Cắm cờ dưới đáy biển Đông
Hãng thông tấn Nhà nước của Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 25-03-2015 cho biết, trước đó 1 ngày, một đội người nhái Hải quân Trung Quốc đã dùng robot để cắm một lá cờ Trung Quốc xuống đáy biển ở một khu vực có độ sâu 3000m ở Biển Đông.
Được biết, hải quân nước này đã sử dụng tàu chuyên hoạt động khu vực biển nước sâu mang tên “Hải Dương 286”, chở theo một robot hoạt động dưới nước do Trung Quốc tự nghiên cứu, chế tạo để thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, Tân Hoa xã không cho biết vị trí cụ thể mà hải quân Trung Quốc đã cắm cờ năm sao xuống cũng như mục đích của hoạt động này là gì.
Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng robot để cắm cờ Trung Quốc xuống đáy Biển Đông, còn trước đó nước này đã sử dụng tàu lặn để thực hiện nhiệm vụ này.
Vào tháng 07-2010, tàu Hướng Dương Hồng, thuộc Cục Điều tra Hải dương học của nước này cũng đã vận chuyển tàu lặn có người lái Giao Long, được thiết kế có cánh tay của một robot, tiến hành cắm một lá cờ Trung Quốc xuống khu vực biển sâu 3759m trên khu vực biển Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Biển Đông là khu vực mà Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia xung quanh, hành động này của Bắc Kinh đã làm dấy lên sự hoài nghi về việc nước này đang tiến hành đánh dấu “mốc chủ quyền” (phi pháp) của mình.
Vào năm 2010, Trung Quốc đã cắm cờ trái phép dưới đáy biển Đông |
Giới chức lãnh đạo Bắc Kinh thường hay giả nhân, giả nghĩa khi tuyên bố, Trung Quốc luôn "tôn trọng chủ quyền của các nước trong khu vực”, tôn trọng “Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông” (DOC), nhưng hành động của họ lại luôn đối lập với những tuyên bố trên.
Trước đây, những tướng lĩnh diều hâu của Trung Quốc như La Viện đã không ít lần kêu gọi lãnh đạo nước này đánh dấu chủ quyền trên biển Đông bằng cách sử dụng các tàu lặn tối tân - được rêu rao là “sử dụng cho mục đích khoa học” - để cắm cờ dưới đáy biển ở các khu vực tranh chấp với các nước láng giềng.
Viên tướng nằm trong “dàn hỏa lực mồm” này nhận định, các nước láng giềng chưa nước nào có robot lặn sâu được hơn 7000 mét như Giao Long của nước này, nên Bắc Kinh cần lợi dụng nó cắm cờ xuống đáy Biển Đông và đáy Biển Hoa Đông để “khẳng định chủ quyền phi pháp”!
Các tướng lĩnh diều hâu của Trung Quốc cho rằng, để hợp thức hóa cái gọi là “chủ quyền cướp đoạt được bằng vũ lực”, phục vụ cho tham vọng bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông, nước này cần phải làm nổi bật sự hiện diện trên 6 lĩnh vực: Hành chính, pháp luật, quân sự, chấp pháp, kinh tế và dư luận.
Tiếp tục chuỗi hành động ngang ngược
Để đạt được điều này, Bắc Kinh thực hiện hàng loạt những hành động ngang ngược, trắng trợn xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng, ngang nhiên chà đạp lên luật lệ quốc tế nhằm khẳng định chủ quyền trái phép, thực hiện âm mưu từ từ “gặm nhấm” trên Biển Đông.
Trung Quốc đã tiến hành nhiều hành động xâm phạm chủ quyền các nước láng giềng trong khu vực |
Tháng 5-2014, Bắc Kinh đã ngang ngược cắm giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, âm mưu biến những vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp, nhằm “hô biến” đất đai của nước khác thành lãnh thổ của mình.
Cùng lúc đó, Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu công trình, tàu chở vật liệu và công nhân ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tiến hành hút cát, bồi lấp, mở rộng, biến các đảo đá không đủ điều kiện sinh sống (không được phép có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa) thành các đảo nhân tạo.
Bằng cách dựng nên những hòn đảo chưa từng tồn tại trong tự nhiên, Bắc Kinh hy vọng có thể dựa vào đó để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của mình. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nếu không đạt đến mức hợp pháp thì cũng phải kiểm soát được trên thực tế các vùng biển trong khu vực.
Hành động “thay đổi hiện trạng trên biển Đông” này của Trung Quốc là sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm trắng trợn “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), ngang nhiên chà đạp lên “Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982” (UNCLOS).
Cần ngăn chặn những hành động ngang ngược của Trung Quốc |
Trước đó, Trung Quốc đã dựng lên cái gọi là "Thành phố Tam Sa" - đơn vị hành chính phi pháp được dựng lên trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm đóng trái phép, nhằm quản lý các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Bắc Kinh còn nhiều lần phát hành các bản đồ “đường 9 đoạn”, “đường 10 đoạn” nuốt trọn biển Đông, điều động các tàu chấp pháp biển tuần tra “lãnh hải phi pháp” theo bản đồ “đường lưỡi bò” trên, ngang ngược ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đối với các nước xung quanh, bắt giữ, thậm chí là bắn cháy tàu của ngư dân Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng hành động cắm cờ dưới đáy biển và tăng cường xây dựng phi pháp ở Trường Sa của Trung Quốc vừa nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa vừa muốn tạo sự đã rồi, để hợp lý hóa sự hiện diện trên các khu vực nước này cưỡng chiếm trên biển Đông.
Hành động cắm cờ dưới đáy biển Đông vừa qua nằm trong một chuỗi những thủ đoạn của Trung Quốc nhằm củng cố vị thế bất hợp pháp trên Biển Đông, chiếm đóng vĩnh viễn các đảo kiểm soát được do hành động đánh chiếm bằng vũ lực, đồng thời sẽ ra sức ngăn cản đạt được bước tiến mới trong giải quyết tranh chấp.
Vì vậy, các nước trong khu vực cần nhanh chóng bắt tay hợp lực cùng chống lại kế hoạch dựng đảo, cắm cờ khẳng định chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh.
- Lan Anh
No comments:
Post a Comment