Monday, July 13, 2015

Campuchia tìm kiếm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc

Báo Giáo Dục, ngày 08/07/2015,       http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Campuchia-tim-kiem-doi-trong-voi-anh-huong-cua-Trung-Quoc-post159895.gd,           Cân bằng chiến lược của Campuchia đôi khi không ổn định, thỉnh thoảng Phnom Penh có thể lựa chọn đứng về Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam...

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Sea-globe.com
Tờ Establishment Post ngày 7/7 đăng bài bình luận của Leng Thearith, nghiên cứu sinh Tiến sĩ về các vấn đề chính trị và quốc tế đại học New South Wales học viện Quốc phòng Úc về chính sách đối ngoại mà tác giả gọi là "đu dây" của Campuchia. Kể từ khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012 thất bại, Campuchia ít nhiều được xem như một "chư hầu" của Trung Quốc, nhưng điều này không hoàn toàn đúng.
Leng Thearith tin rằng, trong thực tế Phnom Penh đã cố gắng để cân bằng chính sách ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng như các bên khác. Ở phạm vi khu vực, chính phủ Campuchia đã cố gắng "làm yên lòng Việt Nam" vốn đã "rất buồn" khi Phnom Penh từ chối lên án sự quyết đoán (leo thang hung hãn) ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cách tiếp cận này thể hiện rõ trong một lần phát biểu năm 2013, Thủ tướng Campuchia nhắc lại đóng góp của Việt Nam giúp giải phóng người dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng khi gặp gỡ các quan chức cấp cao, cựu chiến binh Việt Nam.
Điều quan trọng theo Leng Thearith là ông Hun Sen phát biểu bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Khmer để xây dựng mối quan hệ cá nhân với Việt Nam. Đây là bằng chứng cho thấy nỗ lực của ông để khẳng định quan hệ hữu nghị với người Việt, bất chấp việc phát biểu bằng tiếng Việt có thể tạo cớ cho phe đối lập châm ngòi các hoạt động chống đối ông từ trong nước, một yếu tố làm giảm đáng kể sự ủng hộ của cử tri đối với đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) trong bầu cử Quốc hội năm 2013.
Thêm bằng chứng nữa về ý định của Phnom Penh mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam khi xử lý vấn đề biểu tình (chống phá biên giới lãnh thổ do phe đối lập Cứu quốc Campuchia CNRP xúi giục nhằm thực hiện mưu đồ chính trị cá nhân - PV). Trong tháng 11 năm ngoái Phnom Penh đã bắt giữ 11 người biểu tình (quá khích) chống Việt Nam (nhóm người này kích động chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia do thiếu hiểu biết về Hiệp ước biên giới giữa 2 nước - PV).
Hàng năm mẹ con Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thường qua Bắc Kinh kiểm tra sức khỏe và được ông Tập Cận Bình tiếp đón. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Ở phạm vi toàn cầu, Hun Sen cũng đã cố gắng để quan hệ gần hơn với các đối thủ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Sau khi nâng cấp quan hệ với Bắc Kinh lên đối tác chiến lược toàn diện tháng 12/2010, tháng 12/2013 Campuchia cũng nâng quan hệ với Nhật Bản thành quan hệ đối tác chiến lược. Ngoài ra, cả Campuchia và Nhật Bản đều nhấn mạnh sự cần thiết của tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Điều này gây ra sự khó chịu nhất định đối với người Trung Quốc.
Gần đây hơn nhằm khuyến khích sự tham gia của Nhật Bản vào Campuchia, ông Hun Sen đã ra lệnh in hình ảnh cây cầu Tsubasa của nước này do Nhật Bản viện trợ xây dựng và đặt tên bằng tiếng Nhật lên một đồng tiền của Campuchia. Cử chỉ này chứng tỏ tầm nhìn dài hạn của Phnom Penh muốn qua Tokyo để cân bằng quan hệ với Bắc Kinh. 
Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, Campuchia trở thành một trong những nước Đông Nam Á tích cực nhất ủng hộ chiến dịch ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS). Tháng 9 năm ngoái Hun Sen cam kết mạnh mẽ việc ngăn chặn hoạt động ẩn náu của IS tại Campuchia, tham gia các hoạt động phong tỏa tài chính của IS, chia sẻ các thông tin hữu ích cho Hoa Kỳ.
Mong muốn quan hệ gần gũi hơn với người Mỹ còn được chứng minh qua mong muốn mạnh mẽ của ông Hun Sen để Campuchia trở thành một thành viên của Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đang chủ xướng để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Cân bằng chiến lược của Campuchia đôi khi không ổn định, thỉnh thoảng Phnom Penh có thể lựa chọn đứng về Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam hay Thái Lan. Nhưng sự cân bằng này có thể bị suy yếu thường xuyên hơn nếu ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ không bù đắp những ảnh hưởng kinh tế đang lên của Trung Quốc tại Campuchia, hoặc nếu Hun Sen không thể chịu được áp lực của người Mỹ về các vấn đề nội bộ của quốc gia này.
Hồng Thủy



No comments:

Post a Comment