Giải pháp phân luồng một chiều để giảm kẹt xe dù đã thí điểm có kết quả nhưng vẫn chưa được đẩy nhanh.
Mặc dù kẹt xe tại TP.HCM đã trở thành chuyện “cơm bữa”. “Cứ bước ra đường là bị kẹt xe. Đường nào cũng kẹt”, nhiều người dân bức xúc.
Trục đường Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng (Q.Phú Nhuận và Q.3, TP.HCM) vào giờ cao điểm buổi chiều, dòng xe cộ nhích từng chút một từ ngã tư Phú Nhuận hướng về trung tâm thành phố. Nghiêm trọng nhất là đoạn gần cầu Kiệu, dòng xe gần như nghẽn lại. Vừa qua khỏi cầu Kiệu, dòng xe tiếp tục bị ùn lại tại các giao lộ Hai Bà Trưng - Lý Chính Thắng, Hai Bà Trưng - Trần Quốc Toản...
Tương tự, hầu hết trục đường chính khác của thành phố như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt... cũng kẹt xe mỗi ngày ít nhất hai lượt. Theo Ban An toàn giao thông thành phố, trên các trục đường này vào giờ cao điểm tốc độ của xe hai bánh chỉ còn khoảng 10km/giờ, chậm hơn cả xe đạp! Do vậy chỉ cần xảy ra sự cố trên đường là lập tức gây ùn tắc.
Kẹt là đương nhiên
Kẹt xe được Sở Giao thông công chính (GTCC) xem là “chuyện đương nhiên”. Nguyên nhân, theo sở, quĩ đất dành cho giao thông quá thấp, trong khi lượng xe cá nhân tăng đột biến. Cụ thể trong năm 2006, thành phố tiếp nhận thêm hơn 370.000 xe gắn máy mới, nâng tổng số xe lên 3,2 triệu chiếc. Chưa kể khoảng nửa triệu xe gắn máy của người dân từ các địa phương khác vào thành phố sinh sống, làm việc.
Sự gia tăng đáng kể số lượng, tần suất hoạt động của xe buýt thời gian qua cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. Trên các đường Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Cách Mạng Tháng Tám, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh..., từng hàng xe buýt lớn chạy nối đuôi hoặc song song nhau choán hết cả phần đường dành cho các phương tiện khác. Mỗi lần xe buýt ghé trạm là cả dòng xe hai bánh đằng sau lập tức bị ùn lại. Hiện TP.HCM có gần 3.300 xe buýt, so với cách đây ba năm tăng hơn 1.000 xe buýt.
Ùn tắc nghiêm trọng nhất là tại các giao lộ do có nhiều dòng xe giao cắt trực tiếp với nhau. Trong năm 2006 đã xảy ra bảy vụ kẹt xe kéo dài trên 30 phút tại ngã tư An Sương, ngã tư Bình Triệu, ngã ba Cát Lái, cầu Sài Gòn và cầu Chữ Y.
|
Ngập nước nghiêm trọng và trên diện rộng cũng gây kẹt xe. Một số tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Thị Nghè)... vốn ít xảy ra ùn tắc nhưng mỗi lần mưa hay triều cường là nước ngập hơn nửa đường khiến dòng xe hai bánh và ôtô chen chúc nhau trong nửa phần đường còn lại.
Hàng loạt dự án nâng cấp hạ tầng đô thị trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố cũng khiến tình hình giao thông thêm phức tạp. Đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Bình Trọng, Châu Văn Liêm, Huỳnh Mẫn Đạt... gần như bị băm nát bởi các “lô cốt” rào đường thi công cống thoát nước góp phần gây kẹt xe và làm tăng áp lực xe cộ lên các đường lân cận.
Một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết sắp tới khi xây xong các bãi đậu xe ngầm nguy cơ kẹt xe tại khu vực trung tâm sẽ còn tăng cao vì bên dưới bãi đậu xe có trung tâm thương mại, nhà hàng thu hút các phương tiện đổ về đây. Trong đó dự án xây dựng bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám dự kiến bố trí đường lên xuống gần giao lộ Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng có thể khiến giao lộ vốn quá tải này bị tắc nghẽn.
Đặt trách nhiệm lên... người dân
Trong khi chờ các giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc như mở rộng đường, xây dựng các đường vành đai cho xe tải lưu thông... thì biện pháp giảm ùn tắc hiệu quả nhất hiện nay là điều chỉnh lưu thông một chiều các tuyến đường. Vừa qua, Sở GTCC đã phân luồng một chiều bảy đoạn đường thuộc bốn khu vực: Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tri Phương - Trần Phú, Nguyễn Trãi, Phan Đình Giót - Phạm Hồng Thái - Phổ Quang và Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn. Qua gần hai tháng điều chỉnh cho thấy tình trạng kẹt xe tại các giao lộ này đã giảm hẳn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Sở GTCC vẫn còn quá chậm khi chưa tiếp tục triển khai phân luồng một chiều trên diện rộng.
Mới đây, Sở GTCC có kế hoạch trong tháng 6-2007 phân luồng một chiều nhiều tuyến đường trung tâm như: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật, Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân, Phạm Viết Chánh, Cống Quỳnh... Thế nhưng sau đó Sở GTCC lại quyết định hoãn việc phân luồng một chiều để chờ thăm dò mức độ đồng thuận và cho người dân lựa chọn phương án phân luồng. Như vậy thay vì tập trung xây dựng phương án phân luồng hiệu quả và tuyên truyền rộng rãi đến người dân thì sở lại “đặt trách nhiệm” lựa chọn phương án phân luồng lên vai người dân.
PHƯƠNG THANH
No comments:
Post a Comment