(ĐVO), ngày 23/11/2012. Dù bị từ chối làm việc, song các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam vẫn tiến hành khảo sát độc lập về động đất tại Sông Tranh 2 và đã đưa ra những kết luận mới về vấn đề này.
TS Nguyễn Văn Túc, Viện trưởng Viện Công nghệ nước và môi trường, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, ông quá thất vọng trước "quan trí" của một cán bộ lãnh đạo thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Nước phun xối xả trong hành lang thoát nước của thủy điện sông Tranh 2
Làm với trách nhiệm và lương tâm
TS Túc chia sẻ, sự cố về động đất tại sông Tranh 2 đã kéo dài suốt gần 2 năm trời kể từ khi tích nước, song đến giờ các kết luận về vấn đề này vẫn chưa được tường minh.
Sở dĩ ông Túc có kết luận về sự thất vọng là vì, khi các nhà khoa học mong muốn được góp sức, cùng tìm giải pháp cho động đất tại thủy điện sông Tranh 2 lại nhận được sự “thờ ơ”.
Kể lại diễn biến sự việc, ông Túc cho biết, trước đó, ngày 24/9/2012 Viện viện đã có Tờ trình số 75/VNMT-VP đề nghị tham gia khảo sát đánh giá nguyên nhân gây động đất, khả năng biến đổi địa chất và độ an toàn của đập thủy điện sông Tranh 2 gửi tới Liên hiệp Hội Việt Nam và các cơ quan: Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Bắc Trà My.
Ngay sau đó, VUSTA đã có văn bản số 647/LHHVN-VP về việc tham gia đánh giá độ an toàn của thủy điện sông Tranh 2 gửi tới Văn phòng Chính phủ và các Bộ hữu quan: Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường và Tập đoàn điện lực Việt Nam đề nghị quan tâm ủng hộ, cho phép và tạo điều kiện cho Viện CN Nước và Môi trường được tham gia thực hiện.
Thế nhưng, khi nhóm nghiên cứu gặp và trao đổi với ông Hoàng Quốc Vượng,Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được ông này đề nghị gửi bản đề cương khảo sát, điều tra hoạt động động đất vùng hồ và độ ổn định nền đập thủy điện ST2. Báo cáo này được gửi đến ngày 15/10 thì đến ngày 17/10 trao đổi qua điện thoại, ông Chủ tịch EVN thông báo rằng, ngày 18/10 ông phải đi công tác ở nước ngoài và công việc được giao cho Ban Tổng giám đốc EVN.
Sáng ngày 18/10, Viện trưởng Viện CN Nước và Môi trường đã làm việc trực tiếp với Văn phòng Tập đoàn EVN và được biết công việc này được giao cho ông Trần Văn Được - Phó Tổng giám đốc EVN, đồng thời cũng được Văn phòng Tập đoàn EVN cho biết ông Trần Văn Được đang công tác tại hiện trường thủy điện ST2. Bởi vậy, phải làm việc qua điện thoại và được ông Trần Văn Được trả lời như sau:"Tập đoàn điện lực Việt Nam không làm việc với những người đã nghỉ hưu ở Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam".
TS Túc cho biết, với lương tâm của những nhà khoa học đã có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu điều tra địa chất và trước nỗi lo lắng bất an của người dân huyện Bắc Trà My nói riêng về động đất và người dân toàn vùng hạ lưu đập thủy điện sông Tranh nói chung về độ an toàn của đập thủy điện ST2, “chúng tôi đã tự bỏ kinh phí đề thực hiện nhiệm vụ khảo sát”, ông Túc bức xúc.
Nhiều kết luận mới
Nhóm nghiên cứu đã đo đạc tại thực địa và phát hiện không có đứt gãy kiến tạo đang hoạt động chạy cắt ngang qua đập chính thủy điện sông Tranh 2.
Không có "Đứt gãy là nguồn phát sinh động đất chạy cách đập 2,5 - 3,0 km về phía Tây theo phương Tây Bắc - Đông Nam", như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã xác định trong Báo cáo số 1514/BC-KHCNVN ngày 18/10/2012 "Về động đất tại khu vực nhà máy Thủy điện ST2" và đã khuyến cáo: "Cần phải được lưu tâm xem xét nghiên cứu, đánh giá độ nguy hiểm động đất của nó".
Trong phạm vi lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 đã phát hiện và xác định được vị trí (tọa độ) của hệ thống gồm 7 đứt gãy kiến tạo đang hoạt động là nguồn phát sinh động đất. Chúng đều có tính thấm nước tốt (giàu nước ngầm) tạo điều kiện thuận lợi để nước hồ thấm sâu vào trong lòng đất tạo nên động đất kích thích hồ chứa ở công trình thủy điện sông Tranh 2 như đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Trong đó, đứt gãy B có phương Tây bắc - Đông nam là đứt gãy kiến tạo chính trong vùng hồ, được kéo dài về phía Nam đến Tà Vi và xa hơn nữa. Nguồn nước khoáng nóng xuất lộ trên đứt gãy kiến tạo B này.
Nhóm nghiên cứu đã kiến nghị, khi hồ chứa Thủy điện ST2 được tích nước trở lại, thì cần phải đặc biệt quan tâm theo dõi và quan trắc hoạt động động đất kích thích hồ chứa do tính chất hoạt động của hệ thống đứt gãy dưới lòng hồ chứa thủy điện sông Tranh 2.
Chúng tôi sẽ liên hệ với EVN để tìm câu trả lời về vấn đề này.
No comments:
Post a Comment