Wednesday, March 18, 2015

Trung Quốc: thêm quan chức DNNN và quân đội bị điều tra tham nhũng

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 18/03/2015,       http://www.thesaigontimes.vn/127794/Trung-Quoc-them-quan-chuc-DNNN-va-quan-doi-bi-dieu-tra-tham-nhung.html,        Chỉ 48 giờ sau khi bế mạc kỳ họp thường niên quốc hội Trung Quốc, hai quan chức điều hành doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc bị điều tra tham nhũng.

Chủ tịch tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu của nhà nước Trung Quốc FAW, ông Từ Kiến Nhất. Ảnh: Caixin
 Đó là kết quả của chiến dịch đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Trung Quốc đang tiến hành với trọng tâm nhằm vào các DNNN.
Phát biểu tại Hội nghị về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đầu tháng 1-2015, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn khẳng định trong năm 2015, ủy ban này sẽ tăng cường các tổ tuần tra giám sát nhằm vào DNNN.
Từ ngày 1-3, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triển khai 26 tổ công tác lưu động, tiến hành kiểm tra giám sát 26 DNNN trên toàn Trung Quốc. Nhiệm vụ chính là thanh tra, kiểm tra công tác quản lý vốn, quản lý tài sản, phân nguồn vốn cho các dự án… qua đó phát hiện hành vi tham ô tham nhũng của các quan chức trong DNNN.
Theo báo cáo của các công tố viên Trung Quốc đưa ra tại phiên họp quốc hội thường niên kết thúc ngày 15-3, năm 2014 có khoảng 4.040 viên chức nhà nước từ cấp quận trở lên bị điều tra, nhiều người trong đó dính cáo buộc tham nhũng. Hãng tin Tân Hoa xã trong một báo cáo riêng tiết lộ hơn 70 quan chức quản lý cấp cao của các DNNN bị “sờ gáy” trong năm 2014.
Ông lớn ngành ô tô lọt vào tầm ngắm
Ngày 15-3, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc thông báo đang tìm hiểu vi phạm của ông Từ Kiến Nhất, 61 tuổi, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch một trong các tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu của nhà nước là tập đoàn FAW.
Tập đoàn FAW là đối tác của hàng loạt tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới như Volkswagen (Đức), Toyota (Nhật Bản) và General Motors (Mỹ). Chức vụ Chủ tịch tập đoàn FAW của ông Từ Kiến Nhất tương đương Thứ trưởng. Ông Từ bị bắt để điều tra ngay sau khi dự phiên bế mạc kỳ họp quốc hội ngày 15-3.
Theo báo Wall Street Journal, tháng 6-2012, Văn phòng kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NAO) cáo buộc FAW và FAW-Volkswagen không kê khai doanh thu của 170 ô tô mới bán ra.
Vài ngày sau khi báo cáo kiểm toán được công bố, cơ quan chống tham nhũng địa phương phát động cuộc điều tra Phó Tổng giám đốc bộ phận bán hàng của FAW-Volkswagen. Đến tháng 8-2014, giám đốc điều hành hiện tại và trước đây của FAW-Volkswagen cũng bị điều tra. Tuy nhiên, Volkswagen được xác định không liên quan đến vụ việc này.
Phó Chủ tịch Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (PetroChina) Liêu Vĩnh Viễn (giữa). Ảnh: Caixin
Đến lượt lãnh đạo PetroChina
Ngày 16-3, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết đang tiến hành điều tra Phó Chủ tịch Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc PetroChina, ông Liêu Vĩnh Viễn, vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" - cụm từ thường dùng để chỉ hành vi tham nhũng của các quan chức Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc không cho biết thêm chi tiết vụ điều tra ông Liêu Vĩnh Viễn.
Ông Liêu Vĩnh Viễn làm việc cho công ty mẹ của PetroChina là CNPC 30 năm liền trước khi được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch PetroChina vào tháng 5-2014.
Trước đó, cựu Chủ tịch cả hai tập đoàn trên, ông Trương Khiết Mẫn, và nhiều quan chức điều hành khác đã bị điều tra nhưng chưa ai phải ra tòa.
Ông Liêu Vĩnh Viễn là nhân vật mới nhất trong loạt quan chức cao cấp của chính phủ, các công ty kinh doanh và quân đội, bị điều tra tham nhũng.
Cựu Tư lệnh Quân khu Chiết Giang bị bắt
Ông Phó Di, cựu Tư lệnh Quân khu Chiết Giang. Ảnh: Caixin
Liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc ngày 17-3 đưa tin cựu Tư lệnh Quân khu Chiết Giang, Thiếu tướng Phó Di, 62 tuổi, đã bị giới chức quân đội bắt giữ để phục vụ điều tra vào đầu năm nay.
Ông Phó Di vào Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1971 và bắt đầu sự nghiệp trong quân đội vào năm 1980 tại Nam Kinh, nơi sinh của ông. Tháng 10-2009, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Chiết Giang và nghỉ hưu vào tháng 11-2013.
Hiện, không rõ trường hợp của ông Phó Di có liên quan đến vụ điều tra Phó Chính ủy Quân khu Chiết Giang Quách Chính Cương hay không.
Ông Quách Chính Cương bị điều tra vào tháng 2-2015 vì tình nghi vi phạm pháp luật liên quan đến một dự án tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối của các nhà đầu tư địa phương.
Năm 2012, các nhà đầu tư tập trung trước Sở chỉ huy quân đội Chiết Giang tại Hàng Châu để yêu cầu ông Quách trả lại tiền mà họ đã đầu tư vào hai trung tâm mua sắm do vợ hai của ông là bà Ngô Phương Phương điều hành. Hai trung tâm này được xây dựng trên khu đất thuộc sở hữu của quân đội. Bà Ngô giành quyền xây dựng hai trung tâm vào năm 2007 và 2008, thu hút một số vốn lớn từ các nhà đầu tư bằng việc cam kết với họ về các khoản lợi nhuận cao. Tuy nhiên, bà đã không thực hiện đúng cam kết do công việc kinh doanh tại hai trung tâm gặp khó khăn.
Sau vụ việc trên, một số quan chức cấp cao tại Chiết Giang bị phát hiện can thiệp vào việc phát triển đất đai và bất động sản để kiếm lợi.
Những tháng gần đây, giới chức quân đội Trung Quốc cho biết hàng chục quan chức quân đội cấp cao đang bị điều tra hoặc chờ ngày ra tòa.
Phúc Minh

No comments:

Post a Comment