Friday, November 14, 2014

Bôi trơn đã trở thành luật chơi

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 11/11/2014,    http://www.thesaigontimes.vn/122537/Boi-tron-da-tro-thanh-luat-choi.html,      - Hầu hết các doanh nghiệp đều tin rằng tham nhũng bôi trơn là thực tiễn thông thường và đã trở thành “luật chơi’ ở Việt Nam, theo một báo cáo về tham nhũng do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ăn hiệu quả hơn nếu không có tham nhũng. Ảnh TL SGT
Nghiên cứu được thực hiện bởi các công ty tư vấn của Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội, nhận xét: doanh nghiệp bị cuốn vào trong vòng xoắn ốc đi xuống – họ hối lộ vì sợ rằng nhiều doanh nghiệp cũng đang làm điều đó để có được dịch vụ như mong muốn và đồng thời cũng bởi vì các cán bộ nhà nước cũng đang chờ đợi điều đó.
Một doanh nghiệp được khảo sát nói: ““Chẳng ai đòi hỏi chuyện đó cả - chúng tôi chỉ kẹp số tiền khoảng từ 50.000 đồng đến 2.000.000 đồng vào trong bộ tài liệu mà chúng tôi nộp.”
Các đợt thanh kiểm tra của các cán bộ nhà nước, như kiểm toán thuế, thường là các cơ hội cho tham nhũng xảy ra. Một ngân hàng ở TP.HCM khai rằng đây là vấn đề rất phổ biến, cứ mỗi năm lại có đến hai đợt thanh tra. Các khoản chi phí không chính thức trong trường hợp này có thể dao động dưới dạng từ quà tặng và thết đãi, đến việc đưa tiền và hàng, tùy từng trường hợp.
“Việc ngân hàng đối đãi với đoàn thanh tra như thế nào tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Trung bình, chúng tôi phải chi trả khoảng 30 triệu đồng cho mỗi một cán bộ trong đoàn thanh tra”, báo cáo trích lời khai của một nguồn tin, cho biết.
Báo cáo cho biết, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng nhận thức đầy đủ được hết chi phí thực sự của tham nhũng và hầu như có xu hướng đưa chi phí tham nhũng vào các khoản chi phí thông thường. Không doanh nghiệp nào đánh giá được chính xác chi phí của tham nhũng. Chi phí này khác nhau tùy thuộc vào từng giao dịch và ngành kinh doanh. Tuy nhiên, ước tính dao động trong khoảng từ 4 đến trên 30% giá trị hợp đồng dự án hoặc giá trị hàng bán được. Ví dụ, một công ty ở Hà Nội cho biết để có chân trong gói thầu tại một bệnh viện tỉnh cần phải tăng thêm khoảng 40% vào giá hàng hóa.
Nghiên cứu trích dẫn số liệu từ các điều tra của Tổng cục Thống kê và của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2011, mỗi công ty trong mẫu trung bình trả từ 460 đến 600 triệu đồng các khoản thanh toán không chính thức, nhưng vẫn thu về trung bình khoảng 512 - 646 triệu đồng lợi nhuận trước thuế mỗi năm.
Các khoản thanh toán không chính thức như vậy tương đương với 78% - 107% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp, điều này có thể khái quát rằng để tạo ra 1 đồng lợi nhuận doanh nghiệp phải trả 0,7-1 đồng cho các khoản thanh toán không chính thức.
Tỷ lệ cao này cho thấy, nếu mọi yếu tố khác không đổi thì doanh nghiệp sẽ thu được lợi ích cộng dồn nếu không phải trả các khoản thanh toán không chính thức.
Nói cách khác, tỷ lệ các khoản chi phí không chính thức trên lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp của Việt Nam có thể làm ăn hiệu quả hơn như thế nào nếu không có tham nhũng.
Một số doanh nghiệp tham gia điều tra thừa nhận rằng mặc dù tham nhũng được coi là một "chi phí kinh doanh”, nhưng áp lực cạnh tranh có thể khiến doanh nghiệp đánh đổi chất lượng để có đủ số lượng hàng bán.
Mua bán vị trí, chức tước có nghĩa là việc làm không được phân bổ hiệu quả, lao động được tuyển dụng không có đủ kỹ năng để thực hành nghề cho một vị trí nhất định. Trong lĩnh vực ngân hàng, tham nhũng có thể dẫn tới gia tăng rủi ro khi thực hiện các giao dịch cho vay kém hiệu quả, lấy khoản thanh toán không chính thức làm cơ sở quyết định thay vì dựa trên năng lực tài chính thực sự của người vay.

Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động tham nhũng sẽ tạo tấm gương xấu cho nhân viên. Các quản lý doanh nghiệp tham gia phỏng vấn điều tra đã thừa nhận rằng vì tham nhũng đã quá phổ biến nên rất khó để có thể biết liệu có thể tin tưởng vào nhân viên của họ hay không.

Tư Hoàng

No comments:

Post a Comment