Lộ trình cho tham vọng lớn
Đến cuối 2013, NDT chính thức trở thành một trong 10 đồng tiền thanh toán nhiều nhất thế giới và kỳ vọng trở thành một trong ba đồng tiền giao dịch toàn cầu vào năm 2015, cũng như có khả năng trở thành đồng tiền dự trữ mới của thế giới.
Ngoài ra, Bắc Kinh đã công bố Thượng Hải sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020. Tiềm lực kinh tế hùng mạnh cũng sẽ là yếu tố nội tại vững chắc hỗ trợ NDT lên giá trong tương lai. Tất cả điều này khiến Trung Quốc kỳ vọng NDT sẽ trở thành đồng tiền dự trữ thứ hai thế giới sau đô la Mỹ trong tương lai.
Tham vọng quốc tế hóa NDT chính thức khởi động kể từ năm 2005 khi Trung Quốc để cho tỷ giá NDT/đô la linh hoạt hơn. Đặc biệt kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, NDT bắt đầu có ảnh hưởng lớn mạnh hơn trong khu vực. Kể từ tháng 6-2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thông báo từ bỏ chính sách neo tỷ giá vào đồng đô la bằng việc lấy một rổ tiền tệ bao gồm nhiều đồng tiền mạnh làm cơ sở tham chiếu khi điều hành tỷ giá NDT.
Về phương diện đối ngoại, trong thập kỷ qua, Trung Quốc tiến hành hàng loạt bước quốc tế hóa NDT. Năm 2002 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán; năm 2004 khởi động thị trường NDT hải ngoại tại Hồng Kông và năm 2007 các ngân hàng thương mại Trung Quốc lần đầu tiên được phép huy động vốn bằng cách phát thành trái phiếu định danh NDT tại Hồng Kong. Từ tháng 7-2009, Trung Quốc tăng tốc mạnh mẽ sử dụng NDT trong thanh toán với các đối tác chính là Hồng Kông, Macau và các nước ASEAN. Thậm chí ngân hàng trung ương các nước Malaysia, Nigeria, Chile, Thái Lan, Brazil và Venezuela đã bổ sung NDT vào trong dự trữ ngoại hối quốc tế.
Tất cả hành động trên là những bước nhảy lớn trong quá trình quốc tế hóa NDT. Không dừng ở đó, Bắc Kinh đang nỗ lực thuyết phục các công ty trong nước và nước ngoài và khuyến khích ngân hàng trung ương các nước đưa NDT trở thành tài sản dự trữ quốc tế.Thị trường trái phiếu Trung Quốc hiện đang giao dịch ở Hồng Kông và kỳ vọng phát triển mạnh sau đó tại chính quốc. Diễn biến này đang dẫn đến việc giới đầu tư quốc tế tăng cường đưa NDT vào danh mục đầu tư của mình. Hiệu ứng domino như vậy cũng sẽ đến với các quốc gia châu Á có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc. Điều mà bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng quan ngại là sẽ hình thành cơ chế tỷ giá hối đoái phi chính thức neo giữ đồng nội tệ các quốc gia châu Á này với NDT.
Ngoài ra trong khoảng ba năm gần đây Trung Quốc còn tìm mọi cách làm suy yếu đồng đô la. Quá trình loại bỏ đô la ra khỏi giao dịch bắt đầu với các nước BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và cả Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất, được tiến hành bằng các thỏa thuận chỉ sử dụng đồng tiền bản địa trong thanh toán, kể cả thanh toán mua bán dầu hỏa. Theo dự tính, năm 2020 là thời điểm Bắc Kinh vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới và đó cũng là thời điểm mục tiêu thực hiện thành công quá trình quốc tế hóa NDT.
Thành quả nhỏ
Tham vọng lớn nhưng thành quả cho đến giờ chỉ ở mức khiêm tốn. Để trở thành một đồng tiền quốc tế, ít nhất Trung Quốc phải thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn sau:
Thứ nhất, mức cầu NDT phải được tạo ra tự nhiên chứ không phải bị ép buộc bằng các sức ép chính trị và ngoại giao. Nhiều nghiên cứu cho thấy để có nhu cầu về một đồng tiền nào đó trong giao dịch quốc tế, trong những giai đoạn phát triển ban đầu của mình, chúng phải khẳng định được uy tín về giá trị trong tương lai. Uy tín đó chính là sự ổn định chính trị-xã hội và kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, đặc biệt đó phải là quốc gia biết thượng tôn pháp luật và quyền sở hữu trí tuệ. Điều này cũng dễ hiểu vì chỉ có như thế mới thu hút được các nhà đầu tư quốc tế dài hạn để tạo cầu ổn định cho NDT.
Hơn nữa, Trung Quốc phải trở thành quốc gia nhập khẩu ròng lớn và xuất khẩu vốn để các nước đối tác tích lũy tài sản định danh bằng NDT. Giá cả hàng hóa thế giới như xăng dầu, nông sản, vàng, sắt thép và nông sản phải được thị trường thế giới niêm yết giá bằng NDT.
