Cuộc chiến giá dầu của Saudi Arabia nhằm bóp chết các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, làm suy yếu các đối thủ Iran, Iraq, dập tắt tham vọng quyền lực trong OPEC của Venezuela, Ecuador và làm tổn hại kẻ đủ sức mạnh đối kháng trên thị trường dầu như Nga.
Với sự giúp sức của chính sách cấm vận từ Mỹ và phương Tây, xem ra Saudi Arabia đã bước đầu thành công, nhất là với nước Nga.
Âm mưu bẻ nanh “gấu Nga”
Ảnh hưởng tham vọng của ông Putin
Ông Putin không phủ nhận khả năng sẽ tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa sau ba lần trị vì điện Kremlin. Có điều đợt suy thoái giá dầu này đang phá hoại tham vọng đó của ông.
Thay vì thực hiện lời hứa cải thiện hệ thống y tế Nga, ông đã cho sa thải bớt nhân công trong lĩnh vực này và đóng cửa một số bệnh viện, theo New York Post. Ông cũng hứa nâng cao mức sống người dân, nhưng hiện tại những chàng Ivan đang có mức sống kém đi từng ngày.
Tại cuộc họp báo thường niên ngày 18-12, khi được hỏi liệu có xảy ra một cuộc “cách mạng cung đình” – kiểu đảo chính do chính những quan chức cao cấp và thân cận tiến hành – Tổng thống Nga Vladimir Putin mỉm cười nói: “Chúng tôi không hề có cung đình nào cả, cho nên không thể có đảo chính cung đình được”.
Theo báo Anh Telegraph, có thể ông Putin đúng, với kinh nghiệm chính trị dày dạn của mình. Nhưng vấn đề là phải có lý do người ta mới đặt ra câu hỏi như vậy với ông Putin.
Quả vậy, theo Telegraph, giá dầu lao dốc cùng với các biện pháp cấm vận của phương Tây đã đưa kinh tế Nga tới mức tồi tệ nhất trong vòng 15 năm cầm quyền của ông Putin.
Theo báo The Wall Street Journal, cứ 1 USD sụt giảm của giá dầu, ngân sách Nga thiệt hại 2 tỉ USD mỗi năm. Giá dầu quốc tế giảm còn khiến đồng rúp mất giá tới 50% tính từ đầu năm.
Theo phản ứng dây chuyền, dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm gần 20%, xuống 416 tỉ USD trong năm qua, do ngân hàng trung ương nỗ lực cứu nội tệ, theo Reuters. Ông Putin đã phải lo lắng thốt lên với ngân hàng trung ương: “Đừng đốt dự trữ ngoại hối nữa”.
Giá dầu hạ vừa làm ngân sách Nga sụt giảm dữ dội, vừa phơi bày thêm một sự thật là chính quyền ông Putin đã không làm được nhiều trong việc đa dạng hóa nguồn thu, để đến nỗi vẫn phải sống dựa vào dầu nặng nề.
Chính ông Putin tự đánh giá người Nga đã không hành động đủ để đa dạng hóa nền kinh tế và thừa nhận việc giá dầu thế giới đi xuống đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc được công bố ngày 6-11, ông Putin đã không đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia cụ thể nào gây ra tình trạng rớt giá dầu. Nhưng một số nhà bình luận chính trị của Nga đã miêu tả chuyện này trên báo Nga RT như là một âm mưu của Saudi Arabia và Mỹ nhằm chống lại Nga.
“Những người cùng khổ”
Nước Nga khốn đốn khi dầu giảm tới 45% như vậy, bởi theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dầu phải ở ngưỡng 100 USD/thùng mới có thể đảm bảo cân bằng ngân sách cho nền kinh tế đang nhờ dầu và khí mà có 1/3 ngân sách và 2/3 kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy có thể hiểu Iran còn khó khăn ra sao, bởi cũng theo IMF, Tehran cần giá dầu ở mức 135-140 USD/thùng mới cân đối được. Với giá dầu hiện tại kinh tế Iran đang trên bờ vực. Cấm vận trước nay đã quen với Iran, nhưng cấm vận trong tình thế bên trong cũng không tự cung tự cấp nổi, đó là thảm họa.
Gặp khó khăn dữ dội trong cơn bão giá dầu còn phải kể đến Iraq, nước chẳng có gì cho thế giới ngoài vàng đen. Hơn ai hết, Baghdad cần dầu để duy trì sức mạnh cả về kinh tế và quân sự để chống lại quân nổi dậy đang đe dọa.
