Theo Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, cần phân biệt hai loại hình: loại phải chịu thuế giá trị gia tăng nhưng có thuế suất là 0% và loại không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Hai loại này tuy có chung đặc điểm là doanh nghiệp không phải nộp thuế; nhưng loại hình thứ hai (áp dụng với một số ngành làm đầu vào của nông nghiệp) sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, trong khi sản phẩm của các ngành này bao gồm rất nhiều các loại thuế nằm lẫn trong chi phí đầu vào. Vì vậy, doanh nghiệp các ngành trong danh sách này thậm chí còn thiệt thòi hơn cả khi phải chịu một mức thuế suất nào đó. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp ấy không thể giảm giá bán và những ngành sử dụng sản phẩm của những ngành này làm chi phí đầu vào cũng không được hưởng lợi gì từ chính sách hỗ trợ nửa vời như vậy. Phía thiệt thòi vẫn là người nông dân và các doanh nghiệp nội.
Để thực sự hỗ trợ ngành nông nghiệp thì các ngành sản xuất các sản phẩm làm đầu vào cho nông nghiệp cần phải được ưu đãi dưới hình thức chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng bằng 0% (để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào). Có như vậy, giá của các sản phẩm này mới hạ và từ đó lan tỏa đến các ngành trong nền kinh tế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI thường thuộc loại ưu đãi thứ nhất. Các doanh nghiệp FDI thường chỉ làm gia công ở Việt Nam với nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Sau khi gia công ở Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng mức thuế suất 0% và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho chi phí đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp FDI được lợi kép và các doanh nghiệp nội thiệt đơn thiệt kép. Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu đối với người tiêu dùng nội địa. Theo định nghĩa đó thì người tiêu dùng nước ngoài không phải chịu loại thuế này. Cũng vì vậy, việc doanh nghiệp xuất khẩu được khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho chi phí đầu vào như nói trên là đúng luật.
Các doanh nghiệp phân bón trước đây có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, sau khi thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng thì giá thành sản phẩm cũng không giảm. Vì sao như vậy? Ấy là vì khi ở mức thuế suất 5%, doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng của chi phí đầu vào còn khi ở mức không chịu thuế thì theo quy định không được hoàn thuế giá trị gia tăng cho đầu vào.
Hơn nữa chính sách thuế kiểu này còn khiến cho doanh nghiệp bán sản phẩm của mình trong nước không thể cạnh tranh về giá thành, triệt tiêu động cơ đầu tư để làm các sản phẩm phụ trợ, vì sản phẩm phụ trợ đương nhiên phải bán trong nước; ngành nọ bán sản phẩm cho ngành kia làm chi phí đầu vào.
Tình hình hiện nay cho thấy rất cần một chính sách công bằng đối với các doanh nghiệp nội. Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể dựa trên bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy khi thuế sản xuất của các ngành phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến sản phẩm nông nghiệp và thủy sản giảm 5% sẽ làm tổng chi phí trung gian của toàn nền kinh tế giảm 2,3%, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 1,4%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 1,5%, tổng giá trị gia tăng (GVA/GDP) tăng xấp xỉ 2% và thuế sản xuất tăng 1% do toàn nền kinh tế tăng trưởng.
Như vậy, có thể thấy can thiệp vào thuế sẽ không chỉ bình ổn được giá cả mà giá thành sản xuất còn giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Phân bón nên nằm trong… diện chịu thuế
Ông Vũ Văn Tân, Trưởng phòng Kế hoạch vật tư Công ty Sản xuất và Kinh doanh phân bón Thiên Sinh, Bình Dương, cho biết theo luật mới những công ty sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng nữa. Trước đây, công ty sản xuất và kinh doanh phân bón khi mua vật tư đầu vào, trả cước vận chuyển phải trả thuế giá trị gia tăng từ 5-10% (tùy theo mặt hàng), sau đó, được khấu trừ khi bán sản phẩm hoàn thiện cho nông dân. Còn nay, chúng tôi không được khấu trừ khi bán hàng, vì thế, bắt buộc các công ty phải đưa số tiền thuế phải trả ở khâu đầu vào vô giá thành sản phẩm. Điều này làm giá phân bón bán ra sẽ cao hơn.
Theo ông Tân, khi Việt Nam còn phải nhập khẩu các loại nguyên liệu để sản xuất các loại phân bón như kali, SA thì giá bán ra sẽ bị chi phối bởi giá nhập khẩu. Vì thế, để hỗ trợ nông dân, các nhà làm chính sách nên giữ cách làm như lâu nay, đó là mặt hàng phân bón vẫn nằm trong diện các mặt hàng chịu thuế. Nhà nước cần linh hoạt trong việc điều chỉnh thuế suất cho phù hợp. Lúc giá phân bón trên thế giới tăng, đưa thuế về 0% và khi giá phân bón thế giới thấp, có thể nâng thuế để có thêm nguồn thu cho ngân sách.
Ngọc Hùng g
|
Ngành thuế đang tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp
Trao đổi với TBKTSG, một cán bộ của Cục Thuế TPHCM cho biết, ngành thuế đã nhận được phản ánh của doanh nghiệp sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi khi áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế. Theo nguyên tắc, các mặt hàng này khi là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thì tất cả các yếu tố đầu vào khác như điện, bao bì, phụ gia… sẽ không được khấu trừ, hoàn thuế. Điều đó đồng nghĩa là các yếu tố này sẽ được tính vào chi phí, đẩy giá thành lên cao.
Chính vì vậy, trong dự thảo thông tư hướng dẫn cho Luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, Bộ Tài chính đang tìm phương án tháo gỡ khó khăn này của doanh nghiệp. Phương án tháo gỡ, theo vị cán bộ này phải hài hòa các yếu tố: không vi phạm nguyên tắc của thuế giá trị tăng, cũng không được vi phạm các cam kết mà Việt Nam đã ký kết. “Các phương án vẫn đang được bàn. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là sẽ phải xin ý kiến của cấp cao vì liên quan đến luật”, vị cán bộ này nói thêm.
Minh Tâm
|
Bùi Trinh - Phạm Lê Hoa
No comments:
Post a Comment