Wednesday, March 18, 2015

DN phản ứng với quy định nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 17/03/2015,      http://www.thesaigontimes.vn/127713/DN-phan-ung-voi-quy-dinh-nhap-khau-may-moc-da-qua-su-dung.html,       Doanh nghiệp trong và ngoài nước đều phản ứng mạnh về dự thảo Thông tư 20/2014 quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, và cho rằng quy định này sẽ cản trở việc phát triển kinh doanh, ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Nestor Scherbey, Trưởng Ủy ban Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, nêu ý kiến tại hội thảo -Ảnh: Quốc Hùn
Các ý kiến này của doanh nghiệp nêu ra tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư 20/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức vào ngày hôm nay, 17-3, tại TPHCM.
DN trong nước sẽ khó khăn và đóng cửa?
Hai điểm mấu chốt gây phản ứng nơi doanh nghiệp là các quy định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam phải có tuổi đời chưa quá 10 năm, và chất lượng còn 80% so với máy mới.
Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội cơ khí TPHCM, cho rằng ngành cơ khí chế tạo mang tính đặc thù. Một sản phẩm cơ khí làm ra đi qua nhiều công đoạn và sử dụng những máy móc thiết bị khác nhau. Có những máy sản xuất cả 100 năm của ngành vẫn hoạt động tốt, vậy tại sao phải đưa ra quy định giới hạn thời gian máy móc thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng không quá 10 năm? Việc đưa ra quy định trong Thông tư sẽ cản trở doanh nghiệp ngành cơ khí phát triển.
Ông Tống cho rằng nếu quy định trong dự thảo Thông tư 20 nói trên có hiệu lực thì doanh nghiệp ngành cơ khí TPHCM sẽ không thể tồn tại bởi phần lớn các doanh nghiệp trong ngành này là những doanh nghiệp nhỏ, không có nhiều vốn để đầu tư công nghệ mới hoàn toàn. Ông Tống bức xúc: “Phải làm sao để ngành cơ khí phát triển, đừng tạo ra thêm rào cản nữa. Ngành cơ khí không phát triển được thì sẽ kéo theo hàng loạt ngành khác khó khăn”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, cho rằng quy định niên hạn 10 năm đối với tất cả máy móc, thiết bị thuộc các ngành khác nhau là không hợp lý. Một số loại máy móc, thiết bị, trong đó có loại liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật số thì niên hạn 10 năm là quá lạc hậu, trong khi những loại máy móc, thiết bị vận hành chủ yếu về cơ khí, do các nước có trình độ cơ khí chế tạo ở trình độ cao thì thời gian trên lại quá ngắn.
Cụ thể với ngành in của Hiệp hội, những loại thiết bị, sắp chữ, dàn trang, ghi bản điện tử hoặc máy in kỹ thuật số thì chỉ sau 5 đến 7 năm các cơ sở in đã muốn thanh lý, bán cũng chẳng ai mua. Trong khi đó, những loại máy in truyền thống như in offset, in ống đồng, in flexo hoặc những máy gia công thành phẩm thì 20 năm hoặc hơn nữa dùng vẫn rất tốt nếu là các máy do Đức, Nhật, Mỹ... sản xuất.
"Các loại máy này với niên hạn sử dụng 10 năm rất khó tìm mua trên thế giới trừ khi các công ty bị phá sản muốn thanh lý", ông Dòng khẳng định. Trong khi cũng cùng loại nhưng những máy do Trung Quốc sản xuất mới hoặc sử dụng một vài năm thì không mấy doanh nghiệp in trong nước muốn mua vì chất lượng kém xa các máy do các nước EU sản xuất trước đó vài chục năm.
Do đó, theo ông Dòng tiêu chí 10 năm đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng đối với doanh nghiệp ngành in là quá cứng nhắc, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng.
Cản trở thu hút vốn FDI
Ông Nestor Scherbey, Trưởng Ủy ban Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng đang có xu hướng các công ty nước ngoài chuyển các nhà máy sản xuất của họ từ các nước phát triển hoặc những nước có chi phí lao động cao sang các nước cạnh tranh và đang phát triển như Việt Nam. Việc đưa ra Thông tư quy định những ràng buộc về nhập khẩu máy móc thiết bị nói trên vô hình chung tạo rào cản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Đại diện Công ty TNHH Products Intel Việt Nam cũng cho biết tập đoàn Intel đang chuyển các dây chuyền công nghệ từ các nhà máy ở các nước về nhà máy Việt Nam. Các thiết bị máy móc này được nhập khẩu không phải từ một nước mà là từ ba hoặc bốn nước khác nhau nên rất khó cho doanh nghiệp giám định chất lượng còn lại là bao nhiêu phần trăm.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng các doanh nghiệp Nhật ở Trung Quốc đang có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất qua Việt Nam. Nếu đưa ra những quy định theo Thông tư nói trên thì vô hình chung sẽ cản trở nguồn vốn đầu tư Nhật.
