Nguyễn Nam sở hữu một công ty dịch vụ kỹ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh mà không trả thuế cũng không phải trả lương cho nhân viên và cũng không có doanh thu.
Ông Nam gọi đó là một công ty 'Xác sống' (Zombie), tiếng lóng ám chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế đang phải vật lộn với khó khăn để tồn tại, trong khi ưu tiên của Chính phủ thu hút các công ty quốc tế và khôi phục lại doanh nghiệp nhà nước đang kinh doanh kém hiệu quả.
Những doanh nghiệp nhỏ là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế khi Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một công xưởng sản xuất toàn cầu thông qua việc ký kết một loạt các hiệp định thương mại quốc tế. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những doanh nghiệp nhỏ này không đủ sức cạnh tranh, yếu kém trong quản lý và đang ngập trong nợ nần.
Năm 2014, số doanh nghiệp phải đóng cửa đã lên mức kỷ lục 67.800 công ty, năm 2013 là 60.737 công ty và năm 2012 là 54.277 công ty, một chuỗi con số đáng kinh ngạc.
Giám đốc Nam, người đã sa thải các nhân viên của mình do kinh doanh thua lỗ, cho biết việc phải để công ty của mình trở thành công ty 'Xác sống' là điều đáng buồn vì “nó giống như…con riêng của bạn và nếu bạn thấy con mình đang chết dần, bạn sẽ cảm thấy rất buồn. Đó chính xác là những gì tôi đang cảm thấy.”
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 90% số công ty trong nước và những công ty như của ông Nam, vốn chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, đang nợ hàng triệu USD tiền thuế và ngân hàng.
Thách thức từ nước ngoài
Kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục sau nửa thập kỷ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào những doanh nghiệp nước ngoài cũng như các tập đoàn năng lượng và dệt may của nhà nước.
Ngành công nghiệp phụ trợ rất yếu và có rất ít doanh nghiệp có đủ nguồn vốn và chuyên môn để tham gia chuỗi cung ứng cho những tập đoàn khổng lồ như Samsung Electronics Co Ltd, LG Electronics Inc, Microsoft Corp và Intel Corp.
Những nhược điểm này có thể sẽ lộ ra khi Việt Nam đang chờ đón làn sóng đầu tư một khi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, trong đó bao gồm các chính sách cắt giảm thuế quan đối với 12 quốc gia chiếm 40% GDP toàn cầu, bao gồm Mỹ và Nhật Bản.
Một thỏa thuận thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) và kế hoạch thị trường chung Đông Nam Á đang khiến Việt Nam thành mục tiêu quan tâm của các nhà đầu tư trên những vấn đề như đặc quyền thuế quan, cải thiện cơ sở hạ tầng, lao động giá rẻ, giảm thuế và ổn định chính trị.
Chính phủ Việt Nam hiện còn nhiều việc phải làm để thu hút thêm các doanh nghiệp nước ngoài, vốn đã đầu tư trung bình 11,3 tỷ USD/năm kể từ năm 2010.
Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu thô và không thể tìm được các nhà cung cấp trong nước đạt yêu cầu. Ví như Samsung, tập đoàn này đã cam kết đầu tư 11,2 tỷ USD vào Việt Nam nhưng nhà máy của công ty này tại Việt Nam chỉ dùng để lắp ráp sản phẩm.
Ông Cao Sĩ Kiêm, Cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hiện là Chủ tich Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, cho biết kinh nghiệm hạn chế của các doanh nghiệp SME về thị trường đang ngày càng trở thành những khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tình hình hội nhập ngày càng sâu rộng.
Những căng thẳng đó được thể hiện qua thị trường bán lẻ trị giá 138 tỷ USD tại đây. Trong khi sức tiêu dùng yếu đang kìm hãm các cửa hàng địa phương thì việc mở rộng của những nhà khai thác phân khúc trung lưu, như Aeon Co Ltd, Robinson Department Store và Lotte Shopping Co Ltd, càng làm tình hình trở nên khó khăn.
Các doanh nghiệp SME tại Việt Nam đang bị kẹt trong một “cái bẫy tín dụng” khi bị các ngân hàng xa lánh do hệ thống ngân hàng trong nước đang còn phải vật lộn xử lý nợ xấu bắt nguồn từ việc cho vay dễ dãi trước kia.
Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước lại đang chiếm một nửa số tín dụng và có nhiều khoản nợ xấu nhưng vẫn nhận được sự ưu đãi.
Mặc dù vậy, vẫn có những tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam. Các nhà máy dệt may của Việt Nam đang phải hoạt động quá tải và họ có thể làm lu mờ ngành dệt may Trung Quốc khi Hiệp định TPP được ký kết. Năm ngoái, ngành dệt may và giày dép Việt Nam đã xuất khẩu được 31 tỷ USD, trong đó mặt hàng giày dép chiếm 10% thị phần thế giới.
Bên cạnh đó, dù nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nhưng cũng có nhiều công ty mới thành lập. Trong năm ngoái, có 74.842 công ty mới được thành lập trong khi năm 2013 là 76.955 công ty.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, chìa khóa để những công ty này tồn tại là phải có sự thay đổi trong chính sách ưu tiên của chính phủ nhằm tập trung xây dựng đội ngũ doanh nghiệp trong nước.
“Chúng ta đã theo đuổi các công ty nước ngoài một cách quá mức…chúng ta không thể thực hiện công nghiệp hóa dựa trên những doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta không thể tuyên bố rằng thương hiệu mà chúng ta làm ra là Samsung", ông Doanh nói.
"Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải cách và thay đổi hướng đi một cách mạnh mẽ.”
Hoàng Nam – Theo Reuters
No comments:
Post a Comment