Ảnh minh họa.
Sốc vì tình hình doanh nghiệp sau kiểm toán
Nhắc đến những công ty kiểm toán "Big4", nhà đầu tư luôn cảm giác về mức độ tin cậy cao. Nhưng điều gì đang diễn ra khi hàng loạt doanh nghiệp gần đây có vấn đề đều có báo cáo tài chính được kiểm toán bởi những công ty kiểm toán hàng đầu này?
Thời gian gần đây, hàng loạt công ty có vấn đề trong báo cáo tài chính doanh nghiệp khi sau kiểm toán, công ty đang từ có lãi biến thành lỗ lớn.
Gần đây nhất là hai doanh nghiệp "họ" nhà OGC. Riêng với Ocean Group, báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2014 đã công bố khoản lỗ “khủng” lên đến 2.546 tỷ đồng. Trước đó báo cáo hợp nhất năm 2014 do công ty tự lập vẫn lãi hơn 408 tỷ đồng.
Công ty con của OGC là CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) tuy chưa công bố báo cáo kiểm toán hợp nhất nhưng báo cáo tài chính công ty mẹ cho biết khoản lãi hơn 48,7 tỷ đồng trong năm 2014 trước đó đã biến thành lỗ hơn 757 tỷ đồng.
Trước đó là trường hợp của PVX. PVX là doanh nghiệp điển hình khi từ lúc bắt đầu niêm yết, lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp này luôn bị điều chỉnh sau khi kiểm toán.
Mới đây, PVX đã bị giảm gần 70 tỷ đồng trên chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2014 khiến khoản mục này chỉ còn lại 10,3 tỷ đồng.
Không chỉ việc biến lãi thành lỗ, đến nay nhiều người vẫn đang nghi ngờ trách nhiệm của Deloitte - đơn vị kiểm toán cho OceanBank khi ngân hàng này âm vốn chủ sở hữu nhưng kiểm toán không phát hiện và đưa ra bất kỳ cảnh báo nào cho cổ đông.
Ai là người chịu trách nhiệm?
Mặc dù mọi sự nghi ngờ dồn về đơn vị kiểm toán nhưng trao đổi về vấn đề trên, một chuyên gia trong ngành cho biết, trách nhiệm lớn nhất là của Ban giám đốc chứ không phải của kiểm toán.
Theo chuyên gia này, luật của kiểm toán có quy định, kiểm toán viên không chịu trách nhiệm trong việc tìm ra những gian lận. Chính vì vậy mức độ rủi ro của nhà đầu tư là rất lớn.
“Đây là lý do trong các báo cáo kiểm toán luôn có phần gọi là Báo cáo Ban giám đốc mà tôi chắc chắn rất ít nhà đầu tư đọc tới. Báo cáo này nói lên trách nhiệm của Ban giám đốc cam kết những số liệu này là đúng vì những gian lận thì kiểm toán không có trách nhiệm tìm ra”.
Chúng ta thường kỳ vọng vào kiểm toán viên nhưng điều này khá rủi ro. Sự chính xác của một báo cáo tài chính thuộc về tính minh bạch và đạo đức của ban giám đốc mà điều này thì vô chừng, vị chuyên gia nhấn mạnh. Điều này một phần phụ thuộc vào đạo đức của kiểm toán viên, mặc dù họ không có trách nhiệm tìm ra gian lận nhưng có một số trường hợp họ thấy được nhưng họ lờ đi.
“Những công ty càng lớn thì càng phải làm những chiêu trò PR và Marketing để qua mặt nhà đầu tư bằng việc chi nhiều tiền để thuê những công ty kiểm toán lớn. Nhưng trên thực tế những công ty lớn này cũng có luôn chiêu trò để qua mặt công ty kiểm toán". Đây là lý do những vụ xôn xao gần đây hầu như đều vào những công ty kiểm toán lớn như JVC (KPMG kiểm toán), OGC - OCH - Oceanbank (Deloitte kiểm toán).
Bởi vậy cần tự bảo vệ mình trong nghiên cứu tài chính của doanh nghiệp. Vị chuyên gia này cho biết nhà đầu tư cần xem rõ phần thuyết minh trong báo cáo tài chính của công ty. Rõ ràng những khoản rất rủi ro là những khoản phải thu, những khoản đầu tư ngắn hạn vào những công ty tư nhân mà rất khó tìm được thông tin tài chính của những công ty này, nhiều khả năng là những công ty sân sau.
Thuyết minh báo cáo tài chính phải rõ ràng, nếu không thì nhà đầu tư nên đặt một dấu hỏi đối với những công ty này. Trên thực tế đang có rất nhiều công ty có "những khoản phải thu khác", "những khoản đầu tư ngắn hạn khác" rất mập mờ.
Nhà đầu tư hiện nay mua cổ phiếu của công ty mà thậm chí không biết công ty đó làm ăn trong lĩnh vực gì, điều này sẽ gây ra khá nhiều rủi ro. Để tránh tổn thất, nhà đầu tư nên kiểm tra tính minh bạch và đạo đức của ban giám đốc bằng cách kiểm tra tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong ít nhất 5 năm qua, điều này sẽ phản ánh một phần đạo đức của ban giám đốc.
NGUYÊN MINH
No comments:
Post a Comment