Theo báo Phnom Penh Post, từ cuối tháng 11/2014, nước lũ gây sạt lở nghiêm trọng ở khu vực dưới chân cầu hữu nghị Trung Quốc - Campuchia. Nước lũ cuốn đi phần đất quanh một chân cầu, cho thấy bên dưới hoàn toàn không có móng.
Anh Buon Sokhorn, một người dân tỉnh Prey Veng thường xuyên đi qua cây cầu này, cho biết rất nhiều người dân địa phương lo ngại cầu sẽ sập.
“Tôi có thể thấy rõ dưới trụ cầu không hề có móng mà chỉ có một lớp bêtông. Phần đất bên dưới đã bị nước cuốn trôi. Chúng tôi lo ngại lở đất có thể khiến cầu sập, gây tai nạn cho người đi đường” - Phnom Penh Post dẫn lời anh Buon Sokhorn bày tỏ sự lo lắng.
Chiếc cầu này là sản phẩm của Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải, trị giá 43,5 triệu USD.
Tập đoàn này xây cây cầu bằng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc từ tháng 6/2007 và khánh thành đưa vào sử dụng tháng 1/2011. Truyền thông Campuchia tìm cách liên hệ với đại diện Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải nhưng không thành công.
Mới đây, ông Lem Sideying, đại diện Bộ Giao thông công chính Campuchia, lên tiếng trấn an người dân rằng cây cầu này hoàn toàn an toàn.
Một sĩ quan quân sự ở huyện Muk Kampol cũng khẳng định Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải đã khảo sát sau vụ lở đất hồi cuối tháng 11/2014 và xác định cây cầu không gặp vấn đề gì.
Đất sạt lở bên dưới chân cầu hữu nghị Trung Quốc - Campuchia - Ảnh: Phnom Penh Post |
Dù vậy, ông Lem Sideying cho biết Bộ Giao thông công chính sẽ điều một đội công nhân tới xây bờ kè ở bờ sông để ngăn chặn nguy cơ lở đất. “Sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu chúng ta bồi đắp lại phần đất bị sạt lở” - ông Lem Sideying nhấn mạnh.
Đầu tư lớn
Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Campuchia với nhiều tỷ USD đổ vào đây. Trước đó vào tháng 5/2014, truyền thông Campuchia cho biết, chính phủ Trung Quốc đã viện trợ cho quốc gia Đông Nam Á này 112 triệu USD và cho vay 33 triệu USD để phát triển kinh tế-xã hội.
Năm 2012, doanh nghiệp Trung Quốc cam kết đầu tư 8 tỷ USD ở Campuchia, con số này tương đương với 2/3 nền kinh tế Campuchia.
Trong thời gian từ 1994 đến 2011, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 8,8 tỷ USD vào Campuchia và trở thành nhà đầu tư lớn nhất.
Đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các ngành thủy điện, khoáng sản, dệt may, ngân hàng, tài chánh, du lịch và công nghiệp, và gần đây hơn vào công tác dò tìm dầu khí trong nội địa Campuchia.
Trung Quốc còn là nhà tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất của Campuchia với giá trị hơn 2,1 tỷ USD.
Những lợi ích đến từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là khá rõ ràng. Campuchia đã nhận nhiều khoản đầu tư cũng như các khoản viện trợ kinh tế và quân sự từ Trung Quốc qua cả hai hình thức hiện vật và tiền bạc.
Các khoản viện trợ này đều được Trung Quốc tuyên bố “không ràng buộc”, hay nói cách khác, cho đi mà không cần nhận lại.
Chính phủ Campuchia đã mô tả Trung Quốc như “một người bạn lớn tuổi, một tình bạn đã trở lại sau một thời gian dài bị chia cắt trong lịch sử, sống sót qua nhiều lần thay đổi chế độ”.
Máy bay quân sự viện trợ rơi, 5 người chết
Ngày 14/7/2014, Kyodo dẫn nguồn tin chính phủ Campuchia cho biết, một vụ tai nạn máy bay quân sự đã xảy ra ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, làm 5 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng.
Vụ việc xảy ra lúc 9h30 cùng ngày ở một huyện thuộc phía Tây thủ đô Phnom Penh.
Tham gia chuyến bay huấn luyện trên chiếc máy bay gặp nạn này có 6 người.
"Trực thăng rơi xuống một cái hồ giữa đồng lúa và bị chìm xuống bùn", cảnh sát Tum Polin ở sân bay quốc tế Phnom Penh cho hay.
Theo ông Khuon Yano, người phát ngôn của cảnh sát Phnom Penh cho biết, chiếc trực thăng thuộc lực lượng Không quân Hoàng gia Campuchia. Trước đó, chiếc trực thăng được phía Trung Quốc chuyển giao cho Campuchia.
Được biết, Trung Quốc đã bàn giao 12 chiếc trực thăng đa dụng Z-9 do nước này chế tạo cho không quân Hoàng gia Campuchia vào ngày 25/11/2013.
Z-9 là trực thăng được phát triển dựa trên cơ sở mô hình trực thăng Eurocopter theo một thỏa thuận giữa Pháp và Trung Quốc. Trong 12 máy bay mà Campuchia nhận từ Trung Quốc có 6 chiếc trực thăng đa dụng Z-9B; 4 chiếc trực thăng vũ trang Z-9W và 2 chiếc Z-9 chuyên vận tải các quan chức quân sự cao cấp.
Phiên bản Z-9 mạnh nhất mà Campuchia nhận được là những chiếc Z-9W - biến thể được thiết kế cho nhiệm vụ diệt tăng, tấn công mục tiêu mặt đất, chi viện bộ binh tiến công. Còn chiếc trực thăng gặp nạn sáng 14/7/2014 nhiều khả năng cao là loại Z-9B, có thể sử dụng trong công tác huấn luyện khi cần thiết.
|
Thanh Giang (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment