Bất chấp những dự báo về một cuộc đua sít sao, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm David Cameron đã giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc tổng tuyển cử Anh hôm 7-5. Với 330/650 ghế giành được tại hạ viện, Đảng Bảo thủ sẽ tự đứng ra lập chính phủ mà không cần liên minh với đảng nào.
Theo đài BBC, ông Cameron đã đến Điện Buckingham để thông báo với Nữ hoàng Elizabeth II rằng mình nhận được đủ sự ủng hộ để lập chính phủ.
Kết quả kém cỏi (chỉ giành 232 ghế, tức mất 26 ghế) khiến thủ lĩnh Công Đảng Ed Miliband tuyên bố từ chức sau khi thừa nhận vừa trải qua một đêm “vô cùng khó khăn và đáng thất vọng”. Công Đảng thất bại nặng nề tại Scotland, nơi Đảng Dân tộc Scotland (SNP) giành 56/59 ghế. Chịu chung số phận là Đảng Dân chủ Tự do khi số ghế bị giảm thê thảm từ 53 xuống còn 8, khiến thủ lĩnh Nick Clegg thông báo ra đi. Thủ lĩnh Đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage cũng từ chức sau khi mất ghế quốc hội.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu sau khi thắng cử hôm 8-5Ảnh: Reuters
Theo báo Telegrah (Anh), Công Đảng thất bại do chọn sai thủ lĩnh và chương trình tranh cử. “Họ thực sự khao khát chiến thắng nhưng chỉ dừng lại ở mơ tưởng mà không hề nỗ lực” - tờ báo viết.
Trong khi đó, bình luận về chiến thắng vang dội của SNP (giành thêm 50 ghế), cựu lãnh đạo SNP Alex Salmond, người vừa giành ghế nghị sĩ, nói: “Con hổ Scotland đang gầm thét”. Ngay chính bà Nicola Sturgeon, thủ lĩnh của SNP, cũng bất ngờ và cảnh báo ông Cameron không thể nào coi thường nguyện vọng độc lập của người dân Scotland. Việc SNP trở thành đảng lớn thứ 3 tại hạ viện có thể thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý khác về việc táchScotland khỏi Vương quốc Anh vào năm 2016.
Thị trường chứng khoán châu Âu tăng điểm trước kết quả bầu cử ở Anh. ĐàiCNN nhận định diễn biến này cho thấy các thị trường tài chính yêu thích sự ổn định chính trị ở Anh, dù trong ngắn hạn. “Kết quả trên đã ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các chính sách thiên tả dưới sự lãnh đạo của một chính phủ Công Đảng” - ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg (Đức), nhận định.
Cử tri Anh dường như đánh giá cao ông Cameron vì những thành tựu kinh tế: đưa nước Anh hồi phục từ sự suy thoái, tận hưởng tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số những nền kinh tế phát triển vào năm ngoái trong lúc tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh.
Dù vậy, chiến thắng của Đảng Bảo thủ còn đồng nghĩa với việc chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ được tăng cường. Ngoài ra, nhiệm kỳ thứ hai của ông Cameron sẽ chứng kiến sự trấn áp người nhập cư mạnh mẽ hơn nữa bởi một nội dung tranh cử quan trọng của Đảng Bảo thủ là “kiểm soát nhập cư”.
Tranh cãi về tư cách thành viên của Anh tại Liên minh châu Âu (EU) cũng trở nên gay gắt hơn bởi ông Cameron cam kết tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề này vào năm 2017 nếu tái đắc cử. Đài CNN đã vẽ ra một kịch bản cực đoan: Cử tri Anh lựa chọn rời EU, dẫn đến việc Scotland tìm cách chia tay Vương quốc Anh để gia nhập EU.
Nghị sĩ 20 tuổi
Cô Mhairi Black, thành viên Đảng Dân tộc Scotland (SNP), đã trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất ở Anh kể từ năm 1667.
Nữ sinh viên 20 tuổi này sẽ đại diện cho cử tri thị trấn Paisley và khu vực Nam Renfrewshire ở Scotland sau khi giành chiến thắng ngoạn mục trước đối thủ kỳ cựu Douglas Alexander, 47 tuổi - phát ngôn viên về những vấn đề đối ngoại kiêm người phụ trách vận động tranh cử của Công Đảng. Sau khi kết quả được công bố, cô Black cam kết sẽ cải thiện cuộc sống của người dân cũng như chấm dứt những chính sách khắc khổ đang làm tổn thương các cộng đồng ở Scotland.
Theo báo Guardian (Anh), Black đang theo học năm 3 khoa chính trị tại Trường ĐH Glasglow. Trước những chỉ trích về sự non kém kinh nghiệm, cô đáp trả bằng lập luận mình đã đủ tuổi đóng thuế hoặc tham chiến. Luật pháp Anh được thay đổi vào năm 2006, cho phép người từ 18 tuổi trở lên ra ứng cử quốc hội.
Xuân Mai
HUỆ BÌNH
No comments:
Post a Comment