Wednesday, March 25, 2015

Người trong cuộc nói về Gorbachev

Báo Đất Việt, ngày 24/03/2015,         http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/nguoi-trong-cuoc-noi-ve-gorbachev-3239182/,      “Dù không tôn trọng Gorbachev nhưng tôi cũng phải nói rằng ông ta không cố ý làm cho Liên Xô tan rã” – (N.Ruzkov) – phụ đề trên là của Lenta.ru.

Tháng ba này đối với người dân Nga hiện nay và người dân Liên Xô cũ là một tháng có nhiều ngàyđể kỷ niệm. Họ vừa tưng bừng tổ chức nhạc hội nhân kỷ niệm 01 năm sát nhập Crimea với 110.000 người tham gia ngày 18/3.
Nhưng cũng có những sự kiện khác nữa trong tháng ba, - cách đây 30 năm, ngày 15/3/1985, M. Gorbachev lên nắm quyền (được bầu làm Tổng bí thư ĐCS Liên Xô- nhân vật quyền lực nhất).
Cũng trong tháng ba cách đây 24 năm, ngày 17/3/1991, tại Liên Xô đã có một cuộc trưng cầu dân ý toàn Liên bang lần đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng) về việc có duy trì Liên bang Xô Viết nữa hay không?
Trong số 185.647.355 cử tri có quyền bỏ phiếu (vào thời điểm đó) đã có 148.574.606 người tham gia (tỷ lệ 80%). Trong số đó có 113.512.812 (76%) ủng hộ duy trì Liên Bang Xô Viết.
Buổi hòa nhạc trọng thể kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Liên Bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết . Ảnh Iuri Ivanov/RIA Novosti
Buổi hòa nhạc trọng thể kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Liên Bang 
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết . Ảnh Iuri Ivanov/ RIA Novosti
Có lẽ vì thế mà nhân các sự kiện này, tờ Lenta.ru (một tờ báo lớn của Nga) đã phỏng vấn Nhikolai Ivanovich Ryzkov, nguyên thành viên Hội đồng Liên bang, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (Thủ tướng) từ năm 1985 đến 1991 (tức từ lúc bắt đầu “ Cải tổ” đến khi Liên Xô tan vỡ).
Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung bài phỏng vấn này, vì dù sao nghe “ Người trong cuộc” vẫn thú vị hơn là nghe các “ chuyên gia” phán, dù ý kiến của “người trong cuộc ” bao giờ cũng có cái gì đấy mang tính chủ quan.
“Lenta.ru”: - Ông đánh gía như thế nào về “ cải tổ” năm 1985? Thái độ của ông đối với “cải tổ” đến nay có thay đổi nhiều không?
Ryzkov : - Thứ nhất, tôi không thích từ “ cải tổ”. Vấn đề là ở chỗ cụm từ này không mới , nó đã có từ thời Chính phủ lâm thời Kerenski (trước Cách mạng tháng mười năm 1917 -ND), nhưng cánh phóng viên vồ lấy, tung hô rồi cứ thế thành ra phổ biến. Tôi thích định nghĩa “ cải cách” hơn nhiều.
Thoạt đầu, tôi là người tuyệt đối ủng hộ cải cách, thậm chí là một trong những người đưa ra sáng kiến đó, bởi vì qua những kinh nghiệm sống và công việc mà tôi đã trải qua ở nhà máy, ở Bộ và ở Trung ương (Đảng CS Liên Xô) cho thấy là chúng ta đã sử dụng cạn kiệt khả năng của mô hình kinh tế mà chúng ta áp dụng trước chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh (tức mô hình kế hoạch hóa nên kinh tế-ND).
Một hệ thống kế hoạch cứng rắn đã từng là cực kỳ cần thiết – thiếu nó thì chúng ta đã không thắng được nước Đức, thiếu nó thì chúng ta đã không bao giờ có thể khôi phục lại được nền kinh tế (sau chiến tranh-ND). Dĩ nhiên, chúng ta đã lấy của ai đó cái gì đó, nhưng lại trao cái đó lại cho ai đó- điều đó là tất yếu (điều phối thu nhập).
Nhưng sau đó thì rất nhiều người, trong đó có tôi, bắt đầu cho rằng, hệ thống này đã không còn sức sống – nó bị quan liêu hóa quá nặng nề. Chẳng hạn: cần phải tính chi tiết xem cần có bao nhiêu công nhân, cần phải có bao nhiêu người phụ việc, cần phải có bao nhiêu kỹ sư, cần bao nhiêu cán bộ kỹ thuật, bao nhiêu trợ lý, bao nhiêu người dọn dẹp? vân vân và vân vân?
Tại nhà máy của tôi có tới 52.000 nhân công (thế thì mất nhiêu thời gian để làm việc này – ND). Chính vị vậy mà chúng tôi đã báo cáo lên trên là cần phải làm một việc gì đó (để thay đổi hệ thống này-ND).
Trước tôi và Gorbachev cũng đã có những thử nghiệm cải cách, ví dụ như của Aleksey Nhikolaievich Kosygin (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô từ năm 1964 đến năm 1980 – người đã thay mặt Đảng và Chính phủ Liên Xô sang dự lễ tang Hồ Chủ Tịch-ND), một người mà , nhân đây cũng xin nói là đã làm được rất nhiều việc có ích.
