Thursday, December 25, 2014

Giá dầu và tỷ giá

Thời báo Kinh Tế Sai Gòn, ngày 26/12/2014,        http://www.thesaigontimes.vn/124476/Gia-dau-va-ty-gia.html,        Cuối tuần rồi tỷ giá trên thị trường tự do vọt lên 21.500-21.550 đồng/đô la Mỹ, cao hơn tỷ giá niêm yết của các ngân hàng và vượt trần. Một số điểm thu đổi ngoại tệ cho biết số người hỏi mua nhiều hơn hỏi bán.
Khi giá dầu thô thế giới rớt, ít ai nghĩ xa xôi nó lại ít nhiều tác động đến tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định cán cân thanh toán tổng thể năm 2014 vẫn thặng dư khoảng 10 tỉ đô la Mỹ. Vừa rồi, NHNN lại bán ra hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Với số lượng đã mua vào khá lớn từ đầu năm, cơ quan quản lý ngành ngân hàng bán thêm 1 tỉ đô la Mỹ nữa nếu cần cũng không phải là chuyện không thể. 
Tuy nhiên, khi giá dầu về dưới 60 đô la Mỹ/thùng và thông tin từ cuộc họp báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được các phương tiện truyền thông chuyển tải đến dư luận, đã thấy một sự quan tâm sát sao hơn dành cho tỷ giá.
Lần đầu tiên dư luận chính thức được biết giá thành khai thác dầu của Việt Nam khoảng 30-70 đô la Mỹ/thùng và số thu ngân sách sẽ hụt 1.000-1.200 tỉ đồng nếu giá dầu giảm 1 đô la Mỹ/thùng. Theo dự kiến, năm nay xuất khẩu dầu thô sẽ đóng góp cho ngân sách 93.000 tỉ đồng trên cơ sở giá dầu bình quân năm 2015 được Quốc hội thông qua ở mức 100 đô la Mỹ/thùng. Tính cụ thể, giá dầu hiện đã giảm hơn 40 đô la Mỹ/thùng so với giá Quốc hội biểu quyết và sẽ làm ngân sách thất thu 40.000-45.000 tỉ đồng (trên 2 tỉ đô la Mỹ) trong trường hợp chúng ta không cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu.       
Bộ Tài chính đang và có thể sẽ tăng tiếp thuế nhập khẩu xăng dầu, cùng với truy thu nợ đọng thuế để bù đắp nguồn thu. Song 2 tỉ đô la Mỹ dự kiến thiếu kia do giá dầu giảm chưa có nguồn nào bù vào. NHNN tính rằng sự thiếu hụt đó sẽ làm thặng dư cán cân thanh toán tổng thể năm tới ở mức khoảng 8 tỉ đô la Mỹ, nghĩa là vẫn thặng dư nhưng ở mức ít hơn năm nay.
NHNN cũng nói thẳng áp lực đối với tỷ giá hiện nay là có, không đơn thuần chỉ còn là vấn đề tâm lý thị trường hay đầu cơ kiếm lời của một số tổ chức kinh doanh tiền tệ như vài tháng trước. Áp lực này, NHNN hoàn toàn có thể giải quyết được, vì nó không quá lớn so với quy mô hiện hành của quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Điều chỉnh tỷ giá, theo dự đoán của giới ngân hàng, chắc chắn sẽ diễn ra với mức độ dưới 1%, có thể là 0,5%, trong vòng 2-4 tháng tới, nhưng chưa phải bây giờ. Sự điều chỉnh mang tính chu kỳ hàng năm nhằm hỗ trợ xuất khẩu hơn là xuất phát từ áp lực tỷ giá.
Mọi thứ đã rõ ràng như thế, còn gì băn khoăn với tỷ giá nữa?
Sự băn khoăn nằm ở giá dầu. Ngay cả các tổ chức kinh nghiệm và sừng sỏ nhất trên thị trường tài chính quốc tế cũng không biết chính xác giá dầu sẽ đi về đâu. Khi giá càng xuống thấp, những dự báo về mức giá thấp hơn càng nhiều.
Với Việt Nam, nỗi e ngại đến từ hai điểm. Thứ nhất, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và PetroVietnam rà soát lại, những mỏ dầu có giá thành khai thác 70 đô la Mỹ/thùng sẽ tạm ngưng. Ở mức giá hiện tại, chỉ những mỏ có giá thành khai thác dưới 50 đô la Mỹ/thùng mới mang lại hiệu quả và đáng để đầu tư.
Có nên tăng sản lượng khai thác ở các mỏ có giá thành thấp để bù vào sản lượng? Có lẽ là không. Bộ Tài chính cho biết chúng ta không nhất thiết cứ phải khai thác và xuất khẩu ở mức giá hiện nay vì trữ lượng của ta không phải vô tận. Chúng ta hoàn toàn có thể giữ trữ lượng và chỉ khai thác khi giá dầu tăng trở lại.
Có thể hiểu nếu giá dầu đứng ở mức thấp và còn giảm, khả năng cắt giảm sản lượng và số lượng xuất khẩu sẽ xảy ra. Lúc đó nguồn thu ngoại tệ từ dầu thô sẽ giảm không chỉ ở con số 2 tỉ đô la Mỹ, mà có thể lớn hơn nhiều. Áp lực cho tỷ giá sẽ dày thêm.
Thứ hai là sự mạnh lên ngày càng rõ nét của đồng đô la Mỹ. Liệu vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, kim ngạch nhập khẩu, giải ngân ODA, kiều hối... có chịu tác động của sự mạnh lên thấy rõ này? Trước mắt nguồn kiều hối từ Đông Âu có thể không còn dồi dào như năm ngoái, năm kia do đồng rúp Nga mất giá và cuộc mưu sinh của Việt kiều tại đây gặp trở ngại. Trong khi đó, số nợ nước ngoài cả gốc và lãi mà Chính phủ phải trả cho năm 2015 cũng nhiều hơn trước.     
Việc hạ áp lực lên tỷ giá và định hướng thị trường lúc này do NHNN quyết định. Nâng lãi suất huy động đồng nội tệ lên một chút, chẳng hạn 0,5%/năm, là tạo lãnh địa cho tỷ giá “xả hơi”. Nhưng trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu, sức mua còn mỏng, nâng lãi suất là con dao hai lưỡi. Cân nhắc một cách kỹ lưỡng tỷ giá - thanh khoản ngân hàng - lãi suất tiền đồng liên ngân hàng để bơm/hút tiền giờ đây là công việc đòi hỏi “tay nghề” cao. So với những cơn sốt nóng, lạnh của tỷ giá thời kỳ 2008-2011, thử thách hiện tại không phải quá gay cấn để vượt qua. Liệu NHNN có làm được?
Lưu Hảo

No comments:

Post a Comment