Tuesday, July 14, 2015

Chủ tịch Quốc hội: “Đại biểu bắt bẻ câu chữ rất chính xác, tôi ngượng lắm”

Báo Giáo Dục, ngày 14/07/2015,      http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Chu-tich-Quoc-hoi-Dai-bieu-bat-be-cau-chu-rat-chinh-xac-toi-nguong-lam-post160083.gd,        Người đứng đầu Quốc hội đã nói thẳng như vậy khi cho ý kiến về kỳ họp thứ 9 và công tác tổ chức xây dựng các dự án luật tại kỳ họp sắp tới.

Tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/10, đề cập tới công tác chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề kết thúc Quốc hội khóa XIII cần phải chất vấn toàn bộ việc thực hiện nghị quyết chất vấn từ kỳ hợp thứ 2 tới kỳ hợp thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: “Ta có thể sẽ chất vấn tổng thể, chứ không chất vấn từng đồng chí. Qua 9 phiên chất vấn tại 9 kỳ họp phải chỉ ra được những điểm lớn và những điểm rất cụ thể.
Thí dụ, vấn đề  đảm bảo an toàn cho hồ đập thủy điện, đã rà soát thế nào, bây giờ thế nào? Bỏ bao nhiêu, tiếp tục bao nhiêu, sửa đổi thiết kế xây dựng bao nhiêu, kế hoạch còn lại bao nhiêu? Trồng rừng thay thế như thế nào?
Câu hỏi này không phiên họp nào không đặt ra, đến giờ này vẫn chưa đâu vào đâu cả. Rồi vấn đề an toàn hồ đập thế nào? Rồi vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp thế nào?
Đây là điểm đổi mới, truy đến cùng, không đánh trống bỏ dùi. Làm như thế thì hết nhiệm kỳ này có thể tổng kết được. Tổng kết công tác giám sát của Quốc hội. Tổng kết công tác của Chính phủ. Ông có thể viết báo cáo tổng kết rất hay nhưng qua hoạt động chất vấn thì có phải thế đâu”.
Cho ý kiến vào tình hình thảo luận các dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi đưa ra thảo luận tại các đoàn thì Đại biểu bắt bẻ câu chữ rất chính xác.
“Tôi ngồi tôi ngượng lắm. Tôi ngượng cho chúng ta. Vì vậy các đồng chí phải cẩn thận hơn. Ngay cả cái Ủy ban Pháp luật cũng bị bắt bẻ nhiều. Đại biểu phát biểu vào chủ trương, tư tưởng, còn phát biểu vào câu, chữ, tính thống nhất không phải việc của họ mà là việc của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các dự án luật đang còn nhiều ý kiến khác nhau như: Luật tạm giam, tạm giữ; Luật tổ chức cơ quan điều tra; Bộ luật dân sự; Bộ luật hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự…
Theo Chủ tịch Quốc hội: “Những luật này rất phức tạp, cần có tính khoa học rất cao, đụng trạm đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân rất lớn”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần có chất vấn tổng thể khi kết thúc Quốc hội khóa XIII. ảnh: Ngọc Quang
Nếu một sự việc lặp đi lặp lại thì đó là trách nhiệm của Bộ trưởng
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đồng tình vối cách tổ chức chất vấn tập trung vào nhóm vấn đề, nhưng không hài lòng với kết quả trả lời chất vấn.
Ông Lý nói: “Nhiều vấn đề lặp đi lặp lại nhưng câu trả lời chất vấn vẫn như thế. Chúng ta không rõ thực trạng hiện nay như thế nào? Chúng ta không rõ hiệu quả, chủ trương của chính sách đó. Chúng ta sắp tổ kết 5 năm về chủ trương chính sách của Đảng, nhưng những người trả lời chất vấn vẫn không rõ. Có đồng chí còn nói cũng biết, bây giờ phải xin ý kiến nhân dân đánh giá thế nào. Thực trạng không rõ, hiệu quả không rõ, trách nhiệm lại càng không rõ”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nếu một việc cụ thể xảy ra ở một địa bàn cụ thể có thể không thuộc trách nhiệm trực tiếp của Bộ trưởng, nhưng nếu hiện tượng đó lặp đi lặp lại thì về mặt quản lý nhà nước, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.
“Anh phải có biện pháp gì để khắc phục, biện pháp gì để sử đổi, chứ cứ để lặp đi lặp lại. Ta trả lời thì rất đẹp, rất hay, nhưng cuối cùng giải quyết vấn đề ấy thế nào thì không rõ”, ông Lý nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương - ông Vũ Huy Hoàng nhận được rất nhiều câu hỏi khó của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua. ảnh: Trung tâm Báo chí Quốc hội.