Những gì mà ông đã làm – đấy là một bước tiến rất lớn, không thể chê trách ông điều gì được: ông là một con người đi trước thời đại. Sau ông cũng có những nỗ lực khác– nhưng tất cả đã bị “ phanh lại”.
Nhikolai Ryzkov .Ảnh: V.Shaposhnhikov/ “ Commersant”
Nhikolai Ryzkov .Ảnh: V.Shaposhnhikov/ “ Commersant”
Tôi được Iuri Andropov (Tổng bí thư ĐCS Liên Xô lúc đó) chỉ định tham gia vào nhóm soạn thảo chương trình cải cách. Nhóm chúng tôi (Gorbachev, Dolghikh và Ryzkov) đã sử dụng các tài liệu và những ý tưởng đã tích lũy được. Và đến tháng 4/1985, Mikhail Xergeevich Gorbachev đặt lên bàn làm việc chương trình hành động mà chúng tôi đã mất 3 năm soạn thảo để chuẩn bị báo cáo (trước Đại hội Đảng –ND).
Có nghĩa là ban đầu Ông đánh giá tích cực, đích thân tham gia vào công tác chuẩn bị cải cách, thế thì cái gì đã làm ông có quan điểm khác hẳn như vậy?
Tôi ủng hộ Gorbachev đến năm 1987, và sau đấy thì đường ai nấy đi. Chính vì sự hấp tấp, thiếu cân nhắc, ba hoa của Gorbachev và các phương pháp quỷ quyệt của “ Tổng công trình sư phá hoại” Aleksandr Iakovlev cho nên “ cải tổ” đã thất bại thảm hại.
Còn sự chia rẽ giữa chúng tôi (Ryzkov và Gorbachev-ND) bắt đầu vào năm 1987, khi chúng tôi tiến hành tổng kết những công việc đã làm (những thử nghiệm đã tiến hành tại các bộ nghành khác nhau) để xác định ở đâu tốt, ở đâu xấu. Để bắt đầu tính toán về những bước đi tiếp theo.
Gorbachev cùng với Shevardnadze, Iakovlev, Medvedev (xin đừng nhầm với Thủ tướng Nga D.Medvedev hiện nay) chuẩn bị bản báo cáo này ở Volynski.
“Lenta.ru”:- Đấy là từng là nhà nghỉ ngoại ô của Stalin đúng không?
Ryzkov:- Đúng vậy. Tôi không tham gia chuẩn bị bản báo cáo đó. Gorbachev gọi điện cho tôi và nói, cậu hãy đến và xem một số luận cương, để cùng nhau xác định xem là chúng ta sẽ báo cáo những gì. Đi cùng với tôi (đên đó) còn có Bí thư Trung ương Đảng Sliunkov,- Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách kinh tế.
Chúng tôi lần lượt xem và thảo luận từng mục một. Họ (nhóm Gorbachev) đề nghị đưa vào Bản báo cáo trình Hội nghị trung ương (Đảng) của Mikhail Xergeevich (Gorbachev) một luận điểm như sau – Sẽ không lập kế hoạch chi tiết nữa. Nói như thế có nghĩa là sẽ không có bất kỳ một công trình xây dựng nhà ở, nhà trẻ, câu lạc bộ nào nữa ……
“Lenta.ru”:- Để thay thế kế hoạch ( hóa) , họ đề nghị những gì?
Ryzkov:- Không có gì! Họ nói rằng thị trường sẽ tự điều tiết, nó (thị trường) sẽ buộc chúng ta phải làm cái gì đó. Tôi nóng mắt lên và nghiêm giọng nói: “ Các đồng chí đang làm cái gì vậy? Các đồng chí sẽ phá nát đất nước này mất, nước ta tuyệt đối chưa sẵn sàng (cho những bước đi như vậy)! Các đồng chí hãy tưởng tượng xem, ví dụ suốt cả cuộc đời tôi, có ai đó luôn bảo tôi cần phải làm cái gì, và đột nhiên tất cả bỏ hết và và nói: tự xoay xở lấy!
Và để mà có thể tự xoay xở được, ít nhất cũng phải mất có 1 đến 2 năm mò mẫm! Chúng ta hãy thực hiện một giai đoạn chuyển đổi nào đó. Cụ thể là trước mắt giao cho các nhà máy 50% công việc bằng các đơn đặt hàng nhà nước, còn 50% còn lại các nhà máy tự tìm đơn đặt hàng. Ít nhất, họ cũng có cái gì để mà làm việc chứ.
“Lenta.ru”:- Còn họ thì nói sao?
Ryzkov:- “ Không”. Cần làm ngay lập tức và tất cả. Nói chung, đấy là một buổi trao đổi cực kỳ nặng nề. Tôi nói: thế thì nhà ở, các vườn trẻ thì sao”? Câu trả lời :“ Thị trường có mặt ở mọi nơi, nó điều chỉnh tất cả v.v “. Phải nhận xét rằng đấy là một bài hát ca ngợi tự do quá cũ. Có nghĩa là (họ) đề xuất làm những gì mà sau này Elsin đã làm từ 02/1/1992.
"Lenta.ru”:- Tức là “ Liệu pháp sốc” và tất cả những cái còn lại?
Ryzkov:-Đúng vậy, tất cả y hệt như những gì họ (nhóm Gorbachev lúc ấy) đã đề nghị. Và lúc ấy tôi đã nói rằng là tôi kiên quyết phản đối tất cả những ý tưởng đó.
