Quy mô xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá Huy Gơ - Ảnh: Võ Xuân Hiệp |
Bốn mục đích xây đảo (nhân tạo) của Trung Quốc là: chủ quyền, quân sự, kinh tế biển, kiểm soát giao thương hàng hải. Trong đó quan trọng nhất, bao trùm nhất vẫn là chủ quyền |
Giới chuyên gia quốc tế |
Như kỳ thủ đánh cờ nghĩ trước trăm nước, qua hàng thế kỷ họ luôn xuất kỳ có chủ ý. Họ chuẩn bị chu đáo và thực hiện từng nước đi. Toàn quân, toàn dân, toàn diện, được chỉ huy từ trên cao, bằng một cây gậy nhất quán. Họ luôn hát vang giai điệu chính và làm sao để gần 1,4 tỉ người không lạc điệu.
Trên biển dẫu có lúc lộn xộn, có đến năm “lực lượng chấp pháp”, năm con rồng cùng quấy phá biển Đông - ngũ long nộ hải - thì cũng không bao giờ họ lạc giai điệu chính. Có nghĩa là chiến lược vẫn nhất quán dù chiến thuật có thể lúc thế này lúc thế kia.
Mao Trạch Đông hay Tưởng Giới Thạch dù có khác nhau về phe phái thì bản đồ vu vơ đường lưỡi bò chín đoạn vẫn được đồng thuận xài chung. Họ vẫn cùng nhau hát đúng giai điệu chính trên căn bản này.
Nước cờ biến đá thành đảo
Năm 2014, Trung Quốc tập trung bồi đắp xây dựng các bãi đá thành đảo nhân tạo. Bãi Huy Gơ (Tư Nghĩa) được khởi công xây dựng từ ngày 1-1-2014, hiện đã gần như xong, quy mô tạm tính khoảng 8,8ha.
Trung Quốc đưa các tàu vận tải quân sự chở nguyên vật liệu, sắt đá, máy móc đến và xây dựng ào ạt. Mỗi ngày có 30 - 50 lượt chiếc. Lớn nhất là tàu vận tải 42.000 tấn. Để dễ hình dung, tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ của hải quân Việt Nam chỉ có trọng tải giãn nước thực tế 2.100 tấn.
Chạy đua với thời gian và ánh sáng công luận thế giới, họ đẩy nhanh tốc độ, tàu vận tải đưa nguyên vật liệu, sắt đá, sà lan có lưỡi xúc ra bãi đá Huy Gơ. Ôtô chạy thẳng từ tàu lên bờ.
Quan sát thấy được họ trang bị ở đây 4 xe ben, 6 cần cẩu, trong đó có 2 cẩu siêu trường siêu trọng 70 tấn, 4 cẩu loại bình thường, 60 container, 2 máy trộn bêtông loại lớn, 2 xe bồn liên tục chở bêtông tươi đi phụt vào các công trình đang thiết lập.
Trong đợt xây dựng ồ ạt từ đầu năm 2014, họ triển khai đồng loạt trên bảy bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988 và năm 1995.
Nhìn chung, công trình xây dựng trên bảy bãi đá này có hình mẫu như nhau, ít ra theo cách chúng tôi quan sát được ở Xu Bi, Huy Gơ, Ga Ven, Gạc Ma. Đều là màu trắng, nhìn xa như một “chiến hạm”, chính xác là giống một khu trục hạm kiểu 45 của hải quân Hoàng gia Anh.
Chẳng thế mà người ta gọi mục đích của Trung Quốc xây bảy công trình này là xây “những chiến hạm không thể đánh chìm”, xem ra có cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen hình thể.
Tất cả công trình trên bảy bãi đá đều sơn một màu trắng toát. Đê kè xung quanh nghiêng thoai thoải. Một hàng cây nhân tạo, trông giống cây dừa phía “mũi” đảo. (Rất có thể đó là cây thật. Mang đất thật, cây thật ra trồng cũng là một bước nữa trong việc biến đá thành đảo vậy!).
Một tòa nhà bảy tầng cao lừng lững gồm sáu tầng dài, một tầng trên ngắn hơn làm đài quan sát. Một cầu cảng được xây dựng ở phía bắc đảo dài 200m, một âu tàu dài 600m. Từ âu tàu dẫn luồng vào cảng dài 200m.
