TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, để xảy ra tình trạng bội chi vượt mức Quốc hội cho phép cần phải đặt ra vấn đề đối với việc điều hành, phối hợp giữa hai cơ quan của chính phủ: một bên là kế hoạch sản xuất và một bên là kế hoạch vốn.
PV: - Thưa ông trong báo cáo Chính phủ trình quốc hội về quyết toán chi ngân sách năm 2013 đã đưa ra con số bội chi hơn 41.000 tỉ đồng, vượt trần Quốc hội cho phép. Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ chi tiêu vượt quá ngân sách được thông qua. Theo ông, vấn đề kỷ luật tài khóa luôn được Quốc hội đặc biệt coi trọng phải được xem xét thế nào trong trường hợp này?
TS Nguyễn Đức Kiên: - Tất cả những vấn đề này đã được Ủy ban tài chính ngân sách nêu trong báo cáo thẩm tra. Đó là kỷ luật ngân sách không nghiêm.
Đây chính là những vấn đề đặt ra khi chúng ta sửa Luật Ngân sách và việc sửa là nhằm tránh tình trạng này.
Còn với những việc cần phải tiêu thì cuối cùng vẫn tiêu, còn hạch toán nó vào đâu thì cuối cùng các cơ quan có trách nhiệm phải ngồi lại với nhau.
Như báo cáo của Bộ Tài chính như vừa rồi trong bội chi tăng cao là do ngành giao thông đã huy động đẩy nhanh tiến độ sử dụng vốn ODA thì như vậy là vượt quá kế hoạch của chúng ta.
Và như vậy thì công tác kế hoạch sản xuất kinh doanh với công tác kế hoạch vốn đã phù hợp chưa hay là chúng ta vẫn đang tách ra hai bộ Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Như vậy với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất của cả nước thì Chính phủ điều hành vấn đề này như thế nào giữa một bên là Bộ Tài chính và một bên là Bộ Kế hoạch và Đầu Tư?
Tức là cả kế hoạch sản xuất và kế hoạch thực hiện cũng là Chính phủ cả vậy thì sự phối hợp đó như thế nào cũng cần phải đặt ra.
Để xảy ra tình trạng bội chi phải xem lại việc điều hành, phối hợp giữa kế hoạch sản xuất và cân đối vốn |
PV: - Đặt trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng vừa đưa ra cảnh báo, khuyên Việt Nam không nên tiếp tục vay nợ nước ngoài, việc chi tiêu nói trên cần được xem xét lại như thế nào? Ông bình luận như thế nào về cảnh báo của IMF?
TS Nguyễn Đức Kiên: - Bao giờ ý kiến của các tổ chức quốc tế đưa ra cảnh báo cũng là một kênh thông tin rất quan trọng để các cơ quan chức năng của Việt Nam ngồi rà soát lại thực tế nhận xét này.
Việc quốc tế đưa ra những cảnh báo chúng ta cần đối chiếu với tình hình thực tế. Nếu giữa nợ công của Việt Nam như báo cáo năm 2013 là 54,5% GDP thì xem tổng nợ của nước ngoài là bao nhiêu, trong nước là bao nhiêu và cân đối với xuất khẩu, dự trữ trả nợ là bao nhiêu…
Tất cả những vấn đề này chúng ta đều phải đưa ra cân đối để xử lý.
PV: - Trong một diễn biến khác, dù thừa nhận nợ công ở mức cao, Việt Nam đã phải vay để trả nợ nhưng Bộ Tài chính vẫn khẳng định, sẽ phải vay thêm. Tính toán như của Bộ Tài chính có hợp lý hay không và tại sao? Thưa ông, bài tính thắt chặt chi tiêu phải được tính toán song song ra sao và để hiệu quả nhất, phải thắt chặt ở đâu: chi thường xuyên hay chi đầu tư?
TS Nguyễn Đức Kiên: - Vấn đề này đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã chỉ ra 3 đột phá và trong đó Trung ương 3 khóa 11 đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng 3 tái cơ cấu, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Đây là hai nhiệm vụ để sử dụng hiệu quả vốn vay nằm trong đầu tư công. Còn đối với một nền kinh tế như chúng ta thì việc đi vay ai cũng sẽ phải làm.
Cho nên chúng ta không nên băn khoăn chuyện vay hay không vay mà nên xem vay về, tiêu xong rồi trả như thế nào.
PV: - Đúng là như vậy nhưng thực tế trong tình trạng khó khăn, doanh nghiệp sản xuất vô cùng khó khăn, sắp tới sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoại, tính toán nguồn thu để trả nợ phải được đặt ra như thế nào? Thẳng thắn nhìn nhận, ông thấy khả năng trả nợ của chúng ta đang ở mức nào?
TS Nguyễn Đức Kiên: - Đến thời điểm này tôi chưa thấy chủ nợ nào phàn nàn Việt Nam về việc vi phạm cam kết trả nợ chậm tiến độ.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
- Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment