Ngày 12/11, Philippe de Villiers- một doanh nhân đồng thời là một chính trị gia người Pháp đã cho biết rằng, lý do của việc Pháp chậm giao 2 tàu chở trực thăng Mistral cho hải quân Nga theo như hợp đồng đã ký kết trước đó, là Washington đã trực tiếp gây sức ép đối với Paris buộc nước này không được giao tàu theo đúng thỏa thuận.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFMTV, ông Villiers nói: “Có lẽ các bạn sẽ bất ngờ khi nghe thấy điều này. Mỗi ngày đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ đã nhận được một cuộc gọi từ bộ Ngọại giao Hoa Kỳ, yêu cầu các nhân viên đại sứ quán hủy bỏ việc cung cấp tàu Mistral cho Nga”.
Trước đó, Washington cũng đã đưa ra điều kiện sẽ giảm mức độ trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, nếu Paris chấm dứt hợp đồng cung cấp tàu hỗ trợ đổ bộ mang trực thăng cho Nga.
Về phần mình, chính trị gia nhận định, chắc chắn nước Pháp sẽ giữ lời hứa giao tàu cho Nga và đáp ứng tất cả các điều kiện đã được cam kết trong hợp đồng giữa Moscow và Paris. Có 2 lý do khiến Pháp không thể trì hoãn việc bàn giao thêm nữa.
Một là, Pháp đã ký một hợp đồng bán 2 tàu đổ bộ lớp Mistral cho Nga trị giá 1,12 tỷ euro. Nếu Paris sẽ phải bồi thường cho Moscow với số tiền lên tới 3 tỷ euro.
Hai là, tất cả các đối tác kinh doanh của Pháp gồm Ấn Độ và Trung Quốc đang theo dõi diễn biến của thương vụ Mistral. Nếu Pháp phá hủy hợp đồng, rất có thể họ sẽ đánh mất 2 đối tác quan trọng này.
Tàu Mistral của Pháp |
Hơn nữa, hiện Pháp đang “lưỡng lự” trước một quyết định mang tính lịch sử. Ông Villiers cho rằng, có thể Pháp sẽ rời khỏi NATO vì liên minh này là một tổ chức quân sự được thành lập tại thời điểm Xô Viết, xem Xô Viết là kẻ thù số một. Còn hiện tại Nga không phải là kẻ thù của Pháp.
Ông nói: “Trước khi bức tường Berlin sụp đổ đã có một thế giới hoàn toàn tự do và thống nhất, Hoa Kỳ, NATO, châu Âu và khối Xô Viết không phải là kẻ thù của nhau. Tất cả mọi thứ đã thay đổi, “thế giới tự do” đã biến mất, thay vào đó là thế giới mất ổn định, bạo lực, khủng bố, chiến tranh đang ngày càng lan rộng”.
Về thương vụ Mistral, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho hay, các tàu sân bay trực thăng Mistral sẽ được bàn giao cho Nga sớm, thì công ty đóng tàu DCNS lại khẳng định, chính phủ không cho phép họ xuất tàu vì vậy họ không thể ấn định được ngày giao hàng.
Một vấn đề khác xung quanh thương vụ Mistral mà Pháp buộc lòng phải bán cho Nga, bởi nếu 2 chiếc Mistral này không đến Nga, chúng sẽ bị phá hủy. Sở dĩ có điều này do Moscow đã tuyên bố, họ là đồng sở hữu của con tàu.
Hồi đầu tháng 11, một quan chức giấu tên của Ủy ban Hợp tác đối ngoại quân sự Nga cho biết trên tàu Mistral có hệ thống cáp quang thuộc quyền sở hữu của Nga.
"Pháp muốn bán nó cho ai cũng được, nhưng phải trả lại Nga hệ thống này. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc phá dỡ con tàu." - Vị quan chức này cho biết.
Hồi tháng 9 năm nay, Phó Thủ tướng Nga, ông Dmitry Rogozin cũng từng cảnh báo, nếu Pháp hủy hợp đồng không giao tàu cho Nga thì họ cũng không được bán cho ai hay đem vào sử dụng mà phải phá hủy chúng đi. Lý do là một phần ba linh kiện của tàu là do Nga chế tạo.
"Trước hết, phần đuôi của Mistral đã được thực hiện tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở St Petersburg. Đó là lý do tại sao nếu họ muốn giữ con tàu, chúng ta sẽ buộc phải phá lấy đi phần đuôi của nó mang về Nga sử dụng cho các tàu khác", ông Rogozin nói.
Được biết, Nga đã đặt Pháp đóng 2 chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral vào tháng 6-2011 trị giá 1,6 tỉ USD. Theo kế hoạch, chiếc đầu tiên mang tên Vladivostok sẽ được bàn giao cho hải quân Nga vào cuối năm 2014, trong khi chiếc thứ 2, mang tên Sevastopol, sẽ được bàn giao vào năm 2015.
Đỗ Phong (Tổng hợp ANTĐ, ĐVO)
No comments:
Post a Comment