Friday, October 3, 2014

Thủy điện Sông Tranh 2: Nếu sự cố xảy ra ở đập thủy điện này thì ai là người chịu trách nhiệm?

Ngày 8.9.2012, TS Nguyễn Bách Phúc đẫ trả lời Báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh. Sau đây là nguyên văn các câu hỏi và các câu trả lời.


1. TS có nhận xét gì về quyết định đầu tư một dự án thủy điện lớn tại một địa điểm tiểm ẩn nhiều rủi ro (trong khu vực có những đứt gãy của các mảng địa tầng, có khả năng xảy ra động đất)?

TS Nguyễn Bách Phúc:
Câu hỏi này đã được trả lời trong quá trình Tư vấn xây dựng công trình, như lập Dự án đầu tư,Thiết kế kỹ thuật, Thẩm tra, Thẩm định.
Thực ra, các công trình vẫn có thể được thiết kế và xây dựng trên địa bàn như thế, nhưng khi Thiết kế kỹ thuật, phải tính toán với độ an toàn rất cao, cao hơn nhiều so với nơi bình thường. Đương nhiên điều này sẽ kéo Giá thành công trình lên rất cao, và việc thi công xây dựng công trình phải hết sức nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn. Việc chấp nhận đầu tư cao như thế hay không, sẽ do bài toán kinh tế quyết định, và nhất là không thể bỏ qua bài toán về an sinh xã hội.
Thường thì Thiết kế kỹ thuật cho các công trình rất ít khi xẩy ra sai sót, vì phải qua rất nhiều cấp kiểm tra, xét duyệt. Như vậy, nếu Đập Sông Tranh 2 được thi công xây dựng đúng theo thiết kế, thì chẳng có gì phải lo lắng, dù có xuất hiện bao nhiêu trận động đất kích thích.
Một khi công trình vừa xây dựng xong là đã “có vấn đề”, gần như chắc chắn 100% là lỗi của thi công xây dựng. Đập Thủy điện Sông Tranh 2 không thoát khỏi quy luật này. Gần 1 năm qua cả nước tốn rất nhiều sức lực, trí tuệ, thời gian, tiền bạc cho sự cố ở đây, chắc chắn nguyên nhân sự cố là ở thi công xây dựng, Tiếc thay, con đập mang trong thân mình đầy bệnh tình tứ chứng nan y, nhưng người ta cố tình che dấu bưng bít phương cách chữa trị, dường như chỉ cho vài viên thuốc cảm và bôi một ít dầu xoa, rồi tuyên bố hung hồn, rồi tô vẽ khen ngợi là đảm bảo chất lượng, là an toàn!
Chắc chắn rằng trong tương lai chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng những “vấn đề” của con đập tội nghiệp này!
2. Nghị định 72/2007 về an toàn đập đặt vấn đề ưu tiên cao nhất trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ hồ chứa nước là bảo đảm an toàn đập. Như vậy, với các thông tin liên tiếp xảy ra, theo TS thì cần phải làm gì để đảm bảo được nguyên tắc này, đồng thời trấn an được dư luận?

TS Nguyễn Bách Phúc:

Theo tôi, EVN và Bộ Công Thương không thể có cách nào để trấn an dư luận, nếu như họ vẫn tiếp tục hành động như từ trước và cả cho đén nay trong sự cố Đập Sông Tranh 2.
Tại sao? Tại vì họ đã tự đánh mất hết lòng tin của người dân, của giới khoa học, của công luận, của lương tri. Hãy đơn cử một ví dụ. Khi công luận phát hiện dấu hiệu đầu tiên của sự cố, là nước phun ra như thác ở mặt hạ lưu thân đập, họ đã cố tình lấp liếm, bằng cách ra sức bịt hết các miệng phun, lại còn gọi đó là sửa chữa đập, mặc đầu chính họ là ngươi hiểu rất rõ hành vi đó, hành vi bịt nước lại trong thân đập là hanh vi phá hoại đập, vì lẽ giản đơn là nước đó sẽ làm mủn đần thân đập. Khi công luận vạch ra điều này, họ im lặng, không hề trả lời, không hề nhận sai sót, không hề hứa sửa chữa. Nhưng có lẽ nghiêm trọng nhất, là hiện nay, họ tuyên bố đã khắc phục xong sự cố, đập đảm bảo chất lượng tốt, hết sức an toàn, mà họ vẫn không hề nhắc đến, quan tâm đến xử lý lượng nước đang nằm trong thân đập, lượng nước mà họ đã cố tình bịt lại trước đây.
Họ đã làm nhiều việc để đến nỗi đánh mất lòng tin của mọi người, nhưng có lẽ chỉ cần đơn cử một việc này là đủ.

