Wednesday, October 1, 2014

Phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe máy: bài toán khó!


Thesaigontimes ngày 6/6/2014, http://www.thesaigontimes.vn/115969/Phat-trien-giao-thong-cong-cong-han-che-xe-may-bai-toan-kho!.html,        Diễn đàn chính sách công châu Á 2014 đã dành trọn ngày hôm qua 5-6 để thảo luận về giải pháp phát triển giao thông công cộng ở các thành phố châu Á đang tăng trưởng nhanh như TPHCM. Ý kiến đa dạng của các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch đô thị nhiều nước cho thấy, vấn đề tổ chức giao thông hiệu quả ở các thành phố này vẫn là bài toán nan giải.

Hạn chế xe máy tại TPHCM là bài toán khó. Ảnh: Anh Quân.
Cụ thể, vấn đề giao thông đô thị của TPHCM (Việt Nam), Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) được các chuyên gia phân tích như là những trường hợp điển hình.
GS. Jose Antonio Gomez, Đại học Harvard - một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và chính sách công - cho rằng, ba thành phố kể trên đang đứng trước thách thức (phổ biến) trong giai đoạn phát triển hiện nay là nhu cầu đi lại tăng nhanh – do cư dân đô thị tăng nhanh và sự chuyển đổi phương tiện vận chuyển (từ phi cơ giới sang cơ giới).
Theo ông, số kí-lô-mét đi lại của các cá thể trong đô thị TPHCM, Bangkok, hay Jakarta đang và sẽ tăng nhanh nên phải cần thêm năng lực về vận tải (đường cao tốc lẫn đường sắt). “Đó là thách thức không thể tránh”, ông Gomez nói. Đồng thời ông đặc biệt lưu ý về vấn đề quản lý mạng lưới đường bộ sử dụng bởi các phương tiện cá nhân – vì không kiểm soát tốt đô thị sẽ tắc nghẽn.
Dù quá trình chuyển đổi phương tiện cá nhân từ xe máy sang ô tô chưa thật sự diễn ra tại TPHCM, nhưng ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường kiến trúc Harvard (Mỹ) lo tương lai nó sẽ xảy ra khi nền kinh tế phát triển. Nếu để điều đó xảy ra thì giao thông đô thị sẽ bế tắc nên ngay bây giờ phải có những giải pháp phát triển giao công cộng, theo ông Du.
Theo các chuyên gia đến từ Indonesia, dù ô tô hay xe máy thì phương tiện cá nhân cũng là vấn đề lớn của đô thị cần phải giải quyết. Vì sao? Tham luận của các chuyên gia (đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ) tại hội thảo cho thấy tai nạn giao thông do xe máy đang là một vấn đề lớn của đô thị. Hầu hết các chuyên gia cho rằng cần hạn chế xe máy, nhưng hạn chế bằng cách nào?
GS. Cheng Min Feng, Đại học giao thông quốc gia (Đài Loan), cho rằng có 80% người dân Đài Bắc sở hữu xe máy nhưng số người sử dụng xe máy để lưu thông ít hơn, vì hệ thống giao thông công cộng của thành phố này đã và đang được cải thiện. “Khi giao thông công cộng phục vụ người dân tốt thì họ sẽ từ từ chuyển đổi thói quen di chuyển”, ông Feng nói.
Theo kinh nghiệm của Singapore thì chính quyền nên đưa ra lộ trình cấm xe máy. Được coi là thành công trong việc hạn chế xe máy nhưng cách làm của Singapore bị nhiều chuyên gia cho rằng “nó không công bằng”, và trong một chừng mực nào đó nó không thể làm được vì thể chế chính trị. “Trước khi chính quyền lấy của người dân một cái gì đó thì phải trả cho họ một cái gì đó. Nghĩa là, chính quyền không thể tước đoạt quyền di chuyển bằng xe máy của người dân khi dịch vụ vận chuyển công cộng chưa tốt”, ông Feng nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Indonesia cho biết, chính quyền Jakarta áp dụng các loại thuế, phí lên xe máy để hạn chế và bước đầu cũng cho thấy có hiệu quả. Chính quyền Bangkok thì tập trung phát triển giao thông công cộng, biến xe máy thành phương tiện giao thông công cộng (phát triển các đội xe ôm - phục vụ người dân từ nhà hoặc nơi làm việc đến các điểm xe buýt, bến tàu điện…)
Hầu hết các chuyên gia tham dự hội thảo đều muốn hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong các đô thị đang phát triển nhanh ở châu Á. Để làm được việc này, theo họ chính quyền các thành phố phải kiểm soát cho được phương tiện giao thông cá nhân và ưu tiên phát triển giao thông công cộng.
Nhưng phương tiện giao thông công cộng nào cần được ưu tiên: metro, xe điện mặt đất, xe buýt nhanh, xe buýt thường…?
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, thường các nhà chính trị hay chọn những loại phượng tiện giao thông cộng cộng mới, hiện đại (tiêu tốn nhiều tiền của, dễ tham nhũng)… Nhưng vấn đề là phải biết phát triển các loại phương tiện hài hòa, tùy vào từng đô thị cụ thể và điều kiện về tài chính.
Hiện nay, cũng như Bangkok, Jakarta các đồ án quy hoạch về giao thông công cộng của TPHCM đa phần còn nằm trên giấy vì tìm nguồn tài chính là cả một vấn đề. Cho nên, GS. Danang Parikesit, Đại học Gadjah Mada, Indonesia, cho rằng các thành phố như Jakarta, TPHCM hay cả Bangkok, trong vòng 20 năm nữa xe máy vẫn là phương tiện giao thông kết nối giữa các phương tiện giao thông công cộng khác.
Quang Chung

No comments:

Post a Comment