"Lenta.ru”:- Nếu ông không đồng ý , lẽ ra họ đã không thể ra quyết định?
Ryzkov:-Có thể chứ, tại sao lại không. Tôi nói với họ: “ Xin các đồng chí, nếu các đồng chí cho rằng, kế hoạch hóa là không cần thiết, thế thì bỏ tất cả những cái đó đi và sẽ không có trường học, sẽ không có vườn trẻ.
Nhưng xin đồng chí hãy nhớ cho, Mikhail Xergeyevich (Gorbachev) là tại Đại hội(Đảng) cả hai chúng ta đều đã trình bày báo cáo: đồng chí (Gorbachev) đọc Báo cáo chính trị, còn tôi – Báo cáo kinh tế. Tôi đã nói tất cả về điều đó và tất cả đã được thông qua: bao nhiêu nhà ở, bao nhiêu trường học và v.v mà chúng ta đã lên kế hoạch xây dựng.
Nếu muốn thay đổi – tôi đề nghị triệu tập Đại hội (Đảng) bất thường để xem xét , Hội nghị trung ương cũng không có quyền quyết định thay đổi những gì mà Đại hội ( Đảng) đã thông qua”. Và tôi nói thêm với (Gorbachev): “ Mikhail Xergeevich, đồng chí sẽ không được Đại hội (Đảng) ủng hộ đâu”.
V. Dolghich, B. Elsin, E. Shevardnaddze ( hàng trên cùng, từ trái sang phải) , V.Vorotnhikov ( hàng giữa, bên trái) , M. Solomensev ( hàng giữa, bên phải) , E. Ligachev, N.Ryzkov, A.Gromyko, M.Gorbachev ( hàng thứ nhất, từ trái sang) tại Đoàn chủ tịch  Xô Viết  tối cao  Liên Xô khóa XI, kỳ họp thứ sáu, 1986 .
Ảnh: X.Gunheev/ RIA Novosti.
V. Dolghich, B. Elsin, E. Shevardnaddze ( hàng trên cùng, từ trái sang phải) , V.Vorotnhikov ( hàng giữa, bên trái) , M. Solomensev ( hàng giữa, bên phải) , E. Ligachev, N.Ryzkov, A.Gromyko, M.Gorbachev ( hàng thứ nhất, từ trái sang) tại Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô khóa XI, kỳ họp thứ sáu, 1986 . Ảnh: X.Gunheev/ RIA Novosti.
 "Lenta.ru”:- Và tất cả phải hoãn lại cho đến những năm 90?
Ryzkov:- Đúng vậy, đến năm 1992. Tất cả các vấn đề trên đã được đưa lên Bộ Chính trị thảo luận, và lúc đó nói chung là các cuộc họp Bộ chính trị diễn ra không mấy vui vẻ, không đúng mực- thậm chí túm cổ áo nhau khi tranh luận. Bạn có biết là không có máy dò tìm kim loại ở phòng họp Bộ Chính trị không?
Mọi người (chắc các ủy viên Trung ương-ND) đến, ngồi, nghe rồi bỏ ra ngoài và ngán ngẫm nói: họ (các ủy viên BCT) đang choảng nhau ở trong đó, thế thì ai sẽ lãnh đạo chúng ra?. Tôi cảm thấy rất bất ổn, gọi điện cho Gorbachev và đề nghị gặp riêng ông ta.
Chúng tôi gặp nhau ngày thứ bảy vào lúc 11 giờ sáng, và tôi nói với Gorbachev: “ Mikhial Xergeevich, tôi sẽ giữ quan điểm của mình- họ (những người phản đối) có thể sẽ đánh hoặc giết tôi. Nhưng tôi sẽ giữ quan điểm của mình đến cùng, bởi vì tôi hiểu rằng không thể làm khác được.
Tôi cho rằng, nếu chúng ta từ bỏ nguyên tắc đó, chúng ta sẽ hủy hoại đất nước. Đất nước chúng ta chưa sẵn sàng để làm việc đó”. Chúng tôi (Ryzkov và Gorbachev) đã trao đổi nhiều lần, thậm chí có ngày gặp nhau tới 3 lần.
Trong lần tiếp theo, tôi nói “ Tôi đến gặp đồng chí lần này là lần cuối cùng, hoặc là chúng ta cùng nhau tìm ra tiếng nói chung trong công việc, hoặc là tôi từ chức. Tôi không thể làm việc trong một không khí như vậy, việc gì tôi phải ngồi nghe người ta xúc phạm mình?”.
 "Lenta.ru”:-Lúc ấy người ta bắt đầu gọi ông là “ Súc gỗ chắn trên con đường cải tổ”?
Ryzkov:-Vâng, chính là sau lần ấy (lần nói chuyện với Gorbachev). Tôi nói với ông ta (Gorbachev): “ Hoặc là đồng chí đi theo học thuyết của chúng ta, hoặc là ở lại với Shevardnadze và những người khác– bọn họ trong suốt cuộc đời chưa từng nắn thẳng được một cái đinh gỉ, thế mà dám lãnh đạo đất nước “.
Nói chung, ông ta có vẻ chấp nhận. Nhưng vết rạn nứt thì dù sao cũng đã có. Chính khi đó là lúc tôi bắt đầu dao động khi nghĩ về cải tổ- xin nhớ cho lúc này “ cải tổ ” đã bắt đầu được triển khai.