3. Một trong những yêu cầu của pháp luật (tại nghị định 209/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng) là buộc trước khi tích nước, đập phải được kiểm tra và được chứng nhận phù hợp về chất lượng công trình, trong khi đó, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là đơn vị chuyên môn, tham mưu đưa ra các quyết định "kiểm chứng sự an toàn của đập" (và tuyên bố "đập vẫn an toàn": http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/09/dong-dat-khong-anh-huong-an-toan-thuy-dien-song-tranh/). Vậy thì theo TS, nếu có sự cố xảy ra ở đập thủy điện này thì ai là người chịu trách nhiệm chính? Những người đã kiểm tra và cho rằng Sông Tranh 2 vẫn an toàn, thì khi xảy ra sự cố mất an toàn, trách nhiệm của họ sẽ như thế nào?

TS Nguyễn Bách Phúc:
Vấn đề bức xúc nhất của hàng triệu người dân hiện nay là có thể tin vào kết luận của EVN và Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng không? Họ nói đã sửa chữa hoàn chỉnh, chất lượng tốt, là rất an toàn, nhưng ai tin họ?
Mọi người vẫn thắc thỏm với câu hỏi: quyết định thế nào trước mối đe dọa sinh mạng của hàng vạn người dân? Lại tiếp tục tích nước trong hồ như họ khẳng định?, hay phải chờ đợi một cuộc kiểm tra lại và sửa chữa lại, nghiêm túc và tin cậy hơn?
Và một câu hỏi gắn chặt với câu hỏi trên là: Ai có đủ thẩm quyền ra quyết định? Người ra quyết định chịu trách nhiệm thế nào trước sinh mạng của hàng vạn người dân? 
Ngày 23 tháng 3 năm 2012, Tiến sỹ Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam (chiếu trên Chương trình thời sự buổi chiều tối của Đài Truyền hình Việt Nam, xem trên Mạng:http://www.tienphong.vn/video-clip/570852/Dap-thuy-dien-song-Tranh-2-van-an-toan-tpot.html), và trả lời Thông tấn xã Việt Nam (đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của ai nếu không may vỡ đập, Ông Hùng đã nói: “có thể thấy pháp luật của ta hiện nay dường như đã ủy quyền cho chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc xây dựng, kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn công trình.” 

Như vậy, theo ông Hùng, bản thân ông cùng các quan chức cao cấp của Cục, của Bộ không ai có “quyền” gì cả, chỉ có chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc xây dựng mới có quyền kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn công trình. Từ quan điểm này, có thể hiểu rằng, nếu Đập Sông Tranh 2 không may bị vỡ, đó là việc của chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN) và các Công ty xây dựng Đập, còn ông Hùng và các Quý vị cao cấp nọ là vô can!
Nghiêm trọng hơn, nếu Đập Sông Tranh 2 không may bị vỡ, thì kể cả chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN) và các Công ty xây dựng Đập, kể cả ông Hùng và các Quý vị cao cấp nọ, không ai phải chịu một chút trách nhiệm nào, Bởi vì “có thể thấy pháp luật của ta hiện nay dường như đã ủy quyền …”  chứ pháp luật của ta hiện nay không hề giao trách nhiệm cho ai cả! Tất cả đều vô can!
Thảo nào mà ông Hùng và EVN luôn luôn mạnh mồm tuyên bố “có thể khẳng định là Đập vẫn đảm bảo an toàn”, khẳng định hùng hồn đến thế, ngay cả khi con đập đang quằn quại trong cơn bệnh hiểm nghèo, và ngay cả bây giờ, khi con bệnh mới được chữa trị qua quýt!

Cũng may ông Hùng nói một câu “có vẻ nửa chừng”: có thể thấy pháp luật của ta hiện nay dường như đã ủy quyền cho chủ đầu tư, các nhà thầu . . .”. Vậy pháp luật của ta hiện nay chắc chắn(chứ không phải là “dường như”) đã ủy quyền cho ai?
Hơn nữa, có phải pháp luật của ta hiện nay không giao “trách nhiệm”, “nghĩa vụ”  bảo đảm an toàn công trình cho ai cả?
Chẳng lẽ luật pháp của chúng ta lại lỏng lẻo như thế?
Tôi không phải là Luật sư, không biết trả lời những câu hỏi này, xin mời các vị Luật sư trả lời giùm.

Trong khi chưa tìm ra câu trả lời, chúng tôi cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN không có khả năng, không đủ thẩm quyền để quyết đinh cái việc liên quan đến hàng vạn sinh mạng của người dân.

No comments:

Post a Comment