Friday, January 23, 2015

Venezuela: Bình oxy tài chính sắp cạn kiệt

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 24/01/2015,        http://www.thesaigontimes.vn/125689/Venezuela-Binh-oxy-tai-chinh-sap-can-kiet.html,        Tại thủ đô Caracas của Venezuela, nhiều trường học đã đề nghị các bậc phụ huynh nhắc con em họ mang thêm giấy vệ sinh. Có khách sạn hạng sang còn yêu cầu khách hàng phải tự mang xà phòng nếu muốn sử dụng dịch vụ giặt ủi. Những mặt hàng thiết yếu đó đang trở nên khan hiếm tại đất nước xuất khẩu dầu nổi tiếng này.
Người dân xếp hàng mua các vật dụng thiết yếu ở siêu thị tại San Cristobal, Venezuela hôm 14-1. Ảnh: REUTERS


Krisbell Villarroel, một bà mẹ độc thân 22 tuổi có hai con nhỏ ở Caracas gần đây có cách kiếm sống mới. Cô bỏ công xếp hàng để mua đồ, sau đó bán lại cho người có nhu cầu.

“Mỗi ngày, tôi phải dậy lúc 2 giờ sáng và gọi cho bạn bè để biết thông tin về những nơi có bán hàng và bán những gì”, Villarroel nói với hãng tin AFP. “Tôi mua xong đồ của lần xếp hàng đầu tiên lúc 10 giờ sáng, và lại chạy đi nơi khác. Trong một cửa hàng, tôi có thể mua được sữa, đường, cà phê, và chỗ khác là bột mì, gạo, tã hoặc dầu gội đầu”, cô kể. Villarroel cho hay, khách hàng của cô là những gia đình không có thời gian hoặc không muốn xếp hàng.
Một số chủ nhà hàng ở thủ đô Venezuela nói với AFP rằng, các nhân viên của họ chỉ làm mỗi việc là đi xếp hàng chờ mua đồ, thực phẩm ở siêu thị thì mới có nguyên liệu để đưa vào thực đơn.
Venezuela đang phải gánh chịu sự thiếu hụt gần 30% các hàng hóa cơ bản, trong khi lạm phát tăng vọt đến 64% trong năm 2014. Khoảng 95% ngoại tệ mà Venezuela kiếm được do xuất khẩu đến từ doanh thu bán dầu.
Tuần này, giá dầu thô nặng của Venezuela giảm xuống dưới 40 đô la Mỹ/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2008, giảm hơn một nửa kể từ tháng 9. Giá dầu giảm mạnh đã làm khan hiếm ngoại tệ, gây ra tình trạng hạn chế nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Villarroel kể, mỗi ngày cô kiếm được khoảng 600-1.200 bolivar (khoảng 3,6-7,1 đô la Mỹ theo tỷ giá thị trường không chính thức). Như vậy mỗi tháng trung bình cô thu nhập khoảng 80 đô la Mỹ, nhiều hơn thu nhập của các giáo sư trường đại học. Nhưng mọi việc không phải dễ dàng. Hàng ngày, Villarroel phải mang con nhỏ cùng đi xếp hàng bởi không có ai trông chúng.
Những ngày gần đây, cảnh xếp hàng dài dằng dặc quanh các siêu thị và cửa hàng đã trở nên phổ biến ở Venezuela. Tại thủ đô Caracas, một số trường học đã khuyên các bậc cha mẹ để giấy vệ sinh trong ba lô của con em họ. Ít nhất một khách sạn hạng sang đã đề nghị khách hàng tự mang theo xà phòng nếu muốn sử dụng các dịch vụ giặt ủi.
Chính phủ đã phải triển khai quân đội để duy trì trật tự đồng thời thực hiện chế độ phân phối tại các siêu thị của nhà nước. Ngay cả trên thị trường tự do vốn phát triển rất mạnh, hàng hóa cũng khó kiếm hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ đang nắm giữ đô la thu được từ việc bán dầu và hạn chế cung cấp cho các nhà nhập khẩu, những người cần tiền để mua hàng hóa.
“Nếu bạn muốn mua 20 thứ, bạn sẽ phải xếp hàng 20 lần”, anh Alexander Anteliz nói với hãng tin AP tuần trước bên ngoài một cửa hàng ở khu phố nghèo thuộc Caracas. Tại đây, người ta chỉ mất có 30 phút để bán ra hết sạch số bột bắp được cung cấp hàng ngày.
Khủng hoảng đạt cấp độ mới
“Trong 15 năm qua, chúng tôi được nghe nói đất nước đang sụp đổ. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội xảy ra cùng một lúc như hiện nay”, ông Dimitris Pantoulas, cố vấn chính trị ở Caracas được AP trích lời cho biết.
Tình trạng thiếu hụt hàng hóa vẫn thường xuyên xảy ra tại Venezuela, nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay đã đạt một cấp độ mới. Nhà chức trách ở một số bang đã cấm người dân xếp hàng vào ban đêm. Một số nơi khác cấm mua hàng vào những ngày nhất định.