Tờ Christian Science Monitor thậm chí còn nhận định nếu giá dầu vẫn cứ giảm tiếp, chính quyền Caracas sẽ sụp đổ và nền kinh tế sẽ mất hàng thập kỷ để quay lại mức bây giờ. Dầu khí chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 25% GDP cho Venezuela. Những thành viên chủ chốt khác của OPEC như Nigeria cũng đang ngồi trên lửa.
Với việc dầu đóng góp tới 1/3 GDP và chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, không cần tính cũng biết Nigeria đang khó khăn cỡ nào với giá dầu giảm tới phân nửa như hiện nay. Dầu giảm nữa sẽ là thảm họa với quốc gia vẫn đang phải chống chọi với phiến quân quấy rối hằng ngày này. Giá dầu thấp cũng sẽ làm tổn thương Mexico khi 1/3 ngân sách nước này tới từ kinh doanh xăng dầu, trong đó xuất khẩu dầu đóng góp 15% ngân sách, chỉ đứng sau công nghiệp lắp ráp.
Các nước đang vẫy vùng ra sao?
Giải pháp của Nga: luôn luôn hướng về phương Đông. Nga và Trung Quốc hôm 9-11 ký kết một biên bản ghi nhớ về việc xây dựng tuyến đường dẫn khí đốt từ tây Siberia đến các tỉnh miền tây của Trung Quốc. Nếu đạt được thỏa thuận dự kiến kéo dài 30 năm này, Nga sẽ cung cấp 30 tỉ m3 khí đốt cho Trung Quốc kể từ năm 2018. Khách hàng mới này rất quan trọng với Matxcơva trong bối cảnh Nga đang bị giá dầu thấp hành hạ và cả nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây.
Trước đó, Nga cũng đã kịp ký hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với Trung Quốc trong thời hạn ba năm, giúp Nga đỡ phải dùng đồng USD hơn. Cả Kremlin và Trung Quốc đều không muốn bị phụ thuộc vào đồng USD, nhất là một đồng USD luôn được tiếp thêm sức mạnh từ những thùng dầu (petrodollar). Cả hai biết rất rõ nước nào có nền kinh tế dựa vào đồng USD càng nhiều sẽ thiệt hại càng nhiều trong cuộc chiến giá dầu.
Tổng thống Putin cũng mở cửa cả với phương Tây để đảm bảo đầu ra cho mặt hàng số 1 của mình khi quả quyết trong thời gian tới, châu Âu sẽ không thể tìm được một nguồn cung ứng khí đốt giá rẻ và đáng tin cậy hơn Nga. Ông hứa hẹn sẽ hợp tác với phương Tây nếu họ muốn điều đó.
Một số nước trong hoàn cảnh như Nga cũng đang tìm cách vẫy vùng hoặc nhượng bộ. Theo tờ Christian Science Monitor, Iran nhiều khả năng sẽ phải đàm phán với phương Tây, chấp nhận nhượng bộ gì đó trong chương trình hạt nhân, để đổi lấy những thứ thiết yếu nếu không muốn người dân nổi loạn và vô lễ với lãnh tụ tối cao.
Trong khi đó, Venezuela với tư cách là thành viên sáng lập của OPEC, đã liên tục kêu gọi và trách móc OPEC ròng rã mấy tháng nay về việc phải khẩn cấp giảm sản lượng.
Các nước khác lại hành động theo cách được coi là hạ sách: bất lực trước việc ngăn giá dầu giảm, họ đành tìm cách bù thâm hụt ngân sách bằng cách tranh giành thị phần với các nước khác, kể cả trong lẫn ngoài khối, cả đồng minh lẫn đối thủ, bằng việc giảm giá bán.
Kuwait lẳng lặng tăng chiết khấu cho khách hàng tại châu Á từ khoảng 2 USD/thùng lên 3,8 USD/thùng từ đầu tháng 12. Iraq thậm chí chiết khấu 4 USD/thùng cho khách châu Á.
Theo New York Post, nếu giá dầu vẫn như thế này trong năm tới, tác động tới các đối thủ của Mỹ là Nga, Iran và Venezuela, sẽ là một trong hai khả năng: tai họa hoặc thảm họa. Tuy nhiên, có những nước đang âm thầm hưởng lợi rất lớn từ đó.
No comments:
Post a Comment