Đầu bắc và đầu nam của Huy Gơ đã thành hình hai lô cốt. Một nhà lục giác ở đầu phía đông nhìn từ đảo Sinh Tồn Đông lúc chúng tôi quan sát vào sáng 11-5 thì đang lắp kính. Đây có thể là đài chỉ huy dẫn bay (trạm không lưu).
Trên nóc tòa nhà có bãi đáp trực thăng. Hiện vẫn đang có 3 - 4 tàu vận tải, tàu quân sự đang neo đậu thường trực.
Đá vẫn là đá
Đừng quên, trước năm 1988 Trung Quốc chưa hề có một giọt biển, một cục san hô nào ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Từ năm 1988, họ tấn công vũ lực cưỡng chiếm đến nay đã bảy bãi đá. Theo công pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), một quốc gia không thể tuyên bố chủ quyền trên một bãi đá ngập sâu trong biển ở cách xa quá 200 hải lý ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ đường cơ sở của mình.
Điều 13.2 của UNCLOS quy định: Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì chúng không có lãnh hải riêng.
Do vậy họ phải nhanh chóng tiến hành cuộc đấu sức với công luận, với tự nhiên để chế tạo bãi đá thành đảo vì lẽ đó.
Thủ đoạn tôn tạo, xây dựng ào ạt đến chóng mặt là để nhanh chóng làm đảo lộn định nghĩa các thực thể địa lý đá thành đảo, để tuyên bố chủ quyền kèm theo yêu sách vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh và có thể ngang ngược hơn nữa là yêu sách vùng đặc quyền kinh tế.
Từ đó mà tính âm mưu vạch ra một vòng compa bán kính 200 hải lý bao trọn quần đảo Trường Sa và thềm lục địa DK1 của Việt Nam, hiện thực hóa yêu sách đường chữ U chín đoạn, bá chiếm 80% diện tích biển Đông.
Các bên liên quan tố cáo Trung Quốc đã xáo trộn, làm “phức tạp tình hình” chính là như vậy.
Hôm đến Huy Gơ, khi tàu chúng tôi tới gần, từ đảo này bắn lên mấy phát pháo sáng cảnh báo. Tôi nhìn thấy một tàu vật liệu của họ đang thả neo ở rìa san hô, nhả khói đen sì lên trời xanh.
Như vậy là phải chăng với vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5-2014, Trung Quốc đã đạt hai mục đích: triển khai phép thử cột mốc chủ quyền di động (là giàn khoan) và thực hiện binh pháp giương đông kích tây để đạt được thắng lợi trong cuộc đấu biến đá thành đảo ở Trường Sa?
Khi đã làm được việc biến đá thành đảo, họ nghĩ rằng đã đạt được hai mục đích chính: chủ quyền và vấn đề bán kính 12 hải lý.
Nhưng họ chưa thể thành công. Cuộc đấu tuy vậy không hề dễ dàng. Hơn một năm qua Việt Nam liên tục phản đối, Philippines phản đối. Thế giới phản đối. Dù Trung Quốc có làm trò phù thủy, đá vẫn là đá. Đá không thể biến thành đảo.
Vụ kiện của Philippines về thực thể địa lý còn đang thụ lý. Cho đến giờ không ai gọi bảy đảo nhân tạo này của Trung Quốc là đảo để không trúng kế của họ.
Với đảo nhân tạo chỉ được lập ra vùng an toàn tối đa không quá 500m bán kính, theo quy định tại điều 60.5 cho các quốc gia lập đảo nhân tạo trong vùng có quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Chính vì vậy mà hải quân Mỹ mới định cho tàu chiến vào sâu trong vùng 12 hải lý để làm phép thử pháp lý với Trung Quốc về danh nghĩa các đảo nhân tạo này.
Nói gì đi nữa, “sói Trung Hoa” - như cách gọi của người Trung Hoa hiện nay - vừa đặt được thêm một bước chân.
Một bước chân nhỏ của con sói biển nhưng lại là một bước tiến lớn vào biển Đông, không chỉ các bên liên quan mà cả thế giới cần phải ngăn chặn. Vì đó là một bước tiến mang lại hệ lụy ngày càng phức tạp tình hình cho bàn cờ biển Đông, bây giờ và mai sau.
Đoàn Công Lê Huy
No comments:
Post a Comment