Wednesday, October 1, 2014

Triều cường TP HCM cao nhất từ trước đến nay


VnExpress    Thứ tư, 17/10/2012, 14:25 GMT+7, http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/10/trieu-cuong-tp-hcm-cao-nhat-tu-truoc-den-nay/,    17h30 chiều nay, triều cường sẽ đạt mức đỉnh 1,61 m - nguy cơ gây ngập trên diện rộng. TP HCM đã huy động các lực lượng trực chiến, khắc phục sự cố và yêu cầu các công trình thủy lợi ngừng xả tràn.

dfg

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đợt triều cường giữa tháng 10 sẽ kéo dài 3 ngày (16-18/10) và đỉnh điểm là 17h30 chiều 17/10 khi đạt 1,61 m, sau đó sẽ giảm dần trong các ngày tiếp theo. Vì vậy, nếu kết hợp với mưa to TP HCM có khả năng tiếp tục bị ngập úng trên diện rộng.

Năm 2012, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM thực hiện nhiều biện pháp cấp bách để giảm và xóa ngập cấp bách như lắp đặt, vận hành 615 van ngăn triều, xây dựng các tuyến đê tạm, vận hành 28 trạm bơm để xử lý các điểm ngập nặng, điểm ngập phát sinh; duy tu nạo vét hơn 1.000 km cống thoát nước, 57 tuyến kênh rạch...

Tuy nhiên, tình hình ngập ở thành phố vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân. Sau đợt ngập nặng đầu tháng 10 vừa qua, trung tâm này cho biết, việc thi công các dự án thoát nước lớn đã chặn dòng chảy, bơm bùn đất vào hệ thống thoát nước, làm tắc nghẽn dòng chảy gây ngập trong khu dự án và các khu vực lân cận.

"Trung tâm chống ngập đã phối hợp với thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc xử lý nhưng tiến độ khắc phục còn chậm", ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm cho biết. Theo ông Thảo, hiện vẫn còn 32 vị trí thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.

Cũng theo trung tâm này, tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, xả chất thải rắn còn phổ biến cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng ngập nước tại TP HCM gia tăng. Trung tâm đã cùng UBND các quận huyện xử lý nhưng kết quả rất hạn chế.

Triều cường lên cao trùng vào giờ cao điểm là nỗi ám ảnh của người dân Sài Gòn. Ảnh: H.C.
Trong khí đó, theo các chuyên gia, triều cường tại TP HCM năm sau luôn cao hơn năm trước là do các "lá phổi" của thành phố đang bị "bức tử". TS Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn KHCN và Quản lý TP HCM) cho biết, lâu nay chúng ta vẫn nghĩ nguyên nhân là biến đổi khi hậu làm mực nước biển dâng cao. Nhưng thực tế, năm 1995-2010, nước biển chỉ dâng cao tối đa 2 cm trong khi thủy triều ở TP HCM lại dâng 20-25 cm và có thể cao hơn nữa.

"Các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè, vốn là những lá phổi, nơi thoát nước cho toàn thành phố, nhưng chúng ta đã san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa. Vì vậy, triều cường tại TP HCM liên tục tăng cao như hiện nay là do chúng ta đã làm chết những lá phổi này", tiến Sĩ Phúc khẳng định.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Tô Văn Trường (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) cho rằng, do địa hình tự nhiên của TP HCM vốn thấp, ven biển nên khi xuất hiện triều cường và mưa dông kết hợp, nguy cơ dồn ứ nước vào vùng thấp là rất lớn. Trong khi đó, nhiều kênh rạch tự nhiên đã bị san lấp làm giảm khả năng điều tiết. Các hiệu ứng tự nhiên ngày càng bất lợi cho việc thoát nước như biến đổi của lượng mưa, cường độ mưa (cả theo không gian và thời gian), triều dâng cao hơn, đất lún nhiều hơn…

Để giảm khả năng gây ngập úng, UBND TP HCM đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa ngưng xả tràn trong thời gian triều cường lên cao để "cứu" thành phố bớt ngập. Các bộ, ngành cũng đã thống nhất hồ Dầu Tiếng sẽ ngưng xả tràn từ 14h ngày 15/10 đến hết ngày 17/10 nhằm giảm khả năng gây ngập trên diện rộng tại TP HCM.

Đồng thời Ủy ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm kiếm cứu nạn TP HCM cũng có công văn khẩn yêu cầu các ban ngành, quận huyện sẵn sàng đối phó với đợt triều cường cao nhất từ đầu mùa mưa đến nay. Theo đó, để chủ động phòng chống, ứng phó và giảm thiểu các thiệt hại do đợt triều cường này gây ra, cơ quan này đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm phương án ứng phó với tình trạng ngập úng do mưa lớn kết hợp triều cường gây ra. Đồng thời, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư các khu vực xung yếu, trọng điểm đã được cảnh báo để kịp thời ứng cứu, đặc biệt là các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn...

Ban chỉ huy cũng yêu cầu Trung tâm điều hành chương trình chống ngập, Công ty Thoát nước đô thị, Sở Giao thông Vận tải, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố... sẵn sàng lực lượng để kịp thời khắc phục các sự cố ngập úng do triều cường và mưa lớn gây ra.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, sau đợt triều cường đầu tháng 10 vừa qua, những tuyến đường sẽ bị ngập nặng khi triều cường lên cao kết hợp với mưa gồm Lương Định Của (quận 2), Phú Định (quận 8), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) Bình Quới (quận Bình Thạnh ), Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập (quận 7), quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), Kinh Dương Vương, đường An Dương Vương, đường Phan Đình Phùng (Phú Nhuận), đường Phan Anh (quận 6), Hòa Bình (quận 11), Âu Cơ , Đồng Đen, Bàu Cát (quận Tân Bình)...

Hữu Nguyên

No comments:

Post a Comment