Loạt đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế báo động (Sydney Morning Herald) |
Qua cái gọi là “làm rõ” về chính sách quốc phòng của Trung Quốc bởi đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, không ít nhà nghiên cứu thế giới đã nêu câu hỏi, phản ánh cảm nhận của thế giới hiện nay tại Đối thoại Shangri-La vừa kết thúc.
Câu hỏi đầu tiên của Philippe Errera, tổng vụ trưởng quan hệ quốc tế và sách lược Bộ Quốc phòng Pháp, nhắc lại cảm nhận chung của các nước G7 mà những ngoại trưởng khối này đã biểu thị mới tháng 4 vừa rồi: “Tôi nghĩ rằng tuyên cáo của các ngoại trưởng G7 tại Lübeck, Đức, biểu thị mối quan ngại của các vị ấy về những hành động đơn phương đã làm thay đổi hiện trạng đồng thời làm gia tăng căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông, là một tuyên cáo quan trọng”.
Một sự nhắc lại có ý nghĩa của một sự lên án kép rằng Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng, gây căng thẳng ngày càng tăng. Tổng vụ trưởng Philippe Errera sau đó đưa ra câu hỏi “triệt buộc”: “Trong Sách trắng mà Trung Quốc vừa công bố tuần rồi có viết, tôi trích: “Do lẽ không gian mạng ngày càng có sức nặng về mặt an ninh quân sự, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh phát triển một lực lượng không gian mạng. Đô đốc có thể cho chúng tôi biết thêm về lực lượng này và làm thế nào một lực lượng không gian mạng như thế có thể phù hợp với quan điểm tương thuộc lẫn nhau và hợp tác mà đô đốc vừa hùng hồn vạch ra?”.
Ý nói: nếu Trung Quốc muốn thành lập một lực lượng chiến đấu trên không gian mạng, mà chiến đấu tức luôn có tấn công là chính (cùng phòng thủ là phụ) thì những hứa hẹn hợp tác hoa mỹ của ông nãy giờ nghĩa là ba hoa à?”.
François Heisbourg, chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế và Trung tâm Sách lược an ninh Geneva, đưa mọi người về lại biển Đông: “Qua một số sáng kiến mà đô đốc vừa nêu, tôi nghĩ có thể công bằng mà nói rằng Trung Quốc cũng có thể được xem như là một cường quốc toàn cầu có chính sách toàn diện, xây dựng và thận trọng trong tư thế của mình, đặc biệt qua một số sáng kiến như Con đường tơ lụa mới, Ngân hàng Hạ tầng cơ sở châu Á...
Thế nhưng, ngược lại, chính sách và hành động của Trung Quốc ở biển Đông như là đối cực của chính sách toàn cầu vừa nêu, loại trừ người khác chứ không là kết liên với người khác, làm suy yếu lòng tin lẫn nhau hơn là củng cố, thắng thua hơn là cùng có lợi.
Vậy đô đốc giải thích sự tương phản giữa những nhận thức khác nhau về chính sách của Trung Quốc?”. Một câu hỏi chẳng khác gì “lột mặt nạ”!
Tiếp đến là Christopher Nelson, chủ bút tờ The Nelson Report, dừng sâu ở biển Đông: “Tôn đô đốc, tôi rất ấn tượng với phát biểu của ông rằng mục tiêu của Trung Quốc là hợp tác hòa bình, an ninh bền vững và xây dựng một đường lối an toàn cho mọi người, đặc biệt là ở biển Đông. Vì thế, tôi muốn hỏi liệu Trung Quốc đã chuẩn bị để làm việc với Việt Nam và Philippines nói riêng về một biện pháp xây dựng lòng tin hoặc đình hoãn việc tiếp tục bồi đắp trên biển?
Và quan trọng hơn cả là căn cứ đưa ra các mục tiêu mà ông đề ra về việc phát triển hòa bình, bảo vệ ngư dân và dân chúng trên các phương tiện đó, liệu đã sẵn sàng cam kết không triển khai vũ khí tấn công trên những đảo đó?”.
Câu hỏi của tiến sĩ Harry Harding Jr, Trường Lãnh đạo và chính sách công, ĐH Virginia, là một giải thích tâm lý xã hội về nguồn gốc sự trỗi dậy của Trung Quốc: “Đô đốc Tôn, tôi muốn hỏi đô đốc có nhất trí với phát biểu của nguyên chủ tịch Giang Trạch Dân, trong một diễn văn mừng sinh nhật Đảng, rằng “thế kỷ chịu nhục đã kết thúc rồi”. Nên đô đốc cho rằng vẫn còn vô số nợ nần cũ cần phải đòi lại trước khi Trung Quốc có thể tin rằng cái thế kỷ chịu nhục đó đã chấm dứt?”.
Còn nhiều câu hỏi khác nữa. Và qua đó, chúng ta thấy được thiên hạ đang cảm nhận như thế nào về Trung Quốc ngày nay...
Danh Đức
No comments:
Post a Comment