Theo Tân Hoa xã, ngày 2/1, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khi trả lời câu hỏi của phóng viên đã tiết lộ: Ông Trương Côn Sinh, Trợ lý của ngoại trưởng Vương Nghị kiêm Vụ trưởng Vụ Lễ tân, đã bị cách chức và bị điều tra vì “vi phạm kỷ cương” – một từ chỉ phạm tội về tham nhũng.
Trước đó, một bản thông báo nội bộ ngành ngoại giao đã tiết lộ: “Trương Côn Sinh bị điều tra đã nửa tháng”, và ông ta đã bị đưa khỏi cơ quan từ hôm 28/12/2014; chắc hẳn việc ông ta bị cách chức có liên quan vụ điều tra đó, nhưng bị điều tra về hành vi vi phạm an ninh quốc gia như cựu đại sứ ở Iceland Mã Kế Sinh hay về tham nhũng thì chưa có kết luận, và cũng không thấy thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đã “song quy” (tiến hành biện pháp cách ly để điều tra) hay chưa".
Trương Côn Sinh và vợ Tiêu Kiệt. |
Lần cuối cùng Trương Côn Sinh xuất hiện là ngày 8/12/2014 tại buổi khai mạc Hội thảo về vấn đề an ninh hàng hải trong khuôn khổ Diễn đàn ASEAN.
Dư luận lưu ý đến chi tiết: Trương Côn Sinh, quê Sơn Tây, vì thế rất có thể ông ta cũng là thành viên “Sơn Tây hội” và dính líu đến các tội lỗi của Lệnh Kế hoạch (Ủy viên T.Ư, Trưởng ban mặt trận T.Ư, Phó chủ tịch Chính Hiệp, vừa bị mất chức hôm 22/12/2014).
Việc Trương Côn Sinh bị cách chức cũng khiến dư luận nhớ lại sự việc từ ngày 28/10 đến 4/11/2014, Đoàn công tác của Ủy ban kiểm tra kỷ luật đảng đoàn Bộ ngoại giao do Bí thư Ủy ban Tạ Kháng Sinh dẫn đầu đã tiến hành “tuần thị” (thị sát, kiểm tra) các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Mỹ và Canada, sau đó tổ chức hội nghị về công tác đảng phong, liêm chính tại đây.
Tại hội nghị này đoàn công tác đã truyền đạt các điều quy định về chống tham nhũng như 8 điều quy định của trung ương, 5 điều kỷ luật của Bộ ngoại giao, đưa ra các yêu cầu về chống tham nhũng, nâng cao kỷ luật chính trị, kỷ luật tổ chức và kỷ luật đối ngoại…Có thể khi đó, đoàn đã phát hiện ra một số vấn đề của Trương Côn Sinh.
Sinh năm 1958, Trương Côn Sinh từng được coi là “ngôi sao ngoại giao” bởi lịch trình đáng nể:
Năm 1985 vào ngành ngoại giao sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Tứ Xuyên, năm 1995 là Bí thư thứ 2, Phó phòng, Bí thư thứ nhất ở Vụ Mỹ - Châu Đại dương; từ 1998 là Bí thư thứ nhất đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, 2001 là Tham tán Vụ Mỹ - Châu Đại dương, 2003 là Tham tán Văn phòng Bộ, 2007 là Vụ trưởng Vụ Lễ tân, từ 2011 được bổ nhiệm làm Trợ lý thứ nhất trong số 4 trợ lý ngoại trưởng, phụ trách khu vực Mỹ Latinh và công tác lễ tân của Bộ.
Trung Quốc điều chỉnh nhân sự trong quân đội
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong quân sự. South China Morning Post ngày 3/1 đưa tin, hai tướng "vương hầu" của quân đội Trung Quốc đã phải rời vị trí của mình khi Tập Cận Bình quyết định cải tổ bộ máy nhân sự lãnh đạo các đơn vị chủ lực của lực lượng vũ trang.