"Lenta.ru”:-Tôi có biết quan điểm của các nhà sử học cho rằng Andropov không hề nghĩ ra những cải cách mà Gorbachev đã tiến hành. Còn ông, với tư cách là người trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo những cải cách đó, xin hãy cho biết, những biện pháp cải cách nào đã được đề ra dưới thời Andropov, những biện pháp cải cách nào được soạn thảo dưới ảnh hưởng của Iakovlev, Shvardnadze và của chính Gorbachev?
Ryzkov:-Chúng tôi thực sự đã làm việc theo chỉ thị của Andropov. Tôi được bầu (làm Bí thư Trung ương Đảng và Trưởng ban kinh tế Trung ương ngày 22/11/1982), sau đó 02 tuần, ông ( Andropov) triệu tập Gorbachev, Dolghich và tôi đến.
Bộ sậu tương đối cứng: một ủy viên Bộ chính trị, một Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và một Bí thư Trung ương Đảng là tôi. Và chúng tôi bắt đầu bắt tay vào công việc. Andropov là một con người đặc biệt, bây giờ người ta viết về ông rất nhiều, và tôi cho rằng thậm chí là quá nhiều.
Một số ngưới nói, ông là người Do thái, một số khác – là người Nga. Nhưng chúng tôi không bao giờ đặt vấn đề là người nào đó thuộc dân tộc nào, mà điều quan trọng nhất là người đó làm việc như thế nào. Nhưng ông là một nhà chính trị đến tận xương tủy – thì đây là một nhận xét hoàn toàn đúng. Ông nhanh chóng nắm bắt ngay được những vấn đề kinh tế mang tính nguyên tắc và không cần phải giải thích dài dòng cho ông.
Ví dụ, có một lần ông gọi điện thoại theo đường dây trực tiếp cho tôi và hỏi: cậu đang làm gì đấy? Tôi đang làm việc. Thế thì đến đây. Điều đó có nghĩa là ông đang có chút thời gian tương đối rỗi- tôi cầm cặp và đến chỗ ông ấy. Ông ấy bảo: hãy để cặp lại và bắt đầu hỏi tôi: Ở nước ta , người ta đang làm gì để với vấn đề nhượng quyền?
Theo tôi, họ không làm gì cả. Thế cậu biết gì về “ hợp đồng nhượng quyền” không?. Chỉ có những kiến thức như đã học trong trường phổ thông thôi. Hiểu biết của cậu cũng không khá lắm nhỉ. Im lặng một lúc và nói thêm: Nhưng tôi cũng thế thôi, hãy đi, nghiên cứu vấn đề đó và lại đến đây gặp tôi. Tôi về văn phòng và nói  các cậu hãy tìm xem có tài liệu nào về nhượng quyền không. Một ngày sau họ đã tìm thấy ở thư viện mang tên Lê Nin, có một người phụ nữ nào đó đã việt luận văn về chủ đề này.
Sau khi ông mất, và 5 năm sau tôi về hưu, có thời gian để suy nghĩ, và tôi ngày càng đi đến kết luận là Andropov (nếu còn sống) sẽ tiến hành ở nước ta những biện pháp cải cách “ mềm”, chứ không phải như Gorbachev và Iakolev đã làm. Andropov đã làm quen với các phương án cải cách theo kiểu Trung Quốc. Nếu như ông sống lâu hơn, có lẽ về bản chất, chúng ta đã có một mô hình gần như Trung Quốc.
"Lenta.ru”:-Có nghĩa là nếu Andropov sống lâu hơn, cải cách đã thành công hơn và có thể duy trì được Liên Bang Xô Viết? Còn dưới thời Gorbachev, có khả năng “ giữ” được Liên Xô không?
Ryzkov:-Thời kỳ đầu của Gorbachev, đất nước (Liên Xô) có thể giữ được, ở “ thời kỳ giữa” – khó khăn nhưng có thể giữ được, nhưng ở thời kỳ cuối – tất nhiên là không thể. Bạn có hiểu không, “ thời kỳ Gorbachev cuối”, giống như “ kẻ đao phủ ốm nặng ”.
"Lenta.ru”:-Khủng hoảng – đó là cái gì?
Ryzkov:-Một người sau khủng hoảng có thể hồi phục sức khỏe, còn người khác – hai chân đi trước (ra nghĩa địa-ND). Tôi không nghĩ rằng Gorbachev cố ý làm tan rã Liên Xô, bởi vì chỉ có thằng ngu tuyệt đối mới dám làm như vậy vào thời điểm đó. Tình huống là như thế này, ông ta (Gorbachev) bằng những hành động của mình – các tuyên bố, bài viết và v.v- đã dẫn đến kết cục đó.
Còn vào thời kỳ đầu, khi ông ta bắt đầu truyền đạo, ông ta đã có thể duy trì được Liên Bang Xô Viết. Nửa đầu nhiệm kỳ, dù có rất nhiều nhược điểm (khoác lác, huyên hoang và v.v) nhưng chúng tôi hài lòng bởi vì ông ta là một khuôn mặt mới – đã có nhiều vị lãnh đạo quá già nua rồi. Nhưng sau năm 1987, bắt đầu xảy ra sự rạn nứt và không bao giờ có thể hàn gắn được nữa. Elsin đã tận dụng được điều đó.
