Metro sẽ hoàn tất chuyển nhượng cho BJC vào nửa đầu năm 2015
Việc mua lại Công ty Metro Cash & Cary Việt Nam BJC cho rằng, thương vụ này sẽ bổ sung vào mạng lưới phân phối hiện có của BJC tại Việt Nam, đồng thời hoàn thiện chuỗi cung ứng và đưa doanh nghiệp vươn lên trong thị phần phân phối hiện đại. BJC là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất Thái Lan. Tập đoàn này có 6 văn phòng ở Đông Nam Á với tổng doanh thu trong năm 2013 là 42 tỷ Bạt Thái. |
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty Metro Việt Nam cho biết, ngày 7-8 Tập đoàn Metro (Đức) đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan.
Theo đó, BJC sẽ mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam. BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty Metro Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan với giá trị 655 triệu Euro, tương đương 879 triệu USD. Việc chuyển nhượng này tuân thủ các điều kiện pháp lý và sự phê chuẩn của các cơ quan chức năng có liên quan. Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.
Nói về nguyên nhân dẫn đến sự chuyển nhượng, Metro từng khẳng định, vì muốn giảm hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của công ty và cải thiện lợi nhuận. Đặc biệt, muốn giảm bớt các nhãn hiệu khác và tập trung vào Cash & Carry - mảng kinh doanh thực phẩm bán buôn trụ cột của Metro.
Ông Olaf Koch, Chủ tịch Tập đoàn Metro cho hay, các đối tác Thái Lan nhận thấy tiềm năng lớn và cơ hội phát triển mạnh mẽ của công ty Metro Cash & Carry Việt Nam. Chắc chắn câu chuyện thành công của Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ được tiếp tục phát huy. Ông Olaf Koch cho biết thêm, Metro và BJC đã thảo luận về các hoạt động kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam.
Với giá trị mua bán là 879 triệu USD, Metro đang chờ thời gian để sang tay cho ông chủ Thái Lan. Tuy nhiên, trước thông tin Metro chuyển nhượng lĩnh vực bán sỉ tại Việt Nam, một vấn đề đang được mọi người quan tâm là, liệu có phải Metro Cash & Cary Việt Nam đã và đang làm ăn thua lỗ, thậm chí còn có nghi vấn chuyển giá.
Bởi vì theo Cục Thuế TPHCM, doanh thu của Metro liên tục tăng qua các năm nhưng lợi nhuận quy ra lại lỗ triền miên. Con số lỗ hàng năm thể hiện rõ, năm 2007 lỗ 157 tỷ đồng, năm 2008 lỗ 190 tỷ đồng, năm 2009 lỗ 160 tỷ đồng. Sau 12 năm kinh doanh tại Việt Nam, đúng 1 năm duy nhất là năm 2010 Metro công khai làm ăn có lãi 116 tỷ đồng. Các năm tiếp theo Metro Việt Nam vẫn đi theo "lối mòn” làm ăn thua lỗ. Theo đó, tính đến năm 2012 Metro lỗ lũy kế lên đến 598 tỷ đồng. Chính vì hoạt động kinh doanh thua lỗ nên 12 năm hoạt động ở Việt Nam Metro chưa từng nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy một nghịch lý: mặc dù lỗ liên tục trong các năm nhưng Metro Việt Nam không ngừng mở rộng thị trường. Hệ thống siêu thị Metro liên tục tăng từ Bắc đến Nam với 19 trung tâm trên cả nước cùng 3.600 nhân viên. Trong năm 2012-2013, doanh thu hoạt động của Công ty Metro tại Việt Nam đạt 516 triệu Euro.
Bàn về nghi án chuyển giá của Metro Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nghi vấn chuyển giá của Metro quá rõ ràng. Bởi vì không có doanh nghiệp nào hằng năm báo lỗ trên 100 tỷ đồng nhưng lại tăng doanh thu, tăng lao động và mở rộng thị trường… Đặc biệt, không có doanh nghiệp nào dại dột mở rộng thị trường kinh doanh khi không có lãi, điều này đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ lỗ- "Đây là điều bất bình thường”. Vẫn theo ông Doanh, cơ quan thuế cần tiến hành kiểm tra và thu hồi lại các khoản mà Metro Việt Nam đã trốn tránh trách nhiệm.
Liên quan đến môi trường đầu tư, nhiều chuyên gia lĩnh vực này cho rằng, 12 năm Metro đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, đây là thời gian không ngắn cho nên không thể khẳng định là họ làm ăn chụp giật. Có thể Metro đang tìm kiếm được thì trường nào đó hấp dẫn hơn nên có ý định chuyển đi. Vì có thể thị trường mới có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Theo Thanh Giang
Đại Đoàn Kết
Đại Đoàn Kết
No comments:
Post a Comment