Tướng Trương Hải Dương và Lưu Hiểu Giang đã nghỉ hưu, rời cương vị Chính ủy Tên lửa chiến lược và Chính ủy Hải quân.
Trương Hải Dương là con trai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trương Chấn, trong khi Lưu Hiểu Giang là con rể Lưu Thiếu Kỳ, con trai của "độc cước tướng quân" Lưu Hải Bân. Cả hai viên tướng này đã 65 tuổi, đến tuổi tối đa tại ngũ trong quân đội. Dù có xuất thân vương hầu, họ cũng không thể nằm ngoài vòng quy định, nhà bình luận quân sự Lý Kiệt từ Bắc Kinh cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này cũng liên quan đến chiến dịch đả hổ đập ruồi của Tập Cận Bình, để thực hiện cải cách sâu rộng trong quân đội nhằm ngăn chặn tham nhũng và xây dựng quân đội hiện đại.
Nghê Lạc Hùng một nhà bình luận quân sự từ Thượng Hải nói rằng các tướng vương hầu, còn gọi là "Thái tử đảng" bị buộc phải nghỉ hưu cho thấy Tập Cận Bình đã kiểm soát đầy đủ đối với quân đội, đặc biệt là bộ máy nhân sự.
Trương Hải Dương. |
Trương Hải Dương là một trong số ít các tướng Trung Quốc hiện nay từng tham gia cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979 xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam, và hoạt động quân sự chống phá biên giới Việt Nam năm 1986. Cha ông ta đã tổ chức sinh nhật lần thứ 100 cho mình vào năm ngoái.
Người kế nhiệm Trương Hải Dương là Vương Gia Thắng, Phó Chính ủy Tổng cục Hậu cần chuyển sang. Thay Lưu Hiểu Giang là Trung tướng Miêu Hoa, Chính ủy đại quân khu Lan Châu.
Trước đó, tờ Công báo ngày 24/12 đưa tin, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Hứa Kỳ Lượng đã chính thức công bố các quyết định điều động và bổ nhiệm nhân sự cấp cao của lực lượng Quân giải phóng Trung Quốc.
Đầu tiên là Thượng tướng không quân Lưu Thành Quân đang giữ chức Viện trưởng Viện khoa học quân sự Trung Quốc sẽ chính thức nghỉ hưu vào cuối tháng 12.
Thay thế ông là trung tướng Cao Tân sẽ nhận nhiệm vụ này vào tháng 1/2015. Chính ủy của cơ quan này là thượng tướng Tôn Tư Kính sẽ nhận nhiệm vụ mới là chính ủy bộ đội cảnh vệ, thay thế ông làm Chính ủy Viện khoa học quân sự sẽ là thượng tướng Hứa Diệu Nguyên.
Các tướng lĩnh khác được điều động và bổ nhiệm gồm: Trung tướng Miêu Hoa, Chính ủy quân khu Lan Châu sẽ nhận chức Chính ủy Hải quân Trung Quốc.
Thượng tướng Vương Kiện Bình, Tư lệnh lực lượng bộ đội cảnh vệ sẽ nhận chức Phó tổng tham mưu trưởng quân giải phóng Trung Quốc.
Trung tướng Sài Chiêu Lương, Phó chính ủy quân khu Thành Đô sẽ nhận chức Phó chính ủy Tổng cục vũ khí – quân trang, quân dụng.
Trong đợt bổ nhiệm này hai tướng lĩnh từ các quân khu được điều về trung ương là Miêu Hoa (Lan Châu) và Sài Chiêu Lương (Thành Đô). Ngoài ra, 6 tướng lĩnh này đều có thời gian công tác tại Tổng cục chính trị trước khi nhận nhiệm vụ mới.
Đợt thay đổi nhân sự cấp cao lần này còn thể hiện quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình và Quân ủy trung ương trong việc làm tăng sức chiến đấu và trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo của quân giải phóng Trung Quốc.
Tuyết Minh
No comments:
Post a Comment