Tại hội thảo có ít nhất bốn luật sư cũng phản ứng về Thông tư này và cho biết nếu áp dụng quy định này thì họ sẽ sẽ rất bận rộn vì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn để lo các thủ tục nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng.
Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội cơ khí TPHCM bức xúc nói tại Hội thảo -Ảnh: Quốc Hùng
Luật sư Hoàng Văn Sơn thuộc Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng dự thảo Thông tư tại điều 4 quy định rằng, ngoài  những quy định trong thông tư này còn có văn bản khác nữa. Như vậy thì sẽ khó cho doanh nghiệp. ông Sơn kiến nghị cần phải viết lại dự thảo này.
Luật sư Nguyễn Văn Bình, đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng hiện Việt Nam đang đi theo cơ chế thị trường thì nên để thị trường tự điều chỉnh; đừng đưa ra rào cản để làm khó doanh nghiệp. Nếu dự thảo Thông tư này đi vào cuộc sống thì sẽ rắc rối cho doanh nghiệp. Theo ông Bình, nếu Hải quan có Thông tư về quy định này thì doanh nghiệp sẽ “chào thua”.
Không cần có Thông tư 20/2014?
Ông Trương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Máy công cụ & Thiết bị T.A.T, cho rằng dự thảo lần thứ ba của Thông tư này đã tích cực hơn, nhưng lại chưa thực tế. Theo ông Tuấn dự thảo quy định máy công cụ, thiết bị phải đáp ứng thời gian thời gian sử dụng không quá 10 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập là không khả thi. Cùng với đó, quy định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu có chất lượng đạt từ 80% trở lên chưa sát với thực tế. Bởi lẽ, Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn đối với máy móc, thiết bị nên không có căn cứ nào để xác định chất lượng còn lại.
Việc đánh giá chất lượng còn lại so với "chất lượng ban đầu" mà không có tiêu chuẩn quốc gia để đánh giá chất lượng máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc kiểm soát chất lượng theo tinh thần của dự thảo. Vì theo ông Tuấn, từng quốc gia áp dụng tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nên cùng một loại máy móc, thiết bị nhập khẩu, nếu được nhập từ Trung Quốc mới 100% chưa chắc đã bằng máy móc, thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng của Nhật (áp dụng tiêu chuẩn JIS) hoặc Đức (áp dụng tiêu chuẩn DIN) còn dưới 70%...
Với dự thảo quy định chung chung, phạm vi điều chỉnh quá rộng, ông Tuấn kiến nghị không cần thiết có Thông tư này.
Mặt khác theo doanh nghiệp, quy định việc giám định máy móc, thiết bị trước khi thông quan sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của những giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, vốn đang được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Nestor Scherbeycho rằng Thông tư nhằm mục đích khuyến khích nhập khẩu máy móc mới, thiết bị và dây chuyền sản xuất mới được chế tạo với công nghệ hiện đại nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đáng tiếc là những hạn chế mới trong dự thảo Thông tư có thể đem lại tác dụng ngược so với dự định ban đầu. Với những quy định trong dự thảo đề ra, ông Nestor cho rằng Thông tư này không bao giờ có thể hình thành được và cũng không cần phải có.
Với kinh nghiệm 30 năm làm việc ở khoảng 50 nước, ông Nestor cho biết không có nước nào có quy định như Việt Nam, trừ Trung Quốc. Mục tiêu của Việt Nam là không muốn trở thành bãi rác công nghiệp của thế giới, nhưng quy định của Thông tư không thể đáp ứng. Cách tốt nhất là không sử dụng quy định mà để thị trường tự điều chỉnh, ông Nestor nói.
Quốc Hùng

No comments:

Post a Comment