Đi đầu cuộc tuần hành của nhân dân lao động là bức chân dung lớn của Tổng bí thư Trung ương ĐCS Liên Xô Iuri Vladinirovich Andropov, 1983. Ảnh B.Kaufman/RIA Novosti .
Đi đầu cuộc tuần hành của nhân dân lao động là bức chân dung lớn của Tổng bí thư Trung ương ĐCS Liên Xô Iuri Vladinirovich Andropov, 1983. Ảnh B.Kaufman/RIA Novosti .
"Lenta.ru”:-Còn các cải cách mềm của Andropov , nếu ông còn sống ,cần phải bao nhiêu thời gian để thực hiện?
Ryzkov:-Các bạn biết không, Andropov là một người cộng sản nhiệt thành, ông không hề có bất cứ một sự dao động nào. Chính vì thế mà ông không làm những điều mà Gorbachev đã làm. Con người ấy (Gor bachev) thường cũng bà vợ của mình đối đầu với Đảng.
Nhưng dù không kính trọng Gorbachev – tôi vẫn phải nói lại là ông ta không muốn làm tan rã đất nước, không muốn. Chỉ đơn giản là bằng những hành động ngu ngốc của mình, ông ta đã đưa đất nước đến thảm cảnh đó.
Ông ta chóng mặt khi nghe người ta hô “Gorby- Gorby- gọi Gorbachev theo kiểu Mỹ- ý muốn nói là khi được Phương Tây tán dương), còn khi nhận thấy khủng hoảng đã bắt đầu và cần phải xác định rõ ràng là cần phải làm những gì tiếp theo thì … . Sai lầm của Gorbachev là: bao giờ cũng bắt đầu từ kinh tế, không quan tâm gì đến vấn đề Đảng và Nhà nước.
"Lenta.ru”:-Ông có thể đoán trước được câu hỏi tiếp theo của tôi: tại sao lại phá tan cả một hệ thống , nếu như vấn đề chỉ là kinh tế?
Ryzkov:-Vâng, cần phải có luồng gió mới cho các cánh buồm, nhưng Iakovlev luôn áp đặt những giá trị ngược lại: Đảng như thế này – không ổn, chính phủ như thế này – cũng không ổn, kinh tế, có nghĩa là khu vực tạo ra giá trị vật chất - cũng không ổn, có nghĩa là cần phải phá đi tất và xây lại toàn bộ.
Gorbachev đã ở Canada 10 ngày, tôi nghĩ rằng, ở đấy người ta cũng ‘giáo huấn” ông này tương đối kỹ. Thay vì chỉ thay thế mô hình kinh tế, tìm nền tảng để xây dựng một nền kinh tế mới, chúng ta đã đập phá tất tần tật. Không một nước nào trên thế giới tiến hành cải cách kinh tế, nếu như nước đó không mạnh trong điều hành nhà nước.
"Lenta.ru”:-Cần phải bao nhiêu ngày để tiến hành các cải cách mềm của Andropov?
Ryzkov:-Đây chính là một trong những vấn đề mà họ đã lợi dụng để bôi nhọ tôi khi đó. Bạn có nhớ cái gọi là “ 500 ngày”?
"Lenta.ru”:-Vâng, tất nhiên, đấy là một chương trình kinh tế nổi tiếng thời kỳ ấy. Đó là, xin nói – một sự ngu xuẩn vĩ đại .
Ryzkov:-Khi tôi thành lập chính phủ, năm 1987, tôi bắt đầu như sau: tôi cần những bộ trưởng hiểu rất rõ về hệ thống cũ và nắm bắt được thực tế hiện nay, sau đó, chỉ định các bộ trưởng mà tôi biết chắc chắn rằng họ là những người có quan điểm tiến bộ và chúng tôi thành lập một Ủy ban do Viện sỹ L. Abalkin đứng đầu gồm 50 người. Họ đã làm việc ở “ Sosna”, tại một nhà nghỉ khoảng 5 tháng. – thứ bảy nào tôi cũng đến đó, cùng làm việc với họ, ăn trưa và đến chiều thì về.
Sau đó một ngày, họ nghiên cứu tất cả những gì mà chúng tôi đã trao đổi kỹ và đến Hội đồng Bộ trưởng vào khoảng 7 giờ, chúng tôi làm việc cùng nhau trong vòng khoảng từ 9 đến 10 tiếng tiếp theo để chuẩn bị các nghị quyết, nghị định. Trong Ủy ban này có rất nhiều các nhà kinh tế học- bác học, các nhà sản xuất nổi tiếng (E.Iasin, hiện ở Trường kinh tế cao cấp cũng là thành viên Ủy ban này, S.Anisimov, P.Katsura, S.Sitarian, G.Melikian, S.SHatalin và nhiều người khác).
Lúc đó tôi có một trợ lý là kỹ sư V.L.Savakov, ông này thường xuyên làm việc với Ủy ban. Một lần vào buổi chiều, khi chúng tôi đã quá mệt mỏi và đang ngồi thì ông này nói: Nhikolai Ivanovich (Ryzkov), đây còn một “ Chương trình hành động 400 ngày”. Tôi nói : “ 400 ngày là cái gì?”.
