Lạp phải thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ mà họ từ chối trước đó như cải cách lương hưu, tăng tuổi về hưu, cắt giảm ngân sách quốc phòng, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, tất cả đã sẵn sàng để áp dụng chương trình Cơ chế bình ổn châu Âu cho Hy Lạp với những biện pháp cải cách nghiêm túc và sự hỗ trợ tài chính.
Nhiều khả năng Hy Lạp phải siết chặt biện pháp kiểm soát vốn
Sau khi các nhà lãnh đạo eurozone thông qua thỏa thuận về gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên mức tín dụng trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp là 89 tỉ euro (tương đương 99 tỉ đô la Mỹ).
ECB đã không nâng mức trần hỗ trợ tín dụng thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 2 tỉ euro như mong muốn trước đó của chính phủ Hy Lạp. Với quyết định của ECB, nhiều khả năng Hy Lạp phải siết chặt thêm các biện pháp kiểm soát vốn, được áp dụng từ ngày 28-6, như chặn chuyển tiền ra nước ngoài và chỉ cho phép rút tối đa 60 euro/người/ngày tại các máy rút tiền tự động.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính Hy Lạp, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras quyết định tiếp tục đóng cửa các ngân hàng tại nước này ít nhất đến ngày 15-7, sau đó sẽ thông báo cụ thể về kế hoạch kiểm soát vốn tiếp theo.
Phản ứng của dư luận
Thỏa thuận "lịch sử" cứu vãn kịch bản Grexit (Hy Lạp rời eurozone) được dư luận trong nước và quốc tế hoan nghênh.
Chủ tịch Quốc hội liên bang Đức Norbert Lammert cho biết Quốc hội Đức sẽ biểu quyết việc triển khai các cuộc đàm phán chính thức về gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp vào sáng ngày 17-7. Nhưng trước đó, Quốc hội Hy Lạp phải thông qua các biện pháp cải cách như đã thống nhất với các đối tác eurozone.
Thủ tướng Ý Matteo Renzi hoan nghênh kết quả đạt được sau các cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng tại Brussels (Bỉ). Các cuộc đàm phán nhiều lần tưởng như đổ vỡ nhưng cuối cùng đã tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng Hy Lạp.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đánh giá thỏa thuận với Hy Lạp là mang tính "cân bằng" và có thể giúp khôi phục nền kinh tế Hy Lạp cũng như củng cố eurozone.
Tổng Thư ký Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh thỏa thuận giữa Hy Lạp và châu Âu, coi sự ổn định của nước này là cần thiết với an ninh của các nước thành viên trong khối.
Phản ứng của thị trường
Các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong ngày 13-7 khi các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố đạt thỏa thuận giữ Hy Lạp ở lại eurozone, trong đó thị trường Thượng Hải có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp sau khi chứng kiến những biến động mạnh gần đây. Chốt phiên giao dịch, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,39%, hay 92,59 điểm, lên 3.970,39 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,3%, hay 322,73 điểm, lên 25.224,01 điểm.
Trong khi đó, sau khi giảm 3,7% trong tuần trước, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,57%, hay 309,94 điểm, lên 20.089,77 điểm, khi nhà đầu tư thận trọng dõi theo diễn biến các cuộc đàm phán cuối cùng nhằm đạt thỏa thuận cứu trợ mới cho Hy Lạp. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,49%, hay 30,25 điểm, lên 2.061,52 điểm.
Sau những tuần căng thẳng gần đây, các nhà phân tích cho rằng niềm tin đang quay lại khi cuộc khủng hoảng kéo dài 5 tháng tại Hy Lạp đến hồi kết và thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu phục hồi.
Trong ngày 13-7, euro tăng lên mức 1,1182 đô la Mỹ - cao hơn mức 1,1149 đô la Mỹ tại New York cuối tuần trước - nhờ hy vọng về thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp.
Hy Lạp lại bỏ lỡ hạn chót trả tiền cho IMF
Ngày 13-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo Hy Lạp lại bỏ lỡ hạn chót trả khoản tiền trị giá 456 triệu euro (501 triệu đô la Mỹ) cho cơ quan này.
Trước đó, Hy Lạp đã không trả được khoản nợ trị giá 1,5 tỉ euro cho IMF vào hạn chót ngày 30-6.
|
No comments:
Post a Comment