Ngăn chặn tài liệu trái với chủ trương chính sách của Đảng
Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, các đoàn Đại biểu Quốc hội tham gia các dự án luật, tổ chức lấy ý kiến rất chậm, không đáp ứng yêu cầu thời gian. Có đoàn không gửi ý kiến về cho các Ủy ban tổng hợp. Có khi kết thúc rồi, trình ra rồi mà vẫn có đoàn Đại biểu Quốc hội chưa gửi.
Bên cạnh đó, ông Khoa cảnh báo về công tác thông tin tại kỳ họp: “Kỳ họp vừa qua, có một số thông tin, tài liệu xuyên tạc tình hình, trái với chủ trương chính sách của Đảng. Những thông tin như thế mà lại chuyển đến các Đại biểu Quốc hội. Đây là những tài liệu không tốt, có thể là phương tiện khủng bố.
Vì thế cần phải có quy định chặt chẽ quản lý thông tin, tài liệu trước khi chuyển đến cho các Đại biểu Quốc hội. Những thông tin tham khảo về các dự án luật phải là thông tin chính thống. Ở các nước đã có chuyện khủng bố qua thư rồi”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Kim Khoa cũng đề cập tới chuyện khi thảo luận về các dự án luật, đưa thông tin tham khảo tới các Đại biểu phải chính xác, phải là thông tin khoa học chứ không thể đưa sai lệch. Trên thực tế đã có những thông tin đưa ra không có tác giả, nội dung thì sai hoàn toàn.
Ông Khoa nêu thẳng ra thí dụ từ báo cáo của Trung tâm nghiên cứu khoa học, Viện nghiên cứu Lập pháp về chuyên đề nghiên cứu một số góp ý hoàn thiện Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
“Cái này ông ấy viết ngược, không có đúng gì cả. Luật này đưa ra thông qua 100% ý kiến đồng ý, không ai có ý kiến khác. Thế nhưng mà đưa rằng “Dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi còn một số bất cập về: Bảo đảm tính hợp hiến của dự thảo luật; về tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật; chưa đồng bộ thống nhất trong quản lý thanh niên theo độ tuổi… Sắp thông qua rồi mà đưa ra nói là chưa hợp hiến. Viết thì viết sai.
Tôi đề nghị các đồng chí quản lý thông tin, đặc biệt là thông tin nghiên cứu khoa học thì phải là sản phẩm của nghiên cứu khoa học. Tài liệu nghiên cứu phải có địa chỉ rõ ràng. Chuyên viên nghiên cứu mà viết thế này chẳng đúng gì cả. Định hướng cho Đại biểu Quốc hội như thế thì có đúng không?”.
Bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tài liệu qua đoàn thư ký được kiểm soát rất kỹ trước khi chuyển tới các Đại biểu Quốc hội. Những tài liệu không đúng với chủ trương chính sách của Đảng có thể đã được gửi trực tiếp tới Đại biểu mà không qua đoàn thư ký.
Để nâng cao chất lượng các phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội – bà Trương Thị Mai đề nghị việc điều hành các phiên họp đảm bảo tinh thần sôi động của nghị trường. Khắc phục việc đọc phát biểu soạn sẵn của Đại biểu Quốc hội, tăng tính tranh luận.
“Tôi thấy mỗi phiên họp tại hội trường có tranh luận đều rất hay, lôi cuốn tất cả tham gia, từ Đại biểu Quốc hội tới báo chí, cử tri. Đáng tiếc là không phải phiên họp nào chúng ta cũng làm được điều này. Nhiều Đại biểu phát biểu trùng lắp nhau hết, nhưng mà vì chuẩn bị sẵn rồi thì cũng không thể không xuất hiện và cũng không rút tên đăng ký, thành ra khi nghe rất mệt mỏi. Chỗ này có khắc phục được không? Cá nhân tôi rất thích những Đại biểu chuẩn bị sẵn ở trong đầu, phát biểu không cần văn bản”, bà Mai nêu quan điểm.
Bà Mai cũng cho rằng, Đại biểu Quốc hội tới Quốc hội để thảo luận và quyết định chính sách, tuyên truyền chính sách để nhân dân hiểu. Nếu không làm được việc đó thì Đại biểu Quốc hội làm gì?
“Tôi thấy có trường hợp Đại biểu Quốc hội chưa nghiên cứu kỹ, chưa đầy đủ nhưng cứ phát ngôn lên làm cho xã hội hiểu chưa đầy đủ về chính sách”, bà Mai nói.
Ngọc Quang

No comments:

Post a Comment