Ông ấy trả lời: “ Người ta muốn trong thời gian 400 ngày thực hiện xong tất cả các cải cách mà chúng ta soạn thảo“. Tôi nói “ Volodia (gọi thân mật) cậu biến đi, sao lại có thể ngu ngốc đến vậy ”. Trong chương trình hành động này có một đề xuất rất ngu xuẩn, ví dụ, việc thay đổi hình thức sở hữu được dự định tiến hành vào ngày thứ 100 (trong số 400 ngày), trong khi chưa có Bộ luật nào điều chỉnh nội dung trên.
Trong “Chương trình hành động” này còn có đề xuất là nếu ban bố tình trạng đặc biệt trong nước, thì cần triển khai các bếp ăn dã chiến trên các đường phố. Trong số những người chuẩn bị văn kiện Chương trình này có A. Mikhilov và M.Zadornov. Tôi đọc qua và quên luôn.
Các đại biểu đến Hội trường dự Đại hội lần thứ hai Xô Viết tối cao Liên Xô , 1989 . Ảnh X. Subbotin/ RIA Novosti
Các đại biểu đến Hội trường dự Đại hội lần thứ hai Xô Viết tối cao Liên Xô , 1989 . Ảnh X. Subbotin/ RIA Novosti
 "Lenta.ru”:-Còn Grigori Iavlinski ?
Ryzkov:-Lúc ấy Iavlinski không có trong nhóm này (tác giả Chương trình 400 ngày), ông ta làm việc trong Ủy ban của Abalkin. Sau đó có một lần ông ta đến chỗ tôi và nói: “ Nhikolai Ivanovich, tôi muốn báo cáo với đồng chí là tôi được bổ nhiệm là Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Liên Bang Nga) phụ trách vấn dề cải cách “.
Tôi nói với ông ấy: Ra biển lớn rồi phải không, Grigori (thân mật)?. Tất nhiên là hãy đồng ý đi. Cần phải đồng ý, đó là sự thăng tiến, nhưng hãy nhớ rằng, nếu đồng chí không cùng đi với chúng tôi trong lĩnh vực cải cách, chúng ta sẽ làm hỏng tất cả đấy, cậu đã biết tình hình những ngày này là như thế nào rồi đấy. Ông ta hứa là sẽ hợp tác chặt chẽ với tôi. Nhưng như mọi người đã thấy đấy, tất cả đã quay ngoắt 180 độ.
Chúng tôi muốn phó của Elsin là người của chúng tôi – L. Voronhin, nhưng họ chọn người của mình – I.Sikaiev. Và lúc đó M. Bochrov, giám đốc một nhà máy gach nhỏ đã đưa ra một chương trình (hành động) nữa, gọi tắt là “ 500 ngày”. Họ đã sao chép, tính toán lại và đưa ra một chương trình dài hơn chương trình cũ 100 ngày.
 Tất nhiên, một chương trình như vậy bị chỉ trích mạnh, nhưng nó vẫn được áp dụng và đã không còn là một chương trình nữa, mà là một Tuyên ngôn chính trị. Hãy tưởng tượng xem, tôi đề nghị tiến hành cải cách trong từ 6 đến 8 năm, còn họ thì nói: Tại sao phải lâu như thế?
Chỉ trong vòng 2 năm là chúng ta đã hoàn thành tất cả ”. Và tất cả xung quanh cứ thế lộn tùng phèo , còn tôi đến bây giờ vẫn không hiểu là điều gì đã xảy ra. Có thể do ảnh hưởng của bão từ trên mặt trời như Chzevski đã từng viết: “ Lại có vết đen trên mặt trời, và những cái đầu tỉnh táo cũng trở nên điên rồ “.
"Lenta.ru”:-Có thể vấn đề là ở chỗ nhân dân yêu cầu phải thay đổi ngay lập tức, chứ không phải là sau 8 năm? Còn họ thì đã đấp ứng được yêu cầu ấy của nhân dân?
Ryzkov:- Nhân dân là những người biết suy nghĩ, dĩ nhiên, vấn đề không chỉ ở chỗ ấy. Tất cả lúc đó như bị mất trí thế nào ấy, sau đó bình tĩnh lại và trở lại trạng thái bình thường. Có lẽ là quả đã có những vết đen nào đó trên mặt trời. Tôi phát biểu tại hội nghị Xô Viết tối cao và đưa ra 3 phương án:
Phương án nhanh với nhiều tổn thất, phương án trung bình, cũng với nhiều tổn thất, và phương án của chúng tôi với thời hạn từ 6 đến 8 năm, nó cũng có những tổn thất và rủi ro, nhưng ít hơn nhiều. Bất kỳ một cuộc cải cách nào cũng sẽ dẫn tới tổn thất này hay tổn thất khác. Ngay lập tức diễn ra một vụ ầm ỹ chính trị. Elsin, dĩ nhiên là không đọc (Chương trình hành động của Ryzkov), bắt đầu chỉ trích tôi.
Mikhail Gorbachev và Nhikolai Ruzkov ( từ trái sang phải trên lễ đài tại Lăng Lê Nin. Ảnh Iu. Abramochkin / RIA Novosti
Mikhail Gorbachev và Nhikolai Ruzkov ( từ trái sang phải trên lễ đài tại Lăng Lê Nin. Ảnh Iu. Abramochkin / RIA Novosti
"Lenta.ru”:-Tại sao ông lại nghĩ rằng ông ta( Elsin) không đọc chương trình?
