Tuesday, January 6, 2015

Nhà nước và thị trường - hai mặt của đồng xu

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 01/01/2015,   http://www.thesaigontimes.vn/124776/Nha-nuoc-va-thi-truong---hai-mat-cua-dong-xu.html,   - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng, ông Vương Đình Huệ, trao đổi với TBKTSG về phân vai giữa Nhà nước và thị trường, hai yếu tố đang được thảo luận nhiều gần đây.



TBKTSG: Ông đã chủ trì và hoàn thành đề án tổng kết 30 năm đổi mới. Liệu đề án đã định nghĩa được thế nào là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - khái niệm đến nay vẫn còn treo đó?
- Ông Vương Đình Huệ: Đây là vấn đề rất lớn, nhưng tôi muốn nói gọn thế này: chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết nền kinh tế thị trường này phải tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận cao trong quá trình tổng kết. Bên cạnh đó, rõ ràng kinh tế thế giới đang khủng hoảng, và người ta đang phải tái cơ cấu nền kinh tế, phải xem xét lại, thậm chí cơ cấu lại vai trò của Nhà nước và vai trò thị trường. Bản thân họ cũng không tuyệt đối hóa vai trò của thị trường, thị trường hoàn toàn tự do là không được.
Cho nên định hướng xã hội chủ nghĩa chính là chỗ mà vai trò của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng có chức năng bổ khuyết hay khắc phục những thất bại và những khuyết tật của thị trường nhằm đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, cụ thể như thế nào thì còn cần thảo luận thêm.
TBKTSG: Nhưng, bộ máy nhà nước giờ đã lớn đến mức chiếm gần 70% tổng chi ngân sách nhà nước, thưa ông?
Nhà nước cũng là một chủ thể trên thị trường. Các doanh nghiệp khác còn làm ăn được mà DNNN không làm ăn được thì vô lý, nhưng rõ ràng phải áp đặt kỷ luật thị trường với DNNN. Nếu làm ăn không được cũng đành phải chấp nhận ra đi.
- Một cơ cấu hợp lý thì chi thường xuyên khoảng 50%, khoảng 25-30% cho đầu tư, còn 15-20% cho trả nợ. Nhưng hiện nay theo cân đối ngân sách đến năm 2014, chi cho bộ máy, cho con người lên tới 67-68% rồi, phần còn lại cho đầu tư, cho trả nợ rất ít. Vừa rồi nhiều cử tri tôi tiếp xúc cũng chất vấn điều này. Chẳng hạn, trong ngành giáo dục, tới 80% chi lương, chỉ còn 20% chi hoạt động. Do chúng ta tăng lương dần lên, mà tổng ngân sách không đổi, làm cho các khoản chi khác còn lại rất ít. Cơ cấu ngân sách hiện nay của chúng ta rất khó.
Muốn giảm bớt chi thường xuyên thì quan trọng nhất là quản lý biên chế. Năm 2015, Chính phủ đã có yêu cầu không tăng biên chế. Bộ ngành nào giảm được biên chế chỉ được phép tuyển mới thêm 50% trong số đó, còn 50% là dành cho những bộ phận, những cơ quan cần bổ sung thêm. Trước mắt chúng ta quản lý chặt chẽ về biên chế. Đấy là một quá trình không phải ngày một, ngày hai nhưng phải làm cương quyết.
TBKTSG: Kết luận 103 do Bộ Chính trị ban hành ngày 29-9-2014 yêu cầu thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường. Điều này sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?
- Chúng tôi rất vui khi kết luận của Bộ Chính trị có ghi câu này: “Rà soát chuyển đổi chính sách phí và lệ phí đối với một số dịch vụ công sang áp dụng chế độ giá dịch vụ và không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá”. Đây là tư tưởng hết sức quan trọng.
Ví dụ, quy định về giá điện phải theo yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường; còn với những người nghèo thuộc diện chính sách thì phải có khoản trợ cấp riêng cho họ.
Thực tế là chúng ta đã chuyển một số loại phí sang giá, chẳng hạn trước đây gọi là viện phí, thì nay gọi là giá dịch vụ khám chữa bệnh. Đấy là cuộc cách mạng. Mà đã là giá thì nguyên tắc phải tính đúng, tính đủ chi phí vật tư trong y tế, lương, và chi phí khấu hao... Còn với người nghèo và đối tượng chính sách lại phải có chính sách riêng.
Hay với sự nghiệp công, thì kết luận của Bộ Chính trị cũng nói là chuyển sang áp dụng chế độ hạch toán như doanh nghiệp nếu có điều kiện và có khả năng. Chẳng hạn, VTV là đài truyền hình quốc gia, về mặt hành chính là cơ quan thuộc Chính phủ nhưng tất cả cơ chế hạch toán là như doanh nghiệp. Theo cơ chế này, VTV đang hoạt động rất hiệu quả.
Trông giữ xe, hay hoa tiêu là phí hay giá? Nó là giá hết! Sắp tới chúng ta rà soát lại, chuyển được những thứ từ phí sang giá thì tạo ra nguồn lực rất lớn cho đất nước.
TBKTSG: Nói về vai trò của Nhà nước ở Việt Nam chúng ta không thể không nhắc đến khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ông nhìn nhận như thế nào về khu vực này?
