Gọi điện vòi vĩnh
Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cùng USAID tổ chức sáng nay, nhiều chuyên gia kinh tế đã dẫn những câu chuyện về nỗi khổ bị vòi vĩnh của doanh nghiệp.
TS Lê Đăng Doanh kể: "Mới đây, một chị giám đốc chủ 2 khách sạn ở Hà Nội đã cho tôi xem thư chúc mừng năm mới của một cơ quan quản lý nhà nước, mà tôi không tiện nêu tên. Đáng nói ở đây là kèm theo thư, còn có một danh sách đề nghị phải mừng tuổi 35 cán bộ của cơ quan này".
TS Lê Đăng Doanh. Ảnh: Dân Việt |
"Đến mùa hè, công ty chị giám đốc lại nhận được những đề nghị như tài trợ cho cơ quan quản lý nhà nước tổ chức cho cán bộ đi nghỉ mát. Có trường hợp thì nhận được yêu cầu doanh nghiệp đóng góp cho tỉnh tổ chức một đoàn đi khảo sát nước ngoài, ông Doanh kể tiếp.
Và ông nhấn mạnh: "Đó là tham nhũng".
TS Doanh dẫn chứng thêm: "Tôi đi một tỉnh, chứng kiến cảnh chủ tịch huyện mời khách đi ăn tối. Ăn gần xong, có mấy doanh nghiệp được gọi đến, họ ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Ông chủ tịch nói, đến phần này, các cậu giải quyết đi (trả tiền ăn)".
"Trong cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh thì cần nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương. Đặc biệt, phải có quy định nghiêm cấm công chức đòi hỏi doanh nghiệp 'cõng' chi phí thêm", ông Doanh nói.
"Giờ đã đến lúc phải nhìn thẳng sự thật đó, trung thực với mình để điều chỉnh. Nếu không, nỗ lực cải cách thể chế của chúng ta sẽ đụng đến các giới hạn, không tiến tới được", TS Doanh lo ngại.
Nối tiếp nỗi bức xúc của TS Doanh, TS Lưu Bích Hồ nói: "Cũng cần phải thương cả doanh nghiệp nhà nước nữa. Tôi đã nghe tổng giám đốc một doanh nghiệp rất lớn than phiền, có ngày, có thể nhận được hàng chục cuộc điện thoại vòi vĩnh...".
"Trong cải cách thể chế, sự chung tay giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng. Kinh nghiệm từ xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, tỉnh thành nào nỗ lực, quyết liệt đều có thay đổi về thứ hạng. Chỉ cần buông ra là tụt xuống", TS Hồ nhận định.
Ông là một trong nhiều chuyên gia kinh tế vừa tham dự chuỗi hội thảo 4 ngày liên tiếp tuần qua tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, bàn chi tiết từng chỉ số trong báo cáo cải thiện môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới.
Ông cho biết, những điều tra so sánh của Ngân hàng Thế giới rất hay, nhưng mức độ chính xác rất tương đối. Ở Việt Nam, nhiều yếu tố khi điều tra không thể đưa vào, như chi phí bôi trơn hay những thủ tục lằng nhằng, chạy chọt không tính được mà chỉ có thể dựa vào lời các doanh nghiệp chính thống.
"VCCI nên cử cán bộ tham gia mỗi cuộc điều tra về cải thiện môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, vì nhiều vấn đề chỉ ta mới hiểu, các chuyên gia nước ngoài không thể hiểu được. Trong khi đó, khi tiến tới ASEAN-6, ASEAN-4, có những con số đo lường cải thiện rất quan trọng", ông Hồ đề nghị.
Doanh nghiệp quyết định
Nghị quyết 19 ban hành năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả lớn, thậm chí là "không tưởng" so với những e ngại ban đầu của chính các cơ quan chuyên ngành.
Xét theo ở lĩnh vực cụ thể, Việt Nam đã giảm được tới gần 400 giờ nộp thuế, giảm thời gian cấp điện cho doanh nghiệp từ 115 ngày còn 18 ngày, thủ tục hải quan đã áp dụng cơ chế thông quan điện tử, một cửa quốc gia, kết nối 3 bộ thành lập cơ sở dữ liệu chung...
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, chuyên gia cao cấp của VCCI, sau đợt tổng rà soát lớn nhất ý kiến doanh nghiệp đối với 16 luật liên quan kinh tế, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi hầu hết 16 luật này. Trong đó, 60-70% kiến nghị của doanh nghiệp đã được thực thi.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI dự kiến sẽ trình Quốc hội 6 tháng có thể trình một luật sửa nhiều luật, tương tự như luật sửa đổi và điều liên quan đến thuế được thông qua năm 2014.
Ông tổng kết, luật Cạnh tranh và các luật chuyên ngành khác cũng phải được rà soát, sửa đổi.
"Cục Quản lý cạnh tranh nên là cơ quan độc lập, không thể trực thuộc Bộ Công Thương, vì cộng đồng doanh nghiệp rất lớn, Bộ lại quản lý nhiều doanh nghiệp có quy mô độc quyền. Nếu như vậy, phán xử của một cục thuộc Bộ như vậy sẽ không thể khách quan", ông Lộc nêu.
Với nghị quyết 19 mới vừa ban hành ngày 12/3, một khối lượng đồ sộ các yêu cầu cải cách thể chế kinh tế được đặt ra là một thách thức lớn, nhằm hướng tới mục tiêu Việt Nam ngang với ASEAN- 4.
Như ông Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội khẳng định, triết lý làm luật của Quốc hội khoá 13 là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất để công dân, doanh nghiệp thực hiện được nguyên tắc là tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm. Cải cách thể chế không phải chỉ ở việc xây dựng và ban hành văn bản mà còn ở chỗ thực hiện như thế nào. Trong đó, chính cộng đồng doanh nhân là người quyết định số phận của các thể chế Nhà nước ban hành.
Phạm Huyền
No comments:
Post a Comment