“Sự thiếu hụt bây giờ là tồi tệ nhất trong vài năm qua”, David Smilde, nhà nghiên cứu Venezuela của Văn phòng Washington về châu Mỹ Latinh, nói với International Business Times. Ông nhấn mạnh rằng, điều đáng lo ngại là cuộc khủng hoảng hiện nay đã ảnh hưởng đến người nghèo, những người vốn ủng hộ chính phủ.
Tháng 2 năm ngoái, người dân đã biểu tình để phản đối tình trạng thiếu thốn tràn lan, tỷ lệ tội phạm cao và các chính sách kinh tế của chính phủ. Các cuộc biểu tình đã kéo dài hơn hai tháng, làm 40 người thiệt mạng, đe dọa nghiêm trọng chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.
Tổng thống Nicolas Maduro thừa nhận, đất nước đang trong thời “chiến tranh kinh tế”. Ông đổ lỗi cho phe đối lập đang muốn làm mất ổn định tình hình. Song, nhiều nhà kinh tế nói rằng các mô hình mà ông Maduro thừa hưởng từ người tiền nhiệm, cố Tổng thống Hugo Chavez, về việc kiểm soát tiền tệ, kiểm soát giá, đặc biệt là sự phụ thuộc vào nguồn thu chính dầu mỏ là một thất bại.
Thực tế, cuộc khủng hoảng của Venezuela đã hình thành từ lâu. Ngay cả trước khi giá dầu lao dốc ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ, đất nước đã bị mắc kẹt trong suy thoái và tỷ lệ lạm phát sắp lên tới mức ba chữ số.
Một cuộc thăm dò của hãng Datanalisis tháng trước cho thấy sự ủng hộ dành cho Tổng thống Maduro đã giảm còn 22%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2013.
Trong bối cảnh đó, ông Maduro đã tiến hành một chuyến công du đặc biệt kéo dài 10 ngày, kể từ hôm 4-1, mà ông chỉ thông báo vài giờ trước khi khởi hành. Trên đường đi, Tổng thống liên tục mở thêm các điểm dừng, trong đó có chuyến thăm lần thứ hai đến Nga để gặp gỡ với Tổng thống Vladimir Putin.
Tại Bắc Kinh, ông Maduro cho biết đã đạt được thỏa thuận đầu tư trị giá 20 tỉ đô la Mỹ. Ở Qatar, Tổng thống cho biết đã thành lập một liên minh tài chính mới. Chuyến công du còn đưa ông đến Iran, Ảrập Saudi, Algeria và Bồ Đào Nha.
Maduro nói rằng cuộc ngoại giao con thoi vội vã của ông là để đảm bảo nguồn “oxy” tài chính mà Venezuela cần. “Chúng tôi đã thu được những nguồn lực cần thiết để duy trì các khoản đầu tư, nhập khẩu và ổn định kinh tế”, ông nói với các phóng viên.
Nhưng các nhà phê bình nói rằng ông thất bại trong việc tìm kiếm các khoản vay trực tiếp hy vọng sẽ cứu trợ ngay lập tức cho nền kinh tế. Mục tiêu lớn hơn của ông Maduro - vận động các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC nhằm đảo ngược quỹ đạo đi xuống của giá dầu - đã không thành công. Bộ trưởng Năng lượng các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất khẳng định OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu để tăng giá.
“Có lẽ phe đối lập sẽ không tốt hơn, nhưng chính phủ rõ ràng đã thất bại”, một người dân nói với hãng AP.
Sau những thất bại hồi tháng 2 năm ngoái trong việc hạ bệ ông Maduro, phe đối lập hiện đang ra sức tận dụng cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuần này, cả hai phe bảo thủ và ôn hòa đều kêu gọi người dân xuống đường phản đối chính phủ. Phe đối lập hy vọng sẽ đạt được động lực trước cuộc bầu cử lập pháp vào cuối năm nay và giành quyền kiểm soát quốc hội.
Một số nhà phân tích đã đưa ra khả năng của một kịch bản thậm chí còn bất ngờ hơn - một cuộc đảo chính quân sự. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy sự phản bội của lực lượng vũ trang, vốn được mở rộng và mạnh thêm nhiều dưới thời ông Maduro.
Nhưng các nhà quan sát chỉ ra điểm tương đồng với cuộc đảo chính năm 1992. Đó là bối cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế do sự lao dốc đột ngột của giá dầu. Tổng thống lúc đó, ông Carlos Andres Perez vừa trở về từ Thụy Sỹ, thì được chào đón bởi một cuộc nổi dậy do trung tá quân đội Hugo Chavez dẫn dắt.
“Điều đó là không may, nhưng nằm trong khả năng”, nhà phân tích David Smilde nói với tờ International Business Times.
Minh Đức

No comments:

Post a Comment