Ngoài ra, NDT phải được thả nổi, và phải có một ngân hàng trung ương độc lập; phải tự do hóa hoàn toàn tài khoản vốn, phi điều tiết thị trường tài chính và tự do hóa hoàn toàn lãi suất.
Trung Quốc rất khó có thể đáp ứng trong dài hạn những tiêu chuẩn trên. Vì vậy, trong đánh giá năm năm một lần vào tháng 11-2010, IMF vẫn chưa đưa NDT vào rổ tiền tệ tạo thành đồng SDR (quyền rút vốn đặc biệt), với sự cấu thành của bốn đồng tiền chính là đô la (41,9%), euro (37,4%), bảng Anh (11,3%) và yen Nhật (9,4%).
Bất chấp mọi nỗ lực của Bắc Kinh, hiện NDT vẫn giữ một vai trò khá nhỏ trong giao dịch quốc tế. Nói đâu xa ngay tại Hồng Kông, các khoản ký gửi NDT hiện chỉ chiếm khoảng 8%. Còn tại chính quốc, giao dịch NDT cũng chỉ chiếm khoảng 7% so với tổng giá trị giao dịch bằng các ngoại tệ mạnh khác.
Các nước lo một, Việt Nam bất an vạn lần hơn
Vì quá trình quốc tế hóa NDT diễn ra theo cách thức của một nước lớn thống trị, thay vì theo trình tự vốn có nên phải đi tắt đón đầu bằng nhiều cách. Sự không bình thường này mới là nguy cơ lớn nhất với các nước. Nếu các quốc gia khác cảnh giác một, Việt Nam bất an vạn lần hơn.
Thay vì cầu NDT được tạo ra tự nhiên, có khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ tìm mọi cách làm cho các nước và Việt Nam chấp nhận sử dụng NDT ở một mức độ ban đầu nào đó rồi lấn tiếp dần dần. Khi bình luận vấn đề khả năng chuyển đổi của NDT, trên các diễn đàn quốc tế, câu hỏi lớn nhất được các nhà phân tích đặt ra là nó sẽ chuyển đổi thành cái gì? Câu trả lời trong thực tế: NDT chuyển đổi thành ô nhiễm, làm cạn kiệt tài nguyên và gia tăng sự lệ thuộc về kinh tế và chính trị của các quốc gia khác với Bắc Kinh.
Do Trung Quốc vẫn còn kiểm soát chặt các giao dịch tài chính và không tự do hóa lãi suất hoàn toàn, kết hợp với thể chế chính trị hiện tại, NDT không bao giờ thành đồng tiền chuyển đổi đúng nhất với ý nghĩa của từ này. Đó chính là bất an lớn nhất cho bất kỳ ai nắm giữ NDT nếu có các bất ổn và biến động xảy ra trên thị trường tài chính của Trung Quốc.
Tuy gần đây tỷ giá NDT có linh hoạt hơn và bước đầu được định giá cao dần song có khả năng sắp tới Trung Quốc vẫn tiếp tục tham vọng như đã từng: phá giá NDT để hỗ trợ cho chính sách kinh tế hướng về xuất khẩu. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro tỷ giá nếu như các doanh nghiệp và người dân trong nước nắm giữ NDT.
Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không độc lập và hành động theo ý chí của các nhà chính trị sẽ gây rủi ro hệ thống cho bất kỳ ai nắm giữ NDT. Mới đây tờ Sankei Shimbun, một trong những nhật báo kinh tế uy tín của Nhật có bài bình luận cho rằng nếu Nhật để cho NDT chiếm lĩnh thị trường các quốc gia Đông Á, các doanh nghiệp và các định chế tài chính của Nhật sẽ gặp vô vàn khó khăn vì buộc phải sử dụng NDT trong giao dịch mua bán và đầu tư. Lúc đó chính sách tỷ giá của Nhật phải luôn chạy theo sự điều khiển của Bắc Kinh. Bài báo kết luận: chẳng những an ninh quốc gia và ngoại giao của nước Nhật bị đe dọa nghiêm trọng trước sự trỗi dậy của NDT mà thậm chí còn làm cho kinh tế Nhật trở nên suy yếu.
Không khó để nhận thấy hàm ý về lời cảnh báo của người Nhật với các quốc gia Đông Á. Nhật Bản là một cường quốc kinh tế mà còn gặp phải nguy cơ toàn diện như thế, Việt Nam vốn lệ thuộc sâu đậm về kinh tế và nhiều mặt khác vào người láng giềng khổng lồ thì sẽ là thảm họa nếu như không tỉnh táo và có đối sách thích hợp trước cái gọi là quá trình quốc tế hóa của NDT và những gì ẩn đằng sau đó.
Chí ít đối với những yếu kém nội tại từ bản thân của chúng ta, quá trình quốc tế hóa NDT có khả năng đi kèm với nguy cơ mới về một đường lưỡi bò tiền tệ.
Trần Ngọc Thơ
No comments:
Post a Comment