Ryzkov:-Ông ta không đọc - chương trình này gồm 480 trang. Ông ta bắt đầu lên án tôi: “ Ruzkov là kẻ bảo thủ, chỉ cần có 500 ngày mà ông ta đề nghị tới 8 năm, ông ấy định lôi chúng ta đi đâu?” ... Rồi cứ thế: nào là “ súc gỗ cản đường cải tổ, rồi là tôi” chọc dao vào lưng” v.v. Tôi đến bây giờ vẫn còn nhớ những biểu ngữ treo: “ Súc gỗ trên con đường cải tổ”. “ Chính phủ của Ryzkov – đấy là chính phủ của nghèo đói”.
Ngày 25/12/1990, tôi bị nhồi máu và người ta đưa tôi đi chữa bệnh. Khoảng ngày mùng một hoặc mùng 2 tháng 1/1991 tôi đã có cuộc gặp riêng với Gorgachev. Chúng tôi bàn chuyện công việc. Tôi nói với ông ta: “ Đồng chí có thấy người ta đang làm cái gì không?
Tôi chính thức tuyên bố với đồng chí là khi nào Đại hội kết thúc, tôi sẽ từ chức, tôi không làm việc nữa. Tôi đã làm nhiều rồi, cả năm qua tôi đã bảo vệ đất nước, còn người ta liên tục sỉ nhục tôi! Thưa Tổng bí thư kính mến, báo chí ở nước ta- đấy là cơ quan của Trung ương Đảng, thế mà (trên báo) họ liên tục nhục mạ tôi. Tôi là đảng viên cộng sản, tại sao họ lại bày những trò đó ra với tôi .
 Họ muốn gọi tôi là gì thì gọi, chỉ còn thiếu nước gọi tôi là kẻ đồng tính luyến ái nữa thôi. Tại sao Vadim Medvedev lại vẽ ra các trò đó (Trưởng ban tư tưởng Trung ương ĐCS Liên Xô lúc đó). Ông ta là một kẻ ngu ngốc! Tôi từ chức. Cứ để Vadim lại, để cho hắn làm!”. Gorbachev chỉ nói : Có thể ông ta không biết gì, nhưng dù sao cũng đã viết sách”.
Tôi cười lớn: “ Thôi xin anh đi, Mikhail Xergeevich, ông ta viết sách gì?”. Sau đó tôi nói với ông ta,- Anh (Gorbachev) sẽ khó khăn đấy, hãy nhìn xem, hiện giờ có bộ ba: Elsin- Gorbachev- Ruzkov.
Tự bản thân Elsin là một kẻ dốt, nhưng ông ta có đội ngũ cố vấn rất giỏi, và họ ( ội ngũ cố vấn) hiểu rất rõ rằng, một khi chúng ta (Gorbachev- Ryzkov) đoàn kết thì họ sẽ khó chơi lại được chúng ta. Nhưng một khi không còn tôi  anh sẽ phải một chọi một với bọn họ và sẽ vô cùng khó khăn đấy. Tôi không ghen tỵ với anh trong hoàn cảnh ấy đâu.
"Lenta.ru”:-Ông ta ( Gorbachev) đã phản ứng như thế nào?
Ryzkov:-Ông ta động viên: “ Cậu cứ nói quá lên, mọi việc không như vậy đâu” và v.v. Tôi quyết định dứt khoát sẽ từ chức. Một tuần sau đó tôi chuẩn bị các bản báo cáo, tổng kết kết quả. Điều đầu tiên mà tôi phát biểu tại hội nghị là: “ Cải tổ dưới hình thức như hiện nay là không thành công “.
Sau đó phòng họp trở nên ồn ào. Trước đó không ai nói như vậy, ai cũng tin rằng cải tổ đang đi đúng hướng. Sau đó tôi phát biểu tiếp: đang có cuộc tấn công không phải nhằm vào Chính phủ của Ryzkov, mà là tấn công đất nước với mục đích làm tan rã đất nước (Liên Xô).
Tôi không phải là nhà tiên tri, nhưng các bạn hãy kiểm tra xem, ngày 25/12/1990 người ta đưa tôi đến bệnh viện vì chứng nhồi máu cơ tim, và đúng một năm sau, ngày 25/12/1991, lá cờ đỏ trên nóc điện Kremlin bị hạ xuống.
"Lenta.ru”:-Thái độ của ông đối với Ủy ban tình trạng khẩn cấp , cái gì đã xảy ra? Nỗ lực đảo chính hay là một vụ khiêu khích mà Elsin đã lợi dụng được?
Ryzkov:-Tôi đứng ngoài các sự kiện đó, không ai mời tôi tham gia, mặc dù tôi rất quen biết với tất cả các thành viên của Ủy ban. Cho nên tôi sẽ nói với tư cách người đứng ngoài cuộc, hơn nữa tôi không muốn xúc phạm bất kỳ ai trong số họ. Nó là như thế này – tất cả những cái đó, có cái gì đó giống như trò chơi của trẻ thơ vậy. Không nghiêm túc.
Trong lịch sử không có chữ “ nếu”, nhưng hãy thử hình dung xem, nếu như những người đó (thành viên ủy ban) suy nghĩ một cách nghiêm túc thì họ đã không hành động như vậy. Họ đưa xe tăng vào (Matxcova), mọi người chắc còn nhớ rất rõ cảnh các cô gái ngồi trên đùi các anh lính tăng và trên tháp pháo. Như thế là thế nào? Tất cả những cái đó thật là gàn dở.
