Vì sao?
Ông Tập thề sẽ duy trì "áp lực cao độ" và "không khoan nhượng" trong chiến dịch này năm nay khi tham nhũng "có giảm đi nhưng không biến mất và hấp lực vẫn còn". Tuyên bố của ông được đưa ra tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ TQ (CCDI) hôm 13/1.
“Nỗ lực chống tham nhũng năm 2014 đã có hiệu quả và chiến dịch này là vấn đề sống chết đối với đảng và nhà nước", hãng Tân hoa dẫn lời ông Tập cho biết. "Tình hình vẫn khó khăn và phức tạp".
Trong bài phát biểu với CCDI, lần đầu tiên, ông Tập đã đề cập cái tên Chu Vĩnh Khang - cựu ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị TQ và Lệnh Kế Hoạch - nguyên trợ lý cấp cao của cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào.
Ông Tập coi đây là những ví dụ điển hình cho nỗ lực chống tham nhũng của mình. Những trường hợp này "chứng tỏ với thế giới rằng đảng cầm quyền có cách tiếp cận trực diện với các vấn đề và sửa chữa sai lầm", ông Tập gọi đó là nỗ lực "tự thanh lọc".
Chu Vĩnh Khang, nhân vật được cho là quyền lực nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra tham nhũng. Ảnh: China Daily |
Ra lệnh tóm "con hổ lớn" Chu Vĩnh Khang là một bước đi táo bạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo đánh giá của các nhà phân tích trong và ngoài Trung Quốc. Tuyên bố này chấm dứt một luật bất thành văn lâu nay về việc các nhà lãnh đạo cấp cao được miễn trừ kỷ luật và là bất khả xâm phạm trước các cơ quan thực thi pháp luật.
Đánh trực diện Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình nhắm tới những mục tiêu rõ ràng, theo ông Minxin Pei, giáo sư nghiên cứu về chính phủ từ Đại học Claremont McKenna California, Mỹ.
Đối với người dân Trung Quốc, ông hy vọng chứng tỏ rằng ông đang nỗ lực hết mình làm trong sạch nội bộ đảng. Thêm vào đó, sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang gửi đi cảnh báo mạnh mẽ tới các lực lượng đối nghịch, rằng vòng lao lý đang chờ đợi những kẻ dám thách thức quyền lực.
Theo chuyên gia phân tích Shannon Tiezzi từ tờ Diplomat, bên cạnh chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình cũng đề cao nhiệm vụ củng cố, tăng cường sức mạnh của hệ thống tòa án và luật pháp.
Nhiều khả năng ông Tập muốn sử dụng vụ Chu Vĩnh Khang làm một ví dụ mạnh mẽ hơn, thể hiện quyền lực tối cao của hệ thống pháp luật ông đang xây dựng. "Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang một lần nữa chứng minh điều này", một bình luận trên trang nhất tờ People's Daily viết.
Tiezzi đánh giá, cuộc điều tra đối với Chu Vĩnh Khang là một bước đi chính trị phi thường của Tập Cận Bình. Nó cho thấy, chưa đầy hai năm sau khi nắm quyền lực, chủ tịch Tập đã gom đủ nguồn lực cũng như hỗ trợ chính trị để thực hiện một hành động chưa từng có, buộc tội một cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.
Chiến lược cải tổ lãnh đạo cấp cao của Tập Cận Bình
Năm 2014 được đánh giá là năm cao điểm trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với việc điều tra hàng loạt quan chức cấp cao nhất như cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Lệnh Kế Hoạch.
Song song với chống tham nhũng, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cũng đang tiến hành một đợt cải tổ nhân sự trên quy mô lớn, từ trung ương đến địa phương và trong quân đội.
Chỉ riêng trong tháng 11/2014, lãnh đạo cao cấp của 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc và Thanh Hải, được luân chuyển công tác.
Trước đó, biến động nhân sự tại địa phương được chú ý nhất là việc Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm Vương Nho Lâm thay thế ông Viên Thuần Thanh đảm nhiệm chức bí thư tỉnh ủy Sơn Tây.
Trong quân đội, hơn 40 tướng lĩnh của nước này đã bị điều chuyển vào những tháng cuối năm. Giáo sư Nê Lạc Hùng thuộc Đại học Sư phạm Thượng Hải nhận định rằng, động thái trên cũng giống như các quyết định điều động nhân sự tại địa phương, là nhằm tránh để một người giữ một vị trí trong quá lâu, từ đó có thể thiết lập phe cánh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
"Về bản chất, những nhóm nhỏ của một số cán bộ là một dạng nhóm lợi ích dùng quyền lực công để mưu lợi tư", People's Daily viết trong một bài xã luận hôm 5/1. "Hậu quả của việc này sẽ nguy hại đến quốc gia, dân tộc".
Tuy nhiên, biến động nhân sự được giới phân tích đặc biệt chú ý là việc ngày 31/12/2014, ủy viên Bộ Chính trị Tôn Xuân Lan, được điều động giữ chức trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, chức vụ vốn để trống sau khi ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra.
Một ngày trước đó, People's Daily ra thông cáo cho biết bà Tôn thôi đảm nhiệm chức bí thư thành ủy Thiên Tân. Chức vụ này do thị trưởng thành phố Hoàng Hưng Quốc tạm thời kiêm nhiệm.
"Đây là lần biến động nhân sự cấp Bộ Chính trị đầu tiên từ sau Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc", bình luận viên Cary Huang của South China Morning Post nhận định. "Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang có những bước đi chuẩn bị cho nhân sự cấp cao tại kỳ Đại hội 19".
Giáo sư Trương Minh thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định rằng Đại hội 19 là thời điểm quan trọng để Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố hơn nữa nền tảng quyền lực của mình. "Các thay đổi nhân sự sẽ tiếp tục diễn ra trong hai năm sắp tới, đặc biệt là tại các hội nghị trung ương nhóm họp định kỳ mỗi năm một lần", ông kết luận.
Thanh Giang (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment