Thế khó của Nga
Nước Nga bước vào Giáng Sinh với tâm trạng không vui. Năm mới, nước Nga sẽ phải đối mặt với những việc suy thoái của nền kinh tế. Đồng ruble của Nga chắc chắn sẽ không thể khởi sắc trong vài tháng tới. Sự mất giá của đồng tiền kéo theo hàng loạt hệ lụy cho nền kinh tế.
Bất chấp việc các lãnh đạo nhà nước mạnh dạn tuyên bố đã đủ sức đối đầu với mọi tình huống xấu của nền kinh tế, thì sự thật vẫn hiển nhiên bày ra trước mắt.
Trong ngày "thứ ba đen tối" của Nga (16/12), đồng ruble đã giảm tới 10%, Ngân hàng trung ương Nga đã phải tăng lãi suất chủ chốt lên mức 17%, bất chấp chiêu bài này sẽ là con dao hai lưỡi. Nó giúp kiềm chế sự mất giá, nhưng lại là gánh nặng với các doanh nghiệp.
Và Nga phải chấp nhận rằng họ đang bị tác động kép khi những lệnh trừng phạt được áp dụng trùng vào thời điểm giá dầu cũng rớt thê thảm. Với một nền kinh tế phụ thuộc 50% vào xuất khẩu dầu mỏ, mỗi USD sụt giảm của giá dầu, Nga mất 2 tỷ USD/năm.
Hiện Nga đã bắt đầu mở kho dự trữ ngoại tệ, nhưng với số tiền 400 tỷ USD, theo phép tính trên, Nga có thể trụ được 2 năm là khánh kiệt. Và họ đã bắt đầu bán vàng để mở rộng nguồn lương khô ngoại tệ của mình.
Đồng ruble tiếp tục mất giá |
Với tính toán của Moscow đầu năm 2014, nếu giá dầu ở mức 100 USD/thùng, kinh tế năm 2015 của Nga giữ nguyên đà tăng trưởng. Nhưng hiện nay, giá dầu còn 60 USD/thùng, năm 2015, Nga sẽ suy thoái.
Tổng thống Putin đã phải phát đi lời kêu gọi giới tỷ phú Nga góp sức cứu nền kinh tế. Trùm tài phiệt Usmanov - người giàu nhất nước Nga đã bắt đầu móc hầu bao. Và để những người giàu chịu "thực hiện nghĩa vụ với đất nước" thì tình thế đất nước đã thực sự nguy nan.
Tuy nhiên, giữa muôn trùng vây siết, Tổng thống Putin vẫn quyết tâm chơi đến cùng cuộc chơi ở Ukraine. Moscow cho biết ngày 21/12, Ủy ban Chính phủ hỗ trợ nhân đạo cho các vùng lãnh thổ ở Donbass đã được thành lập. Và động tác đầu tiên, đoàn xe cứu trợ thứ 10 của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị để lên đường đến Lugansk và Donetsk trong nay mai.
Còn với bán đảo Crimea - bị lôi vào cơn lốc trừng phạt của phương Tây áp đặt, nhưng dường như vẫn yên tâm với tuyên bố của ông Putin trong cuộc họp báo quốc tế vừa diễn ra: "Kế hoạch của nước Nga với Crimea không có gì thay đổi." Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Nga còn, Crimea còn, Nga mất, Crimea mới mất.
Nỗi buồn Kiev
Tổng thống Putin đang nhất quyết đi theo đường lối duy nhất đã được vạch ra ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine. Những sự hỗ trợ mà Nga dành cho phe ly khai ở miền Đông có lẽ sẽ khiến cho chính quyền Kiev chạnh lòng khi nghĩ về những người đã tạo ra mình.
Ukraine còn rơi vào thảm cảnh hơn rất nhiều. Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Công nghiệp than của Ukraine, ông Aleksandr Svetelik đã phải thốt lên khi đánh giá về sự thiếu điện của Ukraine: "Đó thực sự là tình hình siêu khủng hoảng, không hiểu chúng ta đang ở chỗ quái quỷ nào."
Ukraine hướng về EU, nhưng EU không cứu họ |
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard&Poors (S&P) ngày 19/12 đã hạ bậc tín nhiệm của Ukraine xuống mức CCC- với triển vọng tiêu cực, đồng thời cảnh báo dự trữ ngoại tệ thấp đến mức nguy hiểm của Ukraine có thể khiến nước này vỡ nợ chỉ trong vòng vài tháng tới.
Ukraine cần được cứu hơn bao giờ hết, nhưng EU đã từ chối thẳng thừng về khả năng họ sẽ viện trợ kinh tế cho quốc gia này.