- Chúng ta cũng cần có cái nhìn công bằng hơn đối với DNNN. Gần đây, nhiều người đã nói về Viettel, về Vinatex... Họ là DNNN cả, mà vẫn làm ăn tốt, vẫn cạnh tranh, vẫn phát triển. Viettel đạt doanh thu gần 200.000 tỉ đồng năm nay, tức mỗi ngày kiếm 6.000 tỉ đồng “tiền tươi thóc thật”. Họ mở rộng thị trường đến bảy nước. Hay dệt may tự bươn chải, Nhà nước có hỗ trợ gì đâu. Vậy mà ngành này tạo việc làm cho gần 200.000 lao động, cạnh tranh sòng phẳng với cả các doanh nghiệp khác, với cả Trung Quốc, chiếm giữ thị phần rất lớn ở Mỹ và EU.
Khi tôi làm việc với đại diện từ EuroCham, AmCham, Hiệp hội Doanh nghiệp Úc... họ không quan tâm nhiều đến việc là doanh nghiệp tư, hay doanh nghiệp công, họ chỉ yêu cầu luật pháp, chính sách không được phân biệt đối xử. Thực tế là họ không tranh luận nhiều về vấn đề này. Không phải cứ doanh nghiệp công là xấu, còn doanh nghiệp tư là tốt. Quan điểm của họ rõ ràng như thế.
Về quan hệ nhà nước và thị trường họ nhìn nhận cũng rất sòng phẳng. Họ bảo Nhà nước và thị trường như hai mặt của một đồng xu, mỗi bên có chức năng riêng. Không phải nhiều thị trường hơn thì ít nhà nước đi. Một nền kinh tế thị trường hoàn hảo chỉ phát triển được trong điều kiện nhà nước vững mạnh. Hai cái đấy không triệt tiêu nhau. Nhà nước càng hoàn thiện thì thị trường càng hoàn hảo, đấy không phải quan hệ anh mạnh thì tôi yếu.
Vì thế, Nhà nước cũng là một chủ thể trên thị trường. Các doanh nghiệp khác còn làm ăn được mà DNNN không làm ăn được thì vô lý, nhưng rõ ràng phải áp đặt kỷ luật thị trường với DNNN. Nếu làm ăn không được cũng đành phải chấp nhận ra đi.
TBKTSG: Trong bối cảnh đó, ông nhìn nhận như thế nào về tiến trình cải cách DNNN, nhất là khi Nhà nước vẫn chiếm tới khoảng hơn 80% số vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa?
- Trong năm 2014, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn được đẩy nhanh. Trước đây, chúng ta thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, nhưng cài thêm câu “phải bảo toàn vốn nhà nước”. Trên thực tế là rất khó làm. Tại hội nghị giữa kỳ kiểm điểm đánh giá hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, theo kết luận của trung ương chúng ta cho phép áp dụng cơ chế thoái vốn theo nguyên tắc thị trường. Tức là đấu thầu, đấu giá công khai và theo giá thị trường, nhưng tăng cường giám sát, đảm bảo hiệu quả và minh bạch. Hiệu quả ở đây là hiệu quả kinh tế về mặt phương án so sánh, chứ không phải hiệu quả so với giá vốn trên sổ sách.
Tháo gỡ này đã giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết 15, làm tốc độ cổ phần hóa, và thoái vốn nhanh hơn. Thoái vốn trong 10 tháng đầu năm, như Chính phủ báo cáo Quốc hội, khoảng bằng 3,5 lần so với năm trước.
Sau khi Bộ Chính trị có kết luận và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh được thông qua, tôi hy vọng vào mấy việc. Thứ nhất là phải tách bạch những nhiệm vụ chính trị, kinh doanh và công ích ra. Thứ hai, là tách bạch vai trò quản lý nhà nước và vai trò chủ sở hữu. Vì thế, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp không quy định bộ, ngành hay địa phương làm đại diện chủ sở hữu của DNNN.
Như vậy, tinh thần của Đảng là đặt khu vực DNNN cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác chứ có phân biệt đối xử gì đâu. Về phần mình, chúng tôi sẽ nghiên cứu để cùng các bộ, ngành, hoàn thiện mô hình cơ quan chuyên trách làm đại diện quyền chủ sở hữu ngay trong năm 2015.
TBKTSG: Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về khu vực doanh nghiệp tư nhân?
- Về vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân, chúng ta đã bàn nhiều rồi. Trước đây chúng ta nói doanh nghiệp tư nhân là quan trọng; sau đó chúng ta coi đây là một động lực phát triển; gần đây lại đặt ra vấn đề đó là động lực phát triển quan trọng. Như vậy, chỉ khác nhau về mặt diễn đạt thôi; còn vai trò, vị trí của khối doanh nghiệp tư nhân chúng ta đã thấy là hết sức đúng đắn trong nền kinh tế rồi.

Bây giờ nhìn vào Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các luật này có cách tiếp cận rất mạnh dạn, mang tư tưởng rất đột phá là cái gì pháp luật không cấm thì người dân, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh. Cùng hai luật này, hàng loạt các luật khác như Luật Quản lý kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... có liên quan tới thể chế kinh tế thị trường được thiết kế tích cực sẽ giúp tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, khuyến khích đầu tư của tư nhân. Tôi nghĩ sẽ có sức sống mới cho nền kinh tế.

Tư Giang

No comments:

Post a Comment