Tôi biết là cùng thời gian ấy Elsin đang ở Kazakhstan và đã uống ở đấy kha khá, - ông ấy nói: “ Tối nay tôi sẽ ngủ ở đây”. Nhưng những người ở đấy (Kazakhstan) là những con người thông minh và tìm cách đuổi khéo. Khi ông ta bước xuống cầu thang máy bay, có quay đầu lại và hỏi: “Tôi bay đến đâu thế này?”.
Ông ta là một người đàn ông khỏe mạnh và có thể lúc đó đã uống đến độ rồi. Như vậy là ông ta đã bay tới (Matxcova), đi đến nhà nghỉ ngoại ô, thế thì bắt ông ta đi, ai ngăn cản anh làm việc đó? Cả một nhóm KGB ngồi trong bụi cây và nhìn Elsin ngất ngưỡng đi về nhà ngủ.
Boris Nhikolaievich Elsin vẫy tay chào những người dự mit ting tại Trụ sở Xô Viết tối cao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga, 1991 Ảnh O.Lastochkin/RIA Novosti
Boris Nhikolaievich Elsin vẫy tay chào những người dự mit ting tại Trụ sở Xô Viết tối cao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga, 1991 Ảnh O.Lastochkin/RIA Novosti
 "Lenta.ru”:-Có nghĩa là ông cho rằng có thể bắt được Elsin?
Ryzkov:-Bạn nghe này, Ủy ban tình trạng khẩn cấp có trong tay KGB, người đứng đầu KGB Kriuchkov là một thành viên của Ủy ban. Cơ quan này lúc đó đang còn mạnh lắm .. Trời đất ơi, người của KGB thậm chí còn biết là ai ngủ với ai trên gường. Họ (KGB) biết hết và có thể làm được tất cả, ở đó có những người có thể lập ra những kế hoạch chi tiết. Vâng, hơi phức tạp nhưng có thể. Tôi có một người bạn thân là Voisekh Iaruzelski (Tổng thống đầu tiên của Ba Lan hậu cộng sản), ông ấy đã mất năm ngoái .
Như thế này này, ông ( Iaruzelski ) ban bố tình trạng thiết quân luật ở Ba Lan. Trên thực tế như thế là cứu đất nước Ba Lan, nhưng một bộ phận dân chúng sau đó đã căm ghét ông và không tha thứ cho ông về điều đó.
Có một lần, ông tự kể với tôi là đã xảy ra một trường hợp như thế này: trong số ông ấy ký tặng cho độc giả các cuốn hồi ký của ông ấy, có một người có vẻ như là bạn đọc tiến đến gần và cầm một cuốn sách nhưng bên trong là một cục gạch và đập lên đầu ông ấy.
Có nghĩa là những người, khi đã phải áp dụng những biện pháp cuối cùng cần phải hiểu rất rõ rằng, đấy không phải là trò đùa, đấy không phải là các cô gái và các anh lính tăng trêu đùa trên những tháp pháp xe tăng. Họ (những người trong Ủy ban tình trạng khẩn cấp), rất tiếc là đã góp phần đẩy nhanh sự tan rã của Liên Bang Xô Viết.
"Lenta.ru”:-Để kết thúc cuộc trao đổi, tôi muốn hỏi ông một câu mang tính chất riêng tư: Có thể, ông đã hối tiếc về một việc gì đấy đã làm lúc đó, muốn thay đổi một cái gì đó?
Ryzkov:-Tôi năm nay 85 tuổi, cuộc đời tôi tuy phức tạp những đã tương đối thú vị. Tôi thích đọc các cuốn sách triết học, và các cuốn sách đó nói rằng sự bí ẩn vĩ đại nhất đối với con người- đó là cái chết, và rằng cần phải trân trọng từng ngày bạn đã sống.
Tôi cho rằng có 3 điều bí ẩn vĩ đại như vậy  cái chết, lý trí và thế giới  Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp đối với tôi, như sự vĩnh cửu là gì, và tin rằng, đối với nhiều người cũng có câu hỏi tương tự, bởi vì tất cả những gì xung quanh ta đều là hữu hạn.
Người ta nói là vũ trụ đã có từ nhiều tỷ năm, còn tôi vẫn không hiểu vũ trụ là gì, đầu tôi không thể hình dung ra những cái đó. Đó là những gì mà tôi suy nghĩ và cứ sau mỗi ngày tôi lại cảm ơn Trời vì đã cho tôi sống thêm một ngày nữa. Chính vì vậy mà tôi không bao giờ nguyền rủa hay luyến tiếc một ngày nào đó trong cuộc đời phức tạp của tôi .
Điều tôi ước muốn ư? Tôi muốn cha mẹ tôi sống lại để gia đình tôi lại được xum họp, tôi muốn mình lẽ ra phải thông minh hơn để phân biệt được ai là bạn và ai không phải là bạn.
Tôi không phải là một con người quá sùng đạo, mặc dù tôi đã từng xây dựng nhà thờ, nhưng tôi cho rằng mình đã từng thiên về chủ nghĩa duy vật quá. Chủ nghĩa duy vật dạy ta rằng vật chất có trước, nhưng bây giờ đã tôi hiểu ra là điều quan trọng nhất- đấy chính là tâm hồn.
Người phỏng vấn N.Ryzkov : Aleksey Sochnhev
  • Lê Hùng (Dịch)

No comments:

Post a Comment