Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại Hội nghị Trung ương XI khai mạc ngày 4/5, trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Theo chương trình vừa được Trung ương thông qua, Hội nghị lần này Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XII; Mô hình tổ chức chính quyền địa phương; Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; và góp ý về Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay.
Tổng Bí thư phát biểu một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đồng chí quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, quyết định.
1- Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
Như các đồng chí đã biết, hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự). Hai nội dung này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Sau khi thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng tại Hội nghị Trung ương 8, việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội đã được tiến hành một cách khẩn trương, nghiêm túc, kỹ lưỡng. Trung ương đã cho ý kiến về các dự thảo văn kiện ở 2 Hội nghị Trung ương 9 và 10, và hiện nay các dự thảo văn kiện Đại hội đã được gửi đến các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước để lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ các cấp. Từ nay cho đến Đại hội Đảng toàn quốc, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải tập trung công sức cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.
Tại Hội nghị lần này, Trung ương cần cho ý kiến, thảo luận và quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại các hội nghị tiếp theo.
Việc xác định phương hướng công tác nhân sự phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã trải qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Dự báo những năm sắp tới, đối với nước ta sẽ là thời kỳ mà cả thời cơ và thách thức đều rất lớn.
Do đó, cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện thành công sự nghiệp to lớn và phức tạp đó, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu kiên cường, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.
Vừa qua, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự từ Đại hội VI đến Đại hội XI của Đảng, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị Dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ khóa XII. Tiểu ban đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đều cơ bản thống nhất với Dự thảo; cho rằng Dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm công tác nhân sự của các khóa trước. Tiểu ban Nhân sự đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Hội nghị Trung ương hôm nay.
Trong báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương đã nêu khá đầy đủ về yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; số lượng, cơ cấu, quy trình giới thiệu, lựa chọn và một số chủ trương cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương.
Tôi đề nghị mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng thực sự tin yêu?
Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần đặc biệt nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm",...
2- Về số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XII
Theo quy định của Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương có nhiệm vụ quyết định việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc. Trên cơ sở nghiên cứu việc phân bổ đại biểu ở một số Đại hội Đảng toàn quốc gần đây, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đối với 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương. Theo đó, nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, bảo đảm thành công của Đại hội. Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ.
Theo kinh nghiệm các khóa trước đây, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc của Đảng theo các nguyên tắc và căn cứ nêu trên về cơ bản được các cấp ủy, tổ chức đảng đồng tình. Điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn và bầu được các đồng chí thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc.
Đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương tập trung cho ý kiến về các nguyên tắc và căn cứ để phân bổ đại biểu; việc dự kiến phân bổ số lượng cụ thể như đã nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị và các phụ lục số liệu kèm theo. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu, Bộ Chính trị sẽ quyết định cụ thể số lượng đại biểu của từng đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
3- Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương
Đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nhiều lần họp bàn trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013 và tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường những năm vừa qua. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, cho nên còn có ý kiến khác nhau.
Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương tiếp tục xem xét, cho ý kiến về vấn đề quan trọng này, nhất là việc lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương để định hướng cho việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp thứ 9 khóa XIII sắp tới.
Tờ trình của Bộ Chính trị đã nói rõ các công việc được triển khai thực hiện từ sau Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đến nay; tổng hợp các ý kiến khác nhau và đề xuất phương án để Trung ương xem xét, lựa chọn. Đề nghị các đồng chí Trung ương cân nhắc kỹ những ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án.
Chú ý phân tích, đánh giá tính đúng đắn, phù hợp của các đề xuất gắn với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bằng cách quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, việc phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền địa phương các cấp sát hợp với thực tế có những đặc thù về địa lý, dân số, kinh tế - xã hội giữa các địa phương, vùng lãnh thổ. Phải chăng, chính quyền nông thôn cần được chú trọng nâng cao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn diện theo lãnh thổ ở cả 3 cấp; chính quyền đô thị cần được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, ủy quyền phù hợp giữa cấp thành phố với thị xã, quận, phường; tổ chức và hoạt động của chính quyền các khu hành chính - kinh tế đặc biệt cần được quy định trong một đạo luật riêng ?…
4- Về Dự án sân bay quốc tế Long Thành
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thời gian qua Ban Cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan tích cực nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đã trình Bộ Chính trị và trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, một số cơ quan, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, đặc biệt là ý kiến tham gia của chính quyền và nhân dân khu vực triển khai Dự án, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện Báo cáo đầu tư (được xem như Báo cáo tiền khả thi của Dự án) để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sắp tới.
Đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với toàn vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, có tổng vốn đầu tư lớn và thời gian thực hiện dài, sử dụng một diện tích đất đai lớn, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và môi trường sống của hàng chục vạn người dân. Vì vậy, mặc dù Trung ương đã cho chủ trương chung và ngay từ năm 2005 Ban Cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo tiền khả thi, đến nay đã hoàn thành, trình Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định và được Chính phủ thông qua, nhưng tại Hội nghị lần này, Trung ương vẫn cần cho ý kiến về các vấn đề nêu trong Tờ trình và Báo cáo đầu tư Dự án của Ban Cán sự đảng Chính phủ, có kết luận định hướng để Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật. Cụ thể là Trung ương cần tập trung cho ý kiến về sự cần thiết và tính khả thi của Dự án; nhu cầu sử dụng đất và giải phóng mặt bằng; phương án tái định cư, bảo đảm việc làm và môi trường sống cho đồng bào vùng di dời; phương án lựa chọn công nghệ, kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành, khai thác sau khi Dự án hoàn thành; hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án; cơ chế đặc thù cho Dự án; các kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự đảng Chính phủ,…
No comments:
Post a Comment