Mỹ vừa thông qua một dự luật về việc hỗ trợ tự do cho Ukraine. Theo đó họ sẽ bơm cho Kiev khoảng 350 triệu USD vũ khí sát thương, vũ khí hạng nặng. Nhưng với những gì mà Kiev đang cần, đặc biệt là kinh phí vận hành cỗ máy chiến tranh. Và số tiền mà Mỹ hứa hẹn, thực tế không khác gì một hạt muối ném xuống đại dương.
Chỗ dựa của ông Putin
Để lý giải vì sao nước Nga quyết tâm bám trụ với Ukraine, xét tới mối quan hệ thế giới, thực tế Chiến tranh lạnh 2.0 đã chính thức bắt đầu kể từ khi phương Tây ban bố lệnh trừng phạt với nước Nga từ tháng 6/2014. Và các biện pháp gia tăng trừng phạt chỉ là chất xúc tác để thế đối đầu Nga - phương Tây leo thang đến đỉnh điểm, chỉ thiếu nước hai bên cùng đóng cửa tuyệt giao như thế kỷ 20.
Tổng thống Putin ý thức được điều đó, và tình thế nước Nga khiến nhà lãnh đạo đứng trước lựa chọn: đối đầu hay rút lui. Nếu đối đầu, tất nhiên cuộc chiến nào cũng có hi sinh, kể cả chiến tranh kinh tế, tiền tệ. Và Moscow đang bắt đầu mất mát. Nhưng nếu rút lui, điều gì đảm bảo phương Tây sẽ buông tha cho Nga?
Putin đã buộc phải lựa chọn thế đối đầu, rút lui vào thời điểm này, đồng nghĩa với việc Nga mất tất cả, từ vị thế chính trị, cho đến lợi ích kinh tế. Một vấn đề buộc Tổng thống Putin phải đối đầu, đó là lợi ích Nga đang bị phương hại nghiêm trọng. Chính cách ông Putin kêu gọi đoàn kết dân tộc. Sự giúp đỡ của nhà giàu, đoàn kết tin tưởng chính quyền của nhân dân cho thấy người Nga đang ý thức được rằng đất nước của họ đang rơi vào thế hiểm nghèo.
Tuy nhiên, đối đầu với phương Tây, Nga hoàn toàn không thân cô thế cô, họ có nhiều niềm tin để giữ được thế chủ động trong cục diện. Và lá bài tủ của họ lại nằm ở đối phương - liên minh châu Âu.
Ông Putin đàm phán với những nhà lãnh đạo khối OPEC về giá dầu |
Trừng phạt Nga, EU tất nhiên có thiệt hại to lớn về kinh tế. Riêng việc Nga trả đũa bằng cấm nhập khẩu nông sản cho thấy Moscow vẫn tự chủ được nguồn cung của mình, nhưng EU lại khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Thực tế việc trả đũa của Nga nhắm vào nông sản như một phép thử cho mối quan hệ đối tác Nga - EU. Moscow đang nắm giữ ảnh hưởng trong cuộc chơi này.
Tương tự với việc đống ruble mất giá. Bản thân EU cũng phải thừa nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh mùa đông (18-19/12/2014) rằng họ thiệt hại ước từng hàng chục tỷ USD về việc mất giá của đồng tiền nước Nga. Và các biện pháp gia tăng trừng phạt với Nga cũng đi đôi hệ lụy là EU, đặc biệt các thành viên Trung và Đông Âu bị ảnh hưởng nặng nề.
Cuộc Chiến tranh lạnh trước đây, châu Âu là những người tuyên chiến, bởi giữa hai bên không có mối quan hệ đối tác, và phong trào xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô phát động trên các nước Đông Âu đặt phương Tây vào tình thế hiểm nghèo.
Nhưng thế giới của thế kỷ 21 đã khác, giữa Nga và EU có những mối quan hệ mật thiết, đặc biệt về năng lượng. Sau những cuộc khủng hoảng trước đây ở Ukraine năm 2006, 2008... EU đã ý thức được việc phụ thuộc vào năng lượng của Nga sẽ khiến họ bị đẩy vào chân tường. Nhưng sau bao năm, họ vẫn chưa thể thoát được chân tường đó.
Châu Âu không còn là cái bóng lờ mờ của Mỹ như thế kỷ 20. Trong thế kỷ mới, với bối cảnh thế giới đa cực, dù màu sắc Mỹ vẫn là chủ đạo, nhưng những nhà tư bản phương Tây đã đủ hiểu họ cần hoạt động vì lợi ích của mình, thay vì lợi ích của một kẻ nhà giàu khác.
Sự bất hòa giữa EU - Mỹ là điểm yếu lớn nhất mà Nga tự tin khai thác, để chơi tới cùng trong cục diện đối đầu này.
- Đỗ Minh Tú
No comments:
Post a Comment