Monday, January 26, 2015

Đăng kiểm xe máy, thu phí ô tô...… không khả thi

Báo Tiền Phong, ngày 27/01/2015,         http://www.tienphong.vn/xa-hoi/dang-kiem-xe-may-thu-phi-o-to-khong-kha-thi-815701.tpo,          Là thành viên nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Xuân Mai về các giải pháp hạn chế xe cá nhân tại TPHCM do UBND TPHCM đặt hàng bốn năm trước, TS Nguyễn Lê Duy Khải, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng, nhiều giải pháp chống kẹt xe Sở GTVT vừa đề xuất không khả thi.

TS Nguyễn Lê Duy Khải.
TS Nguyễn Lê Duy Khải.
TS Khải nói:
“Đề xuất cấp hạn ngạch (quota) cho xe ô tô hay thu phí xe ô tô đi vào nội đô theo mô hình của Singapore và một số nước khác đã được nghiên cứu cách đây 4 năm; không phải mới và việc thực hiện theo tôi là không có hiệu quả”.
Cấp quota đã áp dụng rất thành công tại nhiều nước, vì sao lại không thể áp dụng cho Việt Nam, theo ông?
Hiện nay chỉ có hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM là có hiện tượng kẹt xe. Ở những thành phố khác, kẹt xe hiếm khi xảy ra. Nếu hạn chế đăng ký mới ô tô ở Hà Nội và TPHCM thì sẽ xảy ra hiện tượng người dân đăng ký xe ở những địa phương khác rồi đem về Hà Nội và TPHCM chạy. Vì vậy, sẽ không giải quyết được vấn đề kẹt xe. Tương tự ngày trước từng có đề xuất mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy, vì không hợp lý nên phải bỏ. Bao giờ chính sách ấy được ứng dụng trên toàn quốc mới khả thi. Singapore là một đảo quốc nhỏ áp dụng được chứ Việt Nam thì chắc chắn không thành công.
Biện pháp thu phí ô tô vào khu vực trung tâm liệu có giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông?
Thu phí ô tô vào trung tâm thành phố là hợp lý. Trước đây, TPHCM đã giao cho Cty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong nghiên cứu thực hiện. Tuy nhiên, để triển khai cụ thể, không hề dễ dàng. Ở Singapore có hệ thống thu phí tự động, có những cổng, trên mỗi ô tô có gắn thiết bị cảm ứng, khi xe vào trung tâm, đi qua cổng thì tự động trừ tiền… Ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, nên chưa thể làm được như vậy. Lập các trạm thu phí thì còn gây ùn tắc nhiều hơn so với không làm.  Nếu làm, phải có biện pháp hỗ trợ, như người không muốn đi vào trung tâm để bị thu phí thì bên ngoài phải có hệ thống các bãi giữ xe, có xe buýt đưa khách vào khu vực trung tâm… Phải có những phương án như vậy mới áp dụng được. Bây giờ mình chưa có, đang thiếu một hệ thống đồng bộ, chỉ đưa ra một ý tưởng thì không cách nào làm được.
Quy định niên hạn và thực hiện việc đăng kiểm đối với xe máy liệu có phù hợp?
Về mặt kỹ thuật, xe máy hay ô tô đều sử dụng động cơ đốt trong, sau một thời gian sử dụng, đến một mức độ nào đó thì chắc chắn động cơ sẽ đến tuổi và động cơ phát sinh ra nhiều khí thải. Lúc đó, cần phải thải bỏ để tránh gây ô nhiễm và vì không còn đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Hiện nay có quy định ô tô không được sử dụng quá 20 năm nếu phục vụ kinh doanh. Phương tiện gia đình thì không có giới hạn. Người ta vẫn cho rằng, mức độ sử dụng phương tiện gia đình không nhiều, sau 20 năm vẫn còn hoạt động tốt… Trên thế giới, thậm chí những xe cổ từ đầu thế kỷ XX vẫn còn chạy trên đường.
Về mặt kỹ thuật, tôi đồng tình với cách quản lý như vậy. Trên đường hiện nay còn nhiều xe máy rất cũ, xả khói mù mịt, không ai khống chế được việc đó. Đương nhiên vẫn còn một số ý kiến phản biện như xe máy tôi sử dụng trên 20 năm nhưng tôi quản lý, bảo dưỡng đều đặn nên vẫn chạy tốt… Nếu như vậy, để chặt chẽ hơn thì phải có bước tiếp theo là đăng kiểm giống như ô tô, cũng phải đi kiểm tra khí thải định kỳ. Vấn đề là nguồn lực hiện nay. Đăng kiểm ô tô thôi mà đã muốn ngộp thở rồi. Mỗi lần đăng kiểm, chủ phương tiện phải chầu chực cả ngày mà có khi chưa tới lượt mình. Bây giờ lại đăng kiểm thêm mô tô, xe gắn máy nữa, liệu có làm xuể không, đặc biệt là số lượng xe máy tại TPHCM hiện đã lên tới gần 7 triệu chiếc, gấp 10 lần ô tô.
Cám ơn ông.
Huy Thịnh